Thầy trò đánh nhau ở Hậu Giang: Cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm

Thầy trò đánh nhau ở Hậu Giang: Cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm

Thứ 2, 27/02/2017 | 19:27
0
Liên quan vụ thầy trò đánh nhau ở Hậu Giang, mới đây nhà trường nơi xảy ra sự việc đã có quyết định kỷ luật với cả 2 bên, thông qua đó, gióng lên báo động cần chỉnh đốn lại đạo đức trong học đường.

Vừa qua, trên các trang mạng xã hội đang xôn xao khi xuất hiện một clip ghi lại cảnh thầy giáo và học sinh đánh nhau trong một lớp học ở Hậu Giang. Ngay sau khi clip được phát tán, cơ quan chức năng đã xác định địa điểm xảy ra vào giờ học môn toán ngày 15/2 tại lớp 10A3, trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo trường đã có quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách thầy N.Q.K. do xử lý tình huống không đúng, ảnh hưởng đạo đức nghề nghiệp, nữ sinh N.T.K.N. bị cảnh cáo trước toàn trường vì có hành vi vô lễ với giáo viên. Ngoài ra, học sinh dùng điện thoại quay cảnh đánh nhau cũng đã bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật do sử dụng điện thoại trong giờ học. Riêng đối với người tung đoạn clip nói trên lên mạng đã bị phê bình trước lớp. 

Tư vấn - Thầy trò đánh nhau ở Hậu Giang: Cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm

 Hình ảnh thầy trò đánh nhau bị phát tán trên mạng.

Nguyên nhân ban đầu do em N. nói chuyện, gây mất trật tự trong giờ học nên bị thầy K. nhắc nhở. Nữ sinh này đã phản ứng kèm những lời lẽ, hành động không hay dẫn đến vụ việc trên. Sự việc xảy ra khiến dư luận hết sức bức xúc và phẫn nộ, đặc biệt trước thái độ vô lễ của nữ sinh trong clip. Qua sự việc, có thể thấy rằng, truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được gìn giữ và phát huy bấy lâu bị phá vỡ, đồng thời phản ánh thái độ ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay.

Liên quan sự việc, luật gia Doãn Khánh Ly, trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm của mình liên quan về đạo đức trong học đường cần phải được nâng cao:

Người xưa đã nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai. Ở độ tuổi này, chúng có sự hiếu động, nghịch ngợm muốn khám phá, muốn tìm hiểu bản thân mình. Nhưng hiện nay, một số học sinh đã vượt quá giới hạn cho phép, phá vỡ quy tắc đạo đức, thậm chí là vi phạm quy định của pháp luật.

Trong sự việc nêu trên, rõ ràng lỗi xuất phát trước từ phía nữ sinh tên N. khi vi phạm quy định trong lớp học, đó là việc làm mất trật tự. Song khi bị thầy giáo nhắc nhở, thái độ không tốt dẫn đến phản ứng mạnh mẽ thái quá đã gây ra hành vi vô lễ. Tuy nhiên, dưới góc độ nào đó, có thể do đang trong lứa tuổi “lưng chừng”, người lớn không phải, trẻ con cũng không nên tâm lý các em đang có sự chuyển biến phức tạp, dễ gây ra những hành vi nông nổi. Nhấn mạnh về điều này không phải vì bênh vực mà ở đây, tôi muốn giúp mọi người có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn, tìm ra hướng giải quyết và phương pháp giáo dục các em một cách hợp lý. Về lỗi mà học sinh N. đã gây ra, em sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo nội quy của nhà trường.

Tư vấn - Thầy trò đánh nhau ở Hậu Giang: Cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm (Hình 2).

 Ngôi trường nơi xảy ra sự việc.

Về phía thầy giáo K., để xảy ra sự việc đó là điều ngoài mong muốn. Với cương vị một giáo viên, khi học sinh vi phạm nội quy của lớp học, họ hoàn toàn có quyền xử lý trong một chừng mực nhất định. Trong trường hợp này, học trò đã không “tôn sư trọng đạo” nhưng người làm thầy cũng không đủ bản lĩnh, kiềm chế nóng giận để làm chủ tình hình và gây ra hành vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Có thể do kinh nghiệm hay nghiệp vụ sư phạm còn yếu kém nhưng chỉ vì một phút nóng giận mà hình ảnh đáng xấu hổ trong học đường được đem ra làm đề tài bàn luận.

Về vấn đề pháp luật, đối với thầy, trò trong trường hợp này cùng với các học sinh quay clip và phát tán nó lên mạng xã hội đều chưa đạt đến mức phải xử lý hình sự hay xử phạt hành chính, do đó, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chỉ là vấn đề về đạo đức học đường.

Thông qua sự việc, thiết nghĩ, khi để sự việc xảy ra trong chính môi trường giáo dục, bản thân thầy cô giáo và mỗi học sinh cần phải xem xét lại thái độ của chính mình, rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành vi ứng xử để không xảy ra các sự việc tương tự.

P.V