Thầy trò “loạn đả”, đạo đức học đường “lao dốc”

Thầy trò “loạn đả”, đạo đức học đường “lao dốc”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Vụ việc thầy đánh trò nhập viện tại trường PTTH ứng Hòa B khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Mới đây, dư luận cả nước "sốc" về thông tin một thầy giáo tại trường PTTH ứng Hòa B (xã Đồng Tâm, ứng Hòa, Hà Nội) đánh nam học sinh đến nhập viện.

Được biết, thầy giáo bị tố đánh học sinh là Lê Văn Giồng và nạn nhân của vụ "dạy dỗ" bằng tay chân là em Trần Ngọc Sang, lớp trưởng lớp 11A12. Theo các nhân chứng kể lại, vụ việc trên xảy ra vào ngày 16/3.

Xã hội - Thầy trò “loạn đả”, đạo đức học đường “lao dốc”

Học sinh Sang tố bị thầy giáo đánh

Trong giờ kiểm tra, nghĩ rằng học sinh nói xấu mình, thầy Giồng đã kéo học sinh Sang ra khỏi bàn học, bẻ quặt tay và đưa sang phòng bên đấm, đá. Khi nhận được tin báo, bà Phạm Thị Bốn, mẹ của học sinh Sang đã gọi công an đến lập biên bản đồng thời đưa học sinh đi cấp cứu.

Xã hội - Thầy trò “loạn đả”, đạo đức học đường “lao dốc” (Hình 2).

G.S Lê Quý Đức

Suy thoái đạo đức học đường

G.S Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: "Các vụ việc trên chính là sự suy thoái đạo đức học đường giữa thầy - trò và liên quan đến cả hệ thống giáo dục". G.S Đức cho biết thêm, không chỉ có học sinh đánh thầy mà thậm chí có trường hợp học trò còn giết thầy như trong phim hành động Mỹ. Những sự việc đau lòng trên cần phải tìm ra nguyên nhân và có biện pháp nghiêm khắc xử lý để giữ đúng nét đẹp của học đường. Những người thầy đánh trò là việc không thể chấp nhận được. Họ là thầy giáo, người sẽ truyền dạy kiến thức và nhân cách sống cho học sinh mà lại lôi cái thói côn đồ ra để dạy những học sinh của mình. Còn đối với những học sinh, việc đánh thầy cô chẳng khác nào đánh chính bố mẹ mình. Theo G.S Đức, việc cần làm bây giờ là phải giáo dục cho lớp trẻ ý thức về đạo đức xã hội. Vì giới trẻ bây giờ học kiến thức không là chưa đủ. Tuy nhiên, việc giáo dục này cần phải kiên trì lâu dài chứ không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, trước vụ việc chấn động làng quê trên, Phó hiệu trưởng nhà trường ông Đinh Văn Phú cho rằng đó chỉ là "xô xát nhỏ" (!). Nhiều người bức xúc đặt ra câu hỏi, "xô xát nhỏ" sao học sinh Sang phải đi viện và nghỉ học 1 tuần?

Tuy nhiên, chỉ sau đó mấy ngày, 21/3, chính ngôi trường này lại xuất hiện một vụ việc "hi hữu": Thầy giáo đánh thầy giáo phải nhập viện trước mặt học sinh. Được biết, hai "đối thủ" là thầy Tạ Duy Hiển và thầy Tạ Thế Trung. Tuy nhiên, cũng sau khi vụ lùm xùm này xảy ra, Phó hiệu trưởng của trường này cũng đã lên tiếng tiếp tục khẳng định: "Chỉ là xô xát nhỏ”.

Trước đó, ngày 20/3, tại Trường THPT Ischool Sóc Trăng đã xảy ra vụ việc học sinh Lý Thái Bình, lớp 11C3 đánh thầy giáo Nguyễn Thành Trung bị thương nặng khiến dư luận bức xúc. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là trong giờ ra chơi, thầy Trung đã nhắc nhở Bình về ý thức học tập.

Ngay sau đó, cậu học sinh "hư hỏng" này đã trừng mắt nhìn thầy, phản ứng bằng cách chộp lấy cây gậy và phang tới tấp vào người dạy dỗ mình. Được biết, thông tin mới nhất, ngày 1/4, Công an TP. Sóc Trăng đã quyết định xử phạt hành chính 750.000 đồng đối với học sinh Lý Thái Bình.

Hay trường hợp một thầy giáo bị học sinh đánh bất tỉnh tại trường THCS An Châu, tỉnh An Giang đầu năm 2011. Theo các cơ quan điều tra, nguyên nhân của vụ việc được xác định là đang trong giờ học, phát hiện ra học sinh Nguyễn Hồng Tín lớp 7A8 chơi cờ vua nên thầy giáo đã nhắc nhở.

Để đáp lại, học sinh hư này rút thắt lưng da đánh tới tấp vào mặt, đầu thầy giáo. Hậu quả của vụ việc khiến thầy giáo này gục ngã ngay tại lớp và phải đưa đi cấp cứu. Theo vị Phó hiệu trưởng trường THCS AN Châu, học sinh đánh thầy thuộc loại "đầu gấu" trong trường. Sau khi đánh thầy giáo bất tỉnh, Tín còn thản nhiên thách thức các thầy cô giáo khác.

Khi hỏi về trách nhiệm của những sự việc thầy đánh trò, ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội, khẳng định, trách nhiệm thuộc về các cơ sở giáo dục bởi vì họ không quan tâm đúng mực tới việc tuyển người có đủ tiêu chuẩn, được đào tạo một cách có hệ thống. Và đương nhiên, cơ quan quản lý giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn ngành đã đề ra.

Nỗi đau của ngành giáo dục

Trước những vụ việc thầy trò "đả loạn" trong thời gian qua, nhiều người cho rằng, nó không chỉ mang tính chất là hành vi côn đồ mà còn là tiếng chuông cảnh báo y đức học đường đang xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi cho rằng, những sự việc trên là nỗi đau của ngành giáo dục. Việc thầy cô đánh hoặc đối xử thô bạo với học sinh là không thể chấp nhận được trong nền giáo dục hiện nay. Do vậy, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ để làm trong sáng hơn môi trường giáo dục.

V.Chương - L.Thành