“Thế giới cũng

“Thế giới cũng "kinh ngạc" về thuế, phí phương tiện của Việt Nam”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải góp ý về Đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Trong đó, Bộ Xây dựng tiếp tục nhấn mạnh vào các biện pháp đánh thuế, thu phí cao vào phương tiện cá nhân. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải.

Không công bằng, thiếu nhân văn

Là chuyên gia đầu ngành về giao thông đô thị, xin ông cho biết quan điểm của mình về Đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT?

Theo tôi, bản thân Đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải đã bộc lộ quá nhiều điểm bất hợp lý. Hiện nay, ở nước ta có đến 90% người dân sử dụng phương tiện cá nhân để lưu thông. Trong khi đó phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm từ 8 - 10%. Do đó, chủ trương đánh vào phương tiện đi lại của người dân là không công bằng và thiếu nhân văn. Thử hỏi, không cho phép hay hạn chế người dân đi lại bằng phương tiện cá nhân thì người dân đi lại bằng gì?

Xã hội - “Thế giới cũng 'kinh ngạc' về thuế, phí phương tiện của Việt Nam”

TS Nguyễn Xuân Thủy

Tôi được biết, trên thế giới chưa từng một nước nào áp dụng loại thuế phí vô lý này cả. Ngay khi đề án này được đưa ra, bản thân tôi cũng từng tham khảo nhiều chuyên gia hàng đầu vấn đề giao thông và đô thị của nhiều nước, họ đều trả lời "chưa từng nghe" thậm chí chưa từng tưởng tượng có loại thuế phí vô lý này. Tất cả đều đưa ra quan điểm: "Đây là thuế phí không tưởng, không nên làm và thiếu nhân văn".

Trong bản góp ý gửi tới Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đề xuất tăng thuế, phí phương tiện trên địa bàn cả nước thay vì một số thành phố lớn như đề án. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về bản góp ý này?

Hiện nay phương tiện cá nhân đã phải chịu quá nhiều loại thuế phí. Cụ thể hiện nay một chiếc xe phải chịu 3 loại thuế và 7 phí, nếu cộng thêm 3 phí khác nữa lên đến 3 loại thuế và 10 phí. Đây là một con số quá "khủng" và dẫn tới tình trạng "phí chồng phí". Đối với người giàu để nộp phí không có gì khó, nhưng người giàu ở Việt Nam chỉ chiếm từ 4 - 5 %. Trong khi, đại đa số người dân nước ta còn rất khó khăn. Việc chống ùn tắc giao thông cũng phải nhìn vào cuộc sống của người dân.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng thực chất đang "bắt tay" với Bộ Giao thông Vận tải để "tận thu" sức dân. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, chưa có cơ sở để khẳng định nghi ngờ đó, tuy nhiên rõ ràng Bộ Xây dựng đang ủng hộ Bộ GTVT thu thêm thuế, phí. Người dân sẽ không thể kham nổi nhiều khoản phí một lúc. Cứ đánh theo kiểu này bài toán ùn tắc giao thông chưa chắc đã được giải quyết nhưng cuộc sống của người dân sẽ ra sao?. Tấët cả cũng vì đời sống của nhân dân, cứ cho rằng ùn tắc giảm nhưng đời sống nhân dân càng cực khổ là trái với quy luật phát triển.

Áp đặt, khó chấp nhận

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc tăng các loại thuế này nên áp dụng trên địa bàn cả nước không chỉ đối với các thành phố lớn như đề xuất của Bộ GTVT. Vậy, ông nhận định thế nào?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc áp dụng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn cả nước lại càng vô lý. Bản đề án thu phí phương tiện cái nhân trước đây "đã không giống ai" nay bản góp ý cũng chẳng khá hơn? Trước đây, Bộ Giao Thông vận tải đề xuất chỉ áp dụng tại 5 thành phố lớn của cả nước đã là quá phi lý bởi ùn tắc là vấn đề của hai đô thị lớn nhất cả nước hiện nay là Hà Nội và TP.HCM. Áp dụng trên địa bàn cả nước chẳng khác gì thừa giấy vẽ voi. Việc Bộ Xây dựng kiến nghị như vậy là một sự áp đặt không thể chấp nhận được.

Nhiều chuyên gia khẳng định, một số nước từng rất thành công trong hạn chế phương tiện cá nhân. Vậy, tại sao nước ta lại không làm được, thưa ông?

Ở các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, phương tiện giao thông công cộng đáp ứng tới 40% - 60% nhu cầu đi lại của người dân. Việc họ có những quy định cấm các phương tiện cá nhân lưu hành trên một số tuyến phố nhất định là không có gì mâu thuẫn. Nhưng Việt Nam điều này là không tưởng. Bởi bản thân phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại thực sự của người dân, vì vậy không thể hạn chế, hoặc cấm phương tiện cá nhân lưu thông. Theo tôi, muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải phát triển phương tiện giao thông công cộng. Đó là giải pháp duy nhất, chỉ khi nào phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân thì lúc đó mới nghĩ đến hạn chế phương tiện cá nhân.

Còn việc đánh phí phương tiện vào nội đô giờ cao điểm, ông có quan điểm thế nào?

Trên thế giới nhiều nước áp dụng biện pháp này. Điển hình như ở Philippin, họ đánh thuế để tránh tình trạng người dân đổ xô ra đường vào trung tâm nhằm hạn chế ách tắc. Tuy nhiên việc đánh thuế cần phải có cách phân loại cụ thể. Không thể đánh thuế một cách tràn lan, cào bằng trên đầu phương tiện cá nhân. Chỉ phương tiện cá nhân của những người không có nhu cầu cấp thiết như đi mua sắm, tham quan, đi chơi... khi tham gia giao thông vào nội đô giờ cao điểm mới bị đánh thuế. Còn những người làm việc ở vùng nội đô thì không thể đánh thuế được.

Ông có bất ngờ về bản góp ý phản biện thì ít mà đồng thuận thì nhiều của Bộ Xây dựng không?

Điều đó không có gì bất ngờ! Thông thường, trước khi thông qua một bản đề án có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các Bộ, ban ngành thường đã có nhiều công văn trao đổi giữa các Bộ với nhau. Cũng có nhiều hội nghị chung diễn ra để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ. Thông thường, nhiều văn bản đã có sự đồng thuận giữa hai bên từ trước nên bản đóng góp của Bộ Xây dựng và đề án thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải không khác nhau nhiều cũng không có gì là lạ.

Xin cảm ơn ông!

Riêng các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng cần bổ sung giải pháp về công tác bảo trì, tăng cường công tác tuần đường phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ không để hư hỏng lớn mới sửa chữa, đặc biệt sau mưa bão. Về lộ trình thực hiện đề án, Bộ Xây dựng không có ý kiến về thời điểm triển khai nhưng cho rằng, đề án báo cáo Chính phủ cần có lộ trình cụ thể hơn đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển hành khách công cộng với hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Phúc Anh (thực hiện)