Thế nào là đầu thú, tự thú?

Thế nào là đầu thú, tự thú?

Thứ 3, 13/08/2013 | 11:31
0
Người mới bị công an nghi ngờ phạm tội, chưa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam ra trình diện, khai báo hành vi phạm tội thì là đầu thú hay tự thú? Nhiều vụ việc đang gây tranh cãi...

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt một năm tù nhưng cho bị cáo Đỗ Tấn Đạt được hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản.

Tài xế kiêm kẻ trộm

Đạt là tài xế taxi hãng Vinasun. Chiều 27-8-2012, Đạt lái xe chở gia đình anh Sơn ở phường Tân Quý (quận Tân Phú) đi dạo công viên. Trên đường đi, nghe gia đình anh Sơn nói chuyện, Đạt biết sáng hôm sau con gái của anh Sơn sẽ đi du học nước ngoài. Từ đây, Đạt nảy sinh kế hoạch trộm cắp nhà anh Sơn.

Sáng hôm sau, Đạt cố tình đậu xe taxi gần nhà anh Sơn để đợi gia đình này gọi xe chở ra sân bay. Anh Sơn gọi lên hãng Vinasun, Đạt nhanh chóng vọt xe đến trước cửa nhà. Đến sân bay, anh Sơn nói Đạt ở lại chờ anh tiễn con xong thì chở gia đình anh về, Đạt từ chối khéo. Sau đó, Đạt lái xe về nhà anh Sơn, dùng kìm cộng lực bẻ khóa, vào nhà gom iPhone, iPad, laptop, CPU, trang sức… đem đi bán được 11 triệu đồng (theo kết quả giám định, tổng trị giá thiệt hại là 18 triệu đồng).

Luật sư - Thế nào là đầu thú, tự thú?

Về nhà, phát hiện bị trộm, anh Sơn trình báo công an kèm với đoạn ghi hình kẻ trộm cùng chiếc taxi (hình ảnh không rõ lắm) từ camera nhà kế bên (cũng là nhà của anh Sơn) quay được.

Sau đó, Đạt đã ra cơ quan công an đầu thú. Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú phạt Đạt một năm tù. Đạt kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng việc Đạt đột nhập vào nhà nạn nhân trộm nhiều tài sản là có kế hoạch từ trước. Vì thế, mức án một năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên là thỏa đáng, cần giữ nguyên.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại có quan điểm khác. Theo tòa, bị cáo ra tự thú chứ không phải đầu thú như cấp sơ thẩm nhận định, đã khắc phục hậu quả đáng kể (30 triệu đồng trong khi tài sản trộm chỉ có giá trị 18 triệu đồng). Vì thế, tòa nghĩ nên cho bị cáo có cơ hội sửa sai, việc cho hưởng án treo cũng đã đủ tác dụng giáo dục.

Mỗi thẩm phán một cách hiểu

Điều đáng chú ý về mặt pháp lý trong vụ án là đã có sự nhận định khác nhau giữa tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm về tình tiết Đạt đầu thú hay tự thú.

Theo xác minh ban đầu từ cơ quan điều tra, kết hợp hình ảnh từ chiếc camera cộng với việc sàng lọc lịch trình từ tổng đài taxi Vinasun, cơ quan điều tra xác định Đạt là nghi can nên thuyết phục người thân Đạt vận động Đạt ra trình diện. Biết không thể thoát, Đạt ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội và được cho tại ngoại chờ xét xử. Chính từ các chi tiết này mà hội đồng xét xử sơ thẩm xác định rằng Đạt ra đầu thú.

Trong khi đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm thì lập luận rằng theo hồ sơ, ngày 26-10-2012, Công an quận Tân Phú khởi tố vụ án trộm cắp và chưa xác định được đối tượng. Đến ngày 6-12-2012, Đạt ra cơ quan công an trình diện. Như vậy, chỉ sau khi Đạt trình diện, cơ quan tố tụng mới xác định ai là người phạm tội bởi nếu đã xác định là Đạt phạm tội trước khi Đạt trình diện thì cơ quan điều tra đã phải khởi tố bị can, bắt Đạt rồi. Do đó, trong trường hợp này phải xác định Đạt tự thú mới chính xác.

Hướng dẫn thêm về đầu thú, tự thú?

Theo Sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao, tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể nhưng trong quá trình điều tra tự mình nhận tội, khai ra hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện thì cũng được coi là tự thú với hành vi phạm tội khác này... Còn đầu thú là có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện.

Chính vì đặc tính chủ động ra nhận tội khi chưa bị phát hiện nên hành vi tự thú luôn được đánh giá cao hơn đầu thú. Người phạm tội tự thú sẽ giúp việc điều tra, giải quyết vụ án được nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều. Vì thế, điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS quy định tự thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo Điều 47 BLHS, nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 46 BLHS trở lên thì người phạm tội có thể được tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt truy tố.

Còn việc đầu thú cho thấy người có hành vi phạm tội có tư tưởng hướng thiện, đã nhìn nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối cải, mong muốn giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và chủ động chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm của mình. Hành vi đầu thú thường được xem là “tình tiết giảm nhẹ khác” theo khoản 2 Điều 46 BLHS (do tòa xem xét nhưng phải ghi rõ trong bản án). Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ do tòa xem xét theo khoản 2 không phải là căn cứ để tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt truy tố.

Dù hướng dẫn phân biệt đầu thú với tự thú của TAND Tối cao khá rõ nhưng thực tế đã phát sinh những tình huống như trường hợp của Đạt làm các thẩm phán khó áp dụng, dễ gây tranh cãi. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất TAND Tối cao nên hướng dẫn rõ là trong trường hợp nghi can (mới bị nghi ngờ phạm tội, chưa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam) ra trình diện, khai báo hành vi phạm tội thì là đầu thú hay tự thú.

Một vụ tương tự

Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Mùi thuê nhà của Nguyễn Văn Thành ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM) để kinh doanh. Sau đó, hai bên làm hợp đồng để bà Mùi mua lại căn nhà này.

Tháng 9-2009, bà Mùi đến kêu người nhà Thành mở cửa thì hai bên xảy ra mâu thuẫn. Thành liền vào bếp lấy dao đâm bà Mùi nhưng được mọi người can ngăn. Khi bà Mùi bỏ chạy sang bên kia đường, Thành lại đuổi theo đâm nạn nhân gây thương tật 34%. Sau khi gây án, Thành ra công an phường đầu thú.

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình dựa vào nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết “người phạm tội tự thú” để áp dụng Điều 47 BLHS, xử dưới khung đối với Thành về tội cố ý gây thương tích (ba năm tù).

Tuy nhiên, sau đó VKS TP đã kháng nghị tăng án vì cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự thú” là không đúng. Bị cáo ra đầu thú chứ không phải tự thú, cấp sơ thẩm hiểu sai khái niệm, dẫn đến việc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử bị cáo dưới khung là không phù hợp...

Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)

Luật sư lo 'gỡ' cho người, mình chịu 'vướng'

Thứ 2, 12/08/2013 | 14:05
Quyền bào chữa gắn chặt với chức năng gỡ tội, có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các chức năng cơ bản khác của tố tụng hình sự Việt Nam là chức năng buộc tội và xét xử.

Luật sư vẫn bị 'xử' bằng... 'luật rừng'

Thứ 2, 12/08/2013 | 08:28
Môi trường hành nghề an toàn của luật sư (LS) đang bị đe dọa bởi những hành vi bạo lực, đôi khi cả những trò “lật lọng” của khách hàng dẫn đến “rủi ro nghề nghiệp của LS làm cho LS chịu áp lực, ngại tham gia sâu vào quá trình giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội”.

Luật sư: Con người tạo danh dự cho nghề nghiệp

Thứ 6, 09/08/2013 | 21:28
Trở thành một luật sư giỏi là niềm ao ước của rất nhiều người, không chỉ bởi nghề luật sư là một nghề cao quý mà còn bởi nghề ấy có thể khiến cho người luật sư có một chỗ đứng trong xã hội, được mọi người nể trọng, thậm chí là một cuộc sống no đủ, sung túc.

Luật sư và những tai tiếng nghề nghiệp

Thứ 6, 31/05/2013 | 11:10
Hơn ai hết, tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư phải sống và làm việc theo đúng pháp luật.

Luật sư: Thế nào là 'sống chung với nhau như vợ chồng'?

Chủ nhật, 28/07/2013 | 08:44
Có nhiều trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng 'sống chung với nhau như vợ chồng'. Bộ luật hình sự có điều luật quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, trong đó yếu tố định tội là người đang có vợ có chồng mà sống chung như vợ chồng với người khác.

Luật sư được tham gia trong quá trình thi hành án

Thứ 3, 23/07/2013 | 08:43
Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án. Thực tế nhiều trường hợp những người này không có điều kiện, không tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đã phải mời đến các luật sự tham gia.