"Theo nghiệp diễn là sự sắp đặt của số phận"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Tôi gặp NSƯT Trần Đức khi anh đang nhiệt tình trợ giúp nhóm sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh thực hiện bài tốt nghiệp với đề tài "quay và phỏng vấn người nổi tiếng" mà anh là nhân vật chính.

Chợt nhớ ca từ quen thuộc trong một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" NSƯT Trần Đức đã chọn từ cuộc sống những niềm vui giản dị như thế.

Dạy làm người trước khi dạy làm nghề

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, Trần Đức đến với nghiệp diễn như một sự sắp đặt của số phận. Năm 1971, sau khi làm đơn xung phong đi bộ đội anh đi khám sức khỏe ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Khi kết luận về tình trạng sức khỏe cô bác sỹ nửa đùa nửa thật: "Cậu chỉ làm được nghệ thuật thôi, không đi bộ đội được đâu" rồi xếp loại B vào cột sức khỏe của anh.

Ở nhà chờ mãi không thấy có giấy gọi lên đường nhập ngũ, vô tình lại có một người bạn mách Nhà hát Kịch Hà Nội có đợt tuyển diễn viên nên anh đánh liều nộp đơn dự thi và trúng tuyển. Cũng năm đó anh được Nhà hát gửi sang trường Sân khấu Việt Nam (nay là trường Sân khấu Điện ảnh) theo học lớp diễn viên. Đến tháng 6/1974 anh ra trường và về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội cho đến năm 2003 thì chuyển về trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Hiện anh đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa của trường.

Ở trường, NSƯT Trần Đức nổi tiếng là một người thầy thương yêu học sinh hết mực. Anh luôn tâm niệm đặt sự học làm người trước khi học làm nghề bởi đó mới là điều quan trọng.

Nghiệp diễn và những chuyện bây giờ mới kể

Cũng như nhiều nghệ sỹ gạo cội khác Trần Đức cũng từng sống trong thời kỳ đỉnh cao của kịch nói. Năm 1985 là một cái mốc đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh khi cùng anh em nghệ sỹ thực hiện vở diễn Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ và đó thực sự là những năm tháng không thể quên của ngành sân khấu.

Anh kể: "Chúng tôi diễn ròng rã 3 tháng trời ở TP.HCM, một ngày diễn 2 suất, riêng ngày Chủ nhật diễn 3 suất đến mức anh em nghệ sỹ quá mệt nên xin về Hà Nội chứ nếu tiếp tục ở lại TP.HCM chắc phải 3 tháng nữa mới hết khán giả".

Anh chia sẻ về những năm tháng vừa thoát khỏi bao cấp, cơ sở vật chất của rạp hát còn nghèo nàn nên chỉ trang bị được vài cái quạt trần chạy như "đuổi ruồi" mà ở dưới khán giả vẫn ngồi chật ních khán phòng, trên sân khấu diễn viên mồ hôi nhễ nhại, không có micro cài như bây giờ mà chỉ có micro treo dây thả lủng lẳng thả trên đầu nhưng anh em nghệ sỹ vẫn say sưa diễn và nhập vai như "lên đồng".

Xúc động nhất đối với NSƯT Trần Đức là khi anh đứng trên sân khấu nhìn xuống và chứng kiến có những khán giả hầu như đêm nào họ cũng ngồi đúng ghế đó, xem lại đúng vở diễn đó cảm giác như họ thuộc luôn cả vở diễn. Sau mỗi đêm diễn việc thoát ra khỏi nhà hát là cực kỳ nan giải bởi khán giả quây kín để có cơ hội tậm mắt tiếp xúc nghệ sỹ, xin chữ ký...

Trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình anh tâm sự đã rất tâm đắc với vai Tám Tính trong vở ăn mày dĩ vãng của Chu Lai - Vở diễn tham gia hội diễn sân khấu năm 1998. Trong vở này anh xuất hiện rất ít, chỉ 2 lần, nhưng đã để lại khá nhiều ấn tượng cho người xem. Anh thủ vai một người lính trở về từ chiến trường miền Nam, mang theo nỗi buồn mất đi người bạn chiến đấu, người yêu của mình.

Hòa bình lập lại những người lính đó gặp lại nhau và kể lại những hồi ức. Diễn xuất của anh tập trung vào phút giây chuyển tải cảm xúc sau khi Tám Tính kể về người yêu - người bạn đời của mình thì buông một câu: "Hai Hợi ơi" kèm theo những giọt nước mắt. Chỉ với sự xuất hiện trong vòng 5 phút để diễn tả cung bậc cảm xúc lúc đó đã đem lại cho anh Huy chương vàng của mà hội diễn trao tặng.

Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm NSƯT Trần Đức không quên tai nạn nghề nghiệp mà anh gọi vui là kỷ niệm "kinh hoàng". Khi đóng trong bộ phim do Trần Lực làm đạo diễn anh vào vai một gã nhà báo "viết láo"còn anh Hồng Sơn sắm vai người thương binh trở về làm kinh tế và bị tay nhà báo gián tiếp đè nén.

"Trong kịch bản có đoạn tôi ngồi một mình trong nhà, bên cạnh đặt một con gà luộc còn bốc khói, miệng nhâm nhi rượu Tây, tay thì vặt một cái đùi gà nhai nhồm nhoàm ra chiều khoái chí bởi mình vừa "dìm" được người thương binh. Trong khi đó anh Hồng Sơn là người lính đặc công bất bình về những điều bịa đặt của bài báo đã lẻn vảo nhà và tóm lấy cổ tay nhà báo để hỏi tội.

Chưa kịp định thần thì anh Hồng Sơn đã vặt cổ con gà luộc tống thẳng vào mồm tôi lúc đó còn đang rất ngạc nhiên bởi không hiểu tay lính này lọt vào nhà mình bằng cách nào. Khi tập thì hai anh em đã có sự thống nhất rất cẩn thận nhưng khi vào vai diễn anh Hồng Sơn do quá "sung" với nhân vật nên đã vặn cổ gà hơi... dài và sau khi tống vào mồm tôi còn đè ra ấn như ấn đòn thù thật.

Sau khi đạo diễn hô "Tốt rồi, tốt rồi" thì cái cổ gà được lôi ra khỏi cổ họng tôi và máu ở trong cứ thế tuôn ra xối xả bởi xương gà cắm vào cổ họng. Cả đoàn phim lúc đó rất hoảng hốt tưởng là tôi không thể nào còn quay về với nghiệp diễn được nữa bởi vết thương khá nặng nhưng cũng may tôi không bị đứt thanh đới".

Xem anh diễn, khán giả dù khó tính đến mấy cũng phải công nhận một điều Trần Đức là một người rất có trách nhiệm với vai diễn. Hầu như chỉ chuyên được mời vào tuyến nhân vật phản diện nhưng qua mỗi vai diễn khán giả vẫn không thấy sự lặp lại bởi ý thức tạo hình cũng như khả năng diễn xuất của anh luôn có sự tìm tòi khám phá sao cho nhân vật mình đảm nhiệm nên hình không có sự nhàm chán. Những trăn trở sau mỗi vai diễn của NSƯT Trần Đức cũng chính là nỗi niềm chung của một lớp nghệ sỹ tâm huyết với nghề.

Linh Nhi