"Thi sĩ" tái xuất sau 20 năm ẩn dật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Người ta nói, Malick náu mình không đơn thuần chỉ để chạy trốn khỏi những xô bồ mà để mỗi lần trở lại kỹ lưỡng và cầu kỳ hơn.

Sau 20 năm, cái tên Malick dường như trở nên quá cũ với Hollywood. Thế nhưng, phải công nhận rằng cả giới phê bình và khán giả đều mong ngóng được thấy ông tái ngộ trở lại. The thin red line - ra mắt sau đúng 20 năm nghiền ngẫm. Công chúng mỏi mòn chờ đợi và cuối cùng họ được thỏa mãn bởi một bữa tiệc điện ảnh ngoạn mục mà Malick mang tới.

Sự kiện - 'Thi sĩ' tái xuất sau 20 năm ẩn dật

The Thin Red Line mang hơi hướng của Platoon - Oliver Stone, Apocalypse now - Fancis Coopolla và Saving private Ryan - Steven Spielberg. Nhiều nhà phê bình đánh giá phim của ông là kiệt tác. Tờ Pari Match còn gọi: "Tác phẩm của Malick là một lối suy nghĩ ẩn dụ về cái thiện, cái ác, nguồn gốc của thiên nhiên, con người." Những câu chuyện mà lính Mỹ phải đối mặt, sự sống và cái chết gần như chỉ cách nhau trong một làn ranh mỏng manh, yếu ớt... đã khiến khán giả rơi nước mắt vì đau đớn. Chiến tranh và thảm kịch cuộc đời, bi kịch tinh thần mà mỗi người lính phải gánh chịu như vết sẹo không thể liền da.

Vẫn lựa chọn những khoảng mênh mông của thiên nhiên để làm điểm tựa kể những suy tư của chính mình, Terrence không chỉ cho khán giả bước vào một bức tranh sống động mà đầy hàm ý về cuộc sống. Terrence Malick thực hiện The Thin Red Line như một sự phản kháng về quá khứ chiến tranh đầy đau thương của nước Mỹ. Chịu ảnh hưởng bởi phong cách kể "triệt tiêu cảm xúc", bộ phim lạnh lùng, tỉnh táo nhưng lại thấm đẫm tính nhân văn sâu xa. The Thin Red Line nhận 7 đề cử Oscar và giành hai giải trong số đó, nhận thêm giải Gấu vàng tại LHP Berin trong năm 1999.

Đến 2005 Malick xuất hiện với dự án The New World. Bộ phim cũng được đón nhận nồng nhiệt nhưng không thực sự thành công khi tham gia vào các giải thưởng điện ảnh của Mỹ cũng như quốc tế. Luôn luôn bí mật và chẳng để lại dấu vết gì trên hành trình ẩn náu của mình. Sau 6 năm Terrence mới lộ diện cùng The Tree of Life cùng sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng là Sean Peen và Brat Pitt.

Tác phẩm đậm đặc chất triết lý này khiến nhiều người gọi ông là kẻ xa lạ của điện ảnh Mỹ. Bộ phim phảng phất chất thơ, bàng bạc một màu cổ điển và chậm rãi, trái ngược hoàn toàn với nhịp điệu dồn dập, tiết tấu nhanh - mạnh của những phim Hollywood ngày nay. Cây bút Tim Rooney của tờ Telegraph (Anh) còn gọi ông là: "Thi sĩ của Hollywood".

Trong tất cả các nhà làm phim hôm nay chỉ có Terrence mới có thể tạo nên cảm hứng khác biệt giữa ngồn ngột đổi thay của điện ảnh. Ông đã tạo nên một thánh đường điện ảnh khi khơi dậy tất cả vẻ đẹp tiềm tàng của thiên nhiên và cuộc sống con người khiến mỗi người xem ấm lòng trước mỗi khoảnh khắc. Đạo diễn đưa người xem trở lại những năm tháng xa xôi của nước Mỹ trong giai đoạn 1950. Không lên gân, không cầu kỳ sự sắp đặt của một chuỗi hình ảnh đẹp như thơ và những mảng quá khứ - hiện thực đan cài, trở đi trở lại, hòa tấu với nhau đã khiến "The Tree of Life" trở thành một tác phẩm lớn vượt qua tất cả những bộ phim khác cùng tranh tài tại Cannes năm nay"- Trưởng ban giám khảo Robertde Nino nói.

Minh Nguyễn