Run cầm cập vì bị gái mại dâm cầm của quý

Run cầm cập vì bị gái mại dâm cầm của quý

Thứ 3, 03/09/2013 | 12:06
0
Một ngày ở Trung tâm tư vấn HIV/SIDA Hà Nội, Người đưa tin được chứng kiến những câu chuyện bi hài về sự hiểu biết một cách ngô nghê về căn bệnh HIV/SIDA.

Những tình huống...  chết đứng

Chuông điện thoại reo lên, chị L. (thành viên nhóm đồng đẳng, nhân viên tư vấn của trung tâm) nhấc máy lên. Phía đầu dây bên kia, một giọng nam run lên bần bật: "Thưa chị, tối qua em và bạn bè đi ăn nhậu xong, do không làm chủ được bản thân em đã quan hệ với gái mại dâm. Đây cũng là lần đầu tiên em có quan hệ với gái mại dâm, mặc dù em có bảo vệ nhưng sau đó cô ấy cầm của quý của em liệu em có bị lây nhiễm HIV hay không? Em lo lắng vô cùng chị giúp em với. Em phải làm gì và đi khám ở đâu?...".

Những câu hỏi dồn dập như vậy diễn ra. Chị L. từ tốn trả lời những câu hỏi dồn dập của cậu thanh niên kia nhưng xem ra anh này vẫn chưa hết hoảng hốt. Kết thúc cuộc tư vấn, chị L. tâm sự: "Không phải nói đâu xa, ngay tại Hà Nội còn có người không hiểu biết chút nào về căn bệnh HIV/SIDA. Trường hợp của một cô gái ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (xảy ra cách đây vài năm - PV) là một minh chứng. Khi xét nghiệm, cô gái bị HIV, gia đình đã làm cho một cái chòi để cô gái này ra đó ở, tách biệt với người thân và không ai bén mảng tới. Mặc dù nhóm đồng đẳng đã tới gặp gia đình phân tích tư vấn, nhưng họ vẫn không nghe. Mãi sau này, khi cán bộ trung tâm kết hợp với chính quyền địa phương tới thì gia đình mới chịu dỡ bỏ chòi để cô gái được sống cùng nhà với người thân.

"Có những trường hợp em phải nói rõ, bạn hãy bình tĩnh nghe tôi giải thích, tôi cũng là người bị nhiễm HIV và vẫn sống khỏe mạnh bình thường, do uống thuốc kháng virus HIV và sinh hoạt lành mạnh... Nhưng nói là việc của người nói còn người nghe họ không hiểu hoặc vì quá lo sợ nên cho rằng đó chỉ là lời tư vấn, động viên.

Xã hội - Run cầm cập vì bị gái mại dâm cầm của quý

Một thanh niên nghĩ mình bị HIV sau khi gái mại dâm cầm "của quý".

Nếu bản thân người nhiễm HIV không hợp tác, không tìm hiểu thì vô cùng khó chị ạ. Bản thân em trước kia cũng là người như vậy. Chỉ đến khi em đọc được bài báo nói rõ về căn bệnh HIV/SIDA, em mới có đủ nghị lực đứng dậy tham gia hoạt động cùng với những người đồng đẳng và sống cho đến hôm nay (15 năm sau - PV)", chị L. chia sẻ.

Vừa đặt điện thoại xuống, chuông điện thoại lại réo vang. Tiếng một người đàn ông vang lên: "Chị ơi, em vừa quan hệ xong. Vì bao cao su bị rách nên em không biết mình có bị HIV không...".

Rất nhiều tình huống trớ trêu và bi hài xảy ra tại Trung tâm tư vấn HIV/SIDA Hà Nội mà nhóm phóng viên được tận mắt chứng kiến. Cũng theo chị L., cứ dịp nghỉ lễ là điện thoại tư vấn tại trung tâm lại quá tải, với đầy đủ tình huống khiến nhân viên tư vấn khá mệt để phân tích cho họ hiểu một cách ngọn ngành. "Mặc dù phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều, nhưng xem ra người dân vẫn chưa hiểu hết", chị L. chia sẻ.

Sợ nhất là... “nhảy dù”

Ông Nguyễn Thái Minh, bác sỹ bệnh viện Đống Đa, cho biết: "Trên thực tế có rất nhiều trường hợp nhiễm HIV, nhưng gia đình không chữa chạy vì họ cho rằng nhiễm HIV đồng nghĩa với việc chờ... chết. Nhiều trường hợp rất thương tâm, có trường hợp bệnh nhân bị gia đình quay lưng lại, bị bỏ rơi... Họ vào đây chữa trị và được nhân viên y tế giúp đỡ dùng thuốc kháng virus HIV. Cho tới nay, những bệnh nhân này vẫn sống khỏe mạnh. Nhiều người thổ lộ: "Tôi coi bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của tôi".

Bên cạnh những gia đình biết quan tâm, chăm sóc đối với thân nhân bị nhiễm HIV thì vẫn còn rất nhiều gia đình bỏ rơi người thân, thậm chí chỉ đến khi sắp chết, họ mới đưa thân nhân vào viện. Chúng tôi gọi đó là trường hợp "nhảy dù". Theo bác sỹ Minh, thì sự thiếu hiểu biết của người dân, định kiến xã hội là nguyên nhân chủ yếu đẩy người bệnh đến bước đường cùng...

BTV