Thời ca sĩ toả sáng nhờ truyền hình thực tế

Thời ca sĩ toả sáng nhờ truyền hình thực tế

Thứ 5, 06/06/2013 | 15:29
0
So với việc "mài đũng quần" trên ghế giảng đường Nhạc viện thì việc đầu tư để tham gia các cuộc thi âm nhạc dường như đã trở thành lựa chọn tối ưu của các ca sĩ trẻ hiện nay.

Chỉ cần gây ấn tượng tại một chương trình truyền hình thực tế, được nhiều người quan tâm là nghiễm nhiên gương mặt trẻ ấy trở thành người của công chúng, thậm chí nổi tiếng chỉ sau một đêm, kéo theo vô vàn những thuận lợi trên con đường ca hát. Đó cũng là lý do mà thời gian gần đây, hàng loạt các ca sĩ trẻ đổ xô đi thi, từ sinh viên nhạc viện, "gà" của các công ty âm nhạc đến những người đã được công nhận là ca sĩ chuyên nghiệp...

Sự kiện - Thời ca sĩ toả sáng nhờ truyền hình thực tế

Tuy gắn mác các chương trình giải trí nhưng không thể phủ nhận truyền hình thực tế đang là bệ phóng vững chắc mà nhiều tài năng âm nhạc tìm tới.

Nổi tiếng sau một đêm

Vừa qua, sự xuất hiện của Hà Linh với vị trí thí sinh trên sân khấu The Voice 2013 đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì cô ca sĩ cá tính này đã là gương mặt khá quen thuộc trên các sân khấu ca nhạc. Cô từng đoạt giải nhất phong cách nhạc nhẹ Sao Mai 2007, từng đi thi Sao Mai Điểm Hẹn 2008 và được giới chuyên môn đánh giá cao bởi chất giọng lôi cuốn, có kỹ thuật. Sự tham gia của Hà Linh trong The Voice lần này sau khi từng tuyên bố "không ham thi thố nữa" lại tiếp tục chứng tỏ mãnh lực hấp dẫn của các cuộc thi ca hát hiện nay. Tuy không lên tiếng thừa nhận nhưng ai cũng hiểu rằng, Hà Linh đang thông qua The Voice để tìm lại ánh hào quang sân khấu. Do những lùm xùm về thái độ cư xử, về trang phục phản cảm và phát ngôn quá tự tin mà thời gian qua sự nghiệp của cô khá trầm lắng.

Trên thực tế thì mấy năm trở lại đây, các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát đã không ngừng chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ của các ca sĩ trẻ. Ngoài việc là bệ phóng cho các tài năng với sự hướng dẫn của những giám khảo là các ca sĩ hàng đầu Vbiz thì tham gia các chương trình này cũng là con đường nhanh nhất để các ca sĩ đến với khán giả. Có thể hôm trước chỉ là một kẻ vô danh nhưng hôm sau đã ngay lập tức có hàng triệu người hâm mộ, được săn đón không kém, thậm chí còn hơn các đàn anh, đàn chị vào nghề trước cả chục năm.

Trường hợp điển hình chứng tỏ sức mạnh của truyền hình thực tế phải kể đến là chàng "hot boy" Hà thành Bùi Anh Tuấn. Chỉ sau bản hit "Nơi tình yêu bắt đầu" ở Vòng giấu mặt The Voice 2012 mà anh chàng có vẻ ngoài thư sinh này đã chiếm trọn được trái tim của hàng ngàn khán giả trên cả nước, nhất là các bạn trẻ. Sự nổi tiếng quá nhanh sau một đêm ấy khiến người trong cuộc cũng không khỏi "choáng váng". Đặc biệt, ngay cả khi "trắng tay" ở The Voice, Bùi Anh Tuấn vẫn là gương mặt ca sĩ trẻ được nhiều bầu sô săn đón. Anh chàng liên tục góp mặt trong các sự kiện âm nhạc với biệt danh "hoàng tử The Voice".

Là cuộc chơi hay là bệ phóng??!

Khi các chương trình truyền hình thực tế chưa du nhập vào Việt Nam thì hai cuộc thi ca hát do Đài truyền hình tổ chức là Sao Mai và Sao Mai Điểm Hẹn là những sân khấu chính để các ca sĩ trẻ thể hiện tài năng và tìm kiếm cơ hội đến với công chúng. Những lớp ca sĩ trưởng thành từ hai cuộc thi này khá nhiều và đến nay đều đã có những thành công nhất định như Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Khuê, Khánh Linh, Ngọc Anh, Tân Nhàn...

Tuy nhiên, từ khi có Việt Nam Idol và The Voice thì dường như hai cuộc thi ca hát mang tính chất chuyên môn này lại bị cạnh tranh khốc liệt. Sự ưu ái của giới truyền thông, sự quan tâm của khán giả chính là minh chứng cho điều này. Và tất nhiên các thí sinh của hai chương trình truyền hình thực tế cũng lấn át hẳn những thí sinh của Sao Mai và Sao Mai Điểm Hẹn. Thậm chí, những thí sinh từng đạt được những thành công nhất định từ hai cuộc thi Sao Mai cũng phải một lần nữa tìm đến với truyền hình thực tế để phát triển sự nghiệp.

Về tình trạng các ca sĩ trẻ đổ xô đi tìm kiếm cơ hội nổi tiếng ở những chương trình truyền hình thực tế hiện nay, ca sĩ Trọng Tấn cho rằng: "Tôi nghĩ, hiện nay, chỉ có Sao Mai và Sao Mai Điểm Hẹn là hai cuộc thi hát chính thống mang tính chất chuyên nghiệp, còn các chương trình truyền hình thực tế thì thiên về tính giải trí nhiều hơn. Các thí sinh của các chương trình thực tế này cũng đại chúng hơn, từ ca sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, tay ngang đến những người chưa từng tiếp xúc với âm nhạc. Tuy không đặt nặng tính chuyên môn nhưng các thí sinh của các chương trình này lại rất dễ nổi tiếng bởi ưu thế của truyền hình thực tế là tính tương tác với khán giả cao. Chỉ cần một lần gây được ấn tượng với khán giả bằng giọng hát, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình hay thậm chí scandal là tên tuổi cũng đã nổi như cồn rồi. Đó cũng chính là lý do vì sao mà các ca sĩ trẻ đều muốn có cơ hội tham gia những chương trình này".

Với kinh nghiệm đứng trên bục giảng Học viện Âm nhạc quốc gia nhiều năm, ca sĩ Trọng Tấn cũng cho rằng các học sinh của mình nếu không đi thi và đoạt giải ở cuộc thi nào thì rất khó khăn trong con đường sự nghiệp. "Tôi là người đi hát đã nhiều năm nên tôi hiểu những khó khăn trong đầu ra và rất lo lắng cho tương lai của học sinh mình. Mỗi năm, các bạn trẻ thi đỗ vào Nhạc viện rất nhiều, tốt nghiệp ra trường cũng rất đông nhưng đa số là tản về các nơi dạy học hoặc tham gia vào các Đoàn ca múa nhạc của Trung ương, của tỉnh. Để sống được bằng nghề là điều không đơn giản. Các cuộc thi chính thống cho sinh viên âm nhạc hầu như không có. Các cuộc thi ca hát hiện nay đều do Đài truyền hình hoặc phối hợp với các công ty tư nhân tổ chức chứ chưa có cuộc thi nào do ngành Văn hoá khởi xướng cả.

Chính vì vậy mà các em đều phải tự bơi, tự tìm kiếm cơ hội cho mình bằng các con đường khác nhau. Tôi thấy rằng, chúng ta vẫn đang thiếu những cuộc thi nghiêm túc cho những người học nhạc. Các chương trình thực tế chỉ nên coi là cuộc chơi thôi. Một cuộc thi mà kết quả dựa hoàn toàn vào sự bình chọn của khán giả thì làm sao kiểm soát được về mặt chuyên môn? Khi mà những tin nhắn bình chọn đa số đến từ những người trẻ, thậm chí những em học sinh cấp II, cấp III thì những nghi ngờ về khả năng chuyên môn của những người đoạt giải cũng không phải không có cơ sở", ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.

Dàn ca sĩ gắn mác truyền hình thực tế

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, những ca sĩ trẻ triển vọng hàng đầu Vbiz đa số đều xuất thân từ các cuộc thi ca hát mà chủ yếu là hai chương trình truyền hình thực tế Việt Nam Idol và The Voice. Dù mới gia nhập làng giải trí Việt được một vài năm nhưng sức "nóng" cũng như hiệu ứng mà hai chương trình mang lại thì không còn gì phải bàn cãi nữa. Chắc hẳn, nếu không có hai chương trình này thì những cái tên như Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Bảo Trâm, Hương Tràm, Đinh Hương, Trúc Nhân, Đồng Lan... sẽ không thể "phủ sóng" trong làng nhạc nhanh đến vậy.

Nhung Đinh

Truyền hình thực tế: Tài năng 'sáng' bị loại khó hiểu

Thứ 6, 26/04/2013 | 16:41
Có nhiều tiết mục tạp kỹ đặc sắc được yêu thích nhưng chỉ có một tiết mục bình thường lọt vào chung kết. Với kết quả này, Got Talent lại bị nghi ngờ có sự dàn dựng kết quả.

Truyền hình thực tế 2012: Lượng nhiều, thiếu chất

Thứ 4, 23/01/2013 | 08:20
Dù số lượng ngày càng tăng, chất lượng các chương trình truyền hình thực tế lại gần như tỷ lệ nghịch, lệch chuẩn và trái ngược với format nước ngoài.

'Tắt tivi' vì giám khảo trong gameshow thực tế

Thứ 3, 21/05/2013 | 15:18
Người thành công và có tiếng vang nhờ chiếc ghế nóng cũng nhiều nhưng những "thảm họa" xuất hiện sau các chương trình THTT cũng không ít. Không những tên tuổi của họ không nâng tầm trong mắt công chúng mà trái lại, từ đó trở đi họ được gắn thêm cái mác là "thảm họa" showbiz.