Nghi án 'công an đánh chủ doanh nghiệp' có nhiều tình tiết mờ

Nghi án 'công an đánh chủ doanh nghiệp' có nhiều tình tiết mờ

Thứ 6, 21/06/2013 | 11:13
0
Sau 5 ngày "xin ở lại" trụ sở công an huyện An Dương - Hải Phòng để giải trình về chiếc máy tính liên quan đến tang vật vụ cướp giật, anh Khánh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư khẳng định rằng, vụ việc này có nhiều điểm người thực thi công vụ đã làm trái luật.

Dẫn giải người trái luật?

Nghi án công an huyện An Dương - Hải Phòng đánh anh Phạm Ngọc Khánh (SN 1984, trú tại 180E Chùa Hàng, Hồ Nam, quận Lê Chân Hải Phòng), giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Vietstar, khiến nạn nhân rời khỏi trụ sở công an trong tình trạng chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh... đang gây bất bình trong dư luận.

Luật sư - Nghi án 'công an đánh chủ doanh nghiệp' có nhiều tình tiết mờ

Sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện, anh Khánh vẫn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội - thì ngay từ khâu khám nhà của lực lượng công an đã bộc lộ nhiều thiếu sót về mặt pháp lý.

Luật sư Thanh phân tích: "Máy tính cũng như rất nhiều động sản khác, không phải là tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Do vậy, người mua máy tính của người khác không thể xác định được người bán có phải là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc máy tính đó không.

Trong những trường hợp này, người bán phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc của tài sản mà họ bán, còn người mua không có nghĩa vụ phải xác minh nguồn gốc tài sản mà họ mua. Việc anh Khánh có quy định bên bán phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc tài sản trong hợp đồng mua bán là phù hợp với luật pháp. Thời điểm công an đến nhà anh Khánh xét hỏi, khám nhà đồng nghĩa với việc chưa thể xác định được anh Khánh có biết tài sản mua bán là do trộm cắp mà có hay không, nên khi đó, anh Khánh chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan".

Ngay cả việc khám xét nơi ở của anh Khánh, lực lượng công an cũng "làm liều". Luật sư Thanh chỉ rõ: "Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, việc khám nhà phải được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát thì không được thi hành lệnh khám. Luật cũng quy định, không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Lệnh khám nhà phải được người thi hành đọc và đưa cho chủ nhà đọc lệnh khám đó".

Trên thực tế, khẳng định trước báo giới, ông Phạm Văn Khương - bố đẻ anh Khánh - cho biết, khoảng hơn 2h đêm 6/6, khi nhóm công an chuẩn bị ra về, một người trong số đó mới đề nghị mọi người trì hoãn, chờ đợi và ít phút sau, một chiến sỹ công an khác mang lệnh khám tới, đọc lệnh, tiến hành khám xét. Trong khi đó, anh Khánh chỉ là người đã vô tình mua máy tính của nhóm cướp, tức là anh Khánh có liên quan, nhưng chưa phải trường hợp "cháy nhà chết người", không thể trì hoãn, đến nỗi công an phải tiến hành khám nhà trong đêm khuya như đã diễn ra. Rõ ràng, chiểu theo đúng quy định của pháp luật, công an An Dương đã quá "tận tụy" trong tình huống này, "tận tụy" đến mức làm sai luật.

Về chi tiết công an An Dương chỉ "yêu cầu Khánh có mặt tại cơ quan công an để giải trình" như trả lời báo chí của vị đại diện công an Hải Phòng, một lần nữa cho thấy sự mâu thuẫn đáng ngờ. Phía gia đình anh Khánh khẳng định, anh Khánh bị dẫn giải đi ngay khi trời chưa kịp sáng, ngay cả việc xin lui lại ít phút để anh Khánh được ăn và uống thuốc cũng không được người công an tên Trường chấp thuận.

Như vậy, công an yêu cầu Khánh hoàn toàn chỉ bằng lời nói và hành động dẫn giải đi, chứ không có bất cứ văn bản giấy tờ gì như luật định. "Việc triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm việc phải có giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chỗ ở của người được triệu tập, ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm có mặt; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận và không được dẫn giải những người này vào ban đêm.

Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, trong vụ việc này, không nhất thiết phải buộc anh Khánh về trụ sở để làm việc, nhất là khi anh Khánh đang bị ốm cần phải nghỉ ngơi tại nhà. Việc lấy lời khai của anh Khánh có thể được tiến hành ngay tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của anh Khánh." - luật sư Thanh bày tỏ quan điểm.

Luật sư - Nghi án 'công an đánh chủ doanh nghiệp' có nhiều tình tiết mờ (Hình 2).

Luật sư Giang Hồng Thanh.

Uẩn khúc sau  "biên bản kiểm thể" ?

Gia đình anh Khánh khẳng định, từ thời điểm anh Khánh bị tổ công tác của công an huyện An Dương dẫn giải ra khỏi nhà đến khi phát hiện ra anh Khánh bị đưa đi cấp cứu, người thân của anh Khánh không có bất cứ cơ hội nào được nhìn thấy hoặc được trò chuyện. Bố đẻ của anh Khánh thường xuyên mang cơm, quần áo... đến phòng trực ban của công an để gửi cho Khánh trong những ngày này nhưng chưa một lần được thông báo về tình hình của con trai.

Còn phía công an An Dương khẳng định, họ không bắt giam anh Khánh. Luật sư Thanh cũng phân tích: "Trong trường hợp của anh Khánh, không thể áp dụng việc tạm giam, tạm giữ hình sự đối với anh Khánh. Biện pháp tạm giữ hình sự chỉ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Còn biện pháp tạm giam chỉ có thể được áp dụng với bị can, bị cáo, tức là những người đã bị khởi tố, truy tố về một tội danh cụ thể. Anh Khánh không thuộc những đối tượng trên, do đó không thể áp dụng việc tạm giam, tạm giữ hình sự. Nếu anh Khánh bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thì việc tạm giữ không được quá 24 tiếng đồng hồ kể từ khi bắt đầu tạm giữ và nếu anh Khánh có yêu cầu, việc tạm giữ phải được thông báo tới gia đình anh Khánh".

Lý giải về 5 ngày anh Khánh ở lại trụ sở công an, vị đại diện phát ngôn của công an Hải Phòng đã nêu rõ: Anh Khánh "xin ở lại cơ quan điều tra" để giải trình những khúc mắc liên quan đến bản thân. Và tất nhiên, phía công an huyện An Dương khẳng định, không hề đánh đập hay bức cung anh Khánh, những thương tích trên người anh Khánh là do có từ trước. Công an còn cẩn thận lập "biên bản kiểm thể". Nhưng cũng chính tờ biên bản này khiến dư luận băn khoăn, ngờ vực về tính xác thực của nội dung kiểm thể. Về logic, anh Khánh đang bị ốm, trên người có thương tích, đau đớn như vậy, tâm lý thông thường tất nhiên sẽ về nhà để được nghỉ ngơi chứ chả dại gì vạ vật "xin ở lại" trụ sở công an để bệnh càng thêm bệnh.

Hơn nữa, nếu công an đã kiểm thể, thấy tình trạng anh Khánh mệt mỏi, đau ốm, thương tích thì làm sao đủ điều kiện cần và đủ tỉnh táo về tinh thần, khỏe mạnh về thể chất để làm việc với cơ quan công an. Một tình tiết khác, công an khẳng định, qua khám nghiệm pháp y đã kết luận anh Khánh không có bệnh lý gì, vậy tại sao sau 5 ngày ở lại trụ sở công an làm việc, anh Khánh lại bị rơi vào tình trạng chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh, đại tiện, tiểu tiện vô thức?

Tại phòng cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng, qua khám và xét nghiệm ban đầu, các bác sỹ đã chẩn đoán anh Khánh bị chấn thương sọ não, được điều trị theo phác đồ này. Nhưng trả lời báo chí, đại diện công an Hải Phòng lại thông báo kết luận giám định pháp y rằng anh Khánh bị ngộ độc thuốc ngủ. Chẳng lẽ, chuyên môn của bác sỹ bệnh viện Việt Tiệp lại kém cỏi đến mức nhầm lẫn giữa chấn thương sọ não và ngộ độc thuốc ngủ?

Nhiều tình tiết mờ?

Trong vụ việc anh Khánh "xin ở lại" trụ sở công an huyện An Dương - Hải Phòng để giải trình mọi chuyện liên quan đến vụ tiêu thụ tài sản cướp giật còn rất nhiều tình tiết mờ, cần sự vào cuộc nghiêm minh của các cấp, các ngành chức năng. Luật sư Thanh khẳng định: "Việc anh Khánh bị giữ lại tại trụ sở công an đến 5 ngày mà không có bất cứ quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền như thông tin trên báo chí đăng tải, là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự".

Quyền Linh

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Nghi án 'cảnh sát đánh giám đốc doanh nghiệp'

Thứ 6, 14/06/2013 | 17:04
Không lệnh bắt, chỉ bằng lệnh khám nhà, công an huyện An Dương, TP Hải Phòng đã dẫn giải nghi can đi và tạm giữ liên tục trong 5 ngày để rồi nạn nhân bị thương tích nặng phải vào viện cấp cứu.

Xét xử 3 cựu cảnh sát liên quan vụ Năm Cam

Thứ 5, 20/06/2013 | 10:25
Sáng 20/6, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang dự kiến sẽ tiếp tục mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 3 cựu sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sau 3 lần tạm hoãn.