Thú chơi gà tiến Vua trên đất Sài thành

Thú chơi gà tiến Vua trên đất Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
Một loại gà có hình dáng rất "khủng", trọng lượng của nó có thể lên tới 7kg. Đây là loại gà rất quý hiếm, tương truyền là phẩm vật dùng để tiến Vua ngày trước. Sự xuất hiện của giống gà này trên đất Sài thành đã khiến nhiều người phải bỏ công săn tìm, thậm chí sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để có được "quý kê".

Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Hữu Minh, người được mệnh danh là "ông trùm" về gà Đông Tảo trên đất Sài Gòn để tìm hiểu về loại gà huyền thoại này.

Cuộc săn tìm giống gà chân voi, vảy rồng

Gà Đông Cảo (hay Đông Tảo) là loại gà quý hiếm của Việt Nam, có nguồn gốc tại làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), giống gà này được người dân nơi đây tuyển chọn, thuần dưỡng từ lâu đời. Tương truyền gà Đông Cảo là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa. Nhiều người sính lễ nghĩa thường chọn làm đồ cúng tế. Cũng có người không nỡ giết thịt giống gà này và lưu giữ chúng như một thứ vưu vật của đời, nuôi để làm cảnh. Từ khi gà Đông Cảo Nam tiến, những cuộc săn tìm giống gà thuần chủng này được nhiều người thực hiện bởi niềm say mê, mong tìm được "quý kê" để thỏa ước nguyện sở hữu một giống gà huyền thoại.

Xã hội - Thú chơi gà tiến Vua trên đất Sài thành

Anh Nguyễn Hữu Minh bên chú gà chân voi, vảy rồng

Để tìm hiểu về loại gà huyền thoại này, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Hữu Minh, người đang sở hữu hàng ngàn loại gà Đông Cảo nổi tiếng một thuở. Gặp anh trong căn nhà nhỏ nằm trên đường 160 (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được tận mắt trông thấy những con gà hình dáng "kỳ lạ". Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình dáng bệ vệ, to lớn của những chú gà này, ước chừng trọng lượng mỗi con phải hơn 5kg. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là ở cặp chân của loại gà này, vừa to vừa xù xì trông rất kỳ lạ.

Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác trước những chú gà "khủng", anh Minh giải thích: "Gà Đông Tảo xưa kia hoàn toàn là giống gà cực quý, do thân hình dị dạng nhìn như quái thú bởi chúng sở hữu đôi chân của "chú voi khổng lồ", thân hình thì chắc nịch thịt dai thơm như thú rừng. Thế nên dân ta mới coi chúng như linh vật của làng. Chỉ dùng để cúng tế lễ làng, đình đám và điều quan trọng hơn hết là để tiến dâng cho Vua chúa, nhằm bày tỏ lòng tôn kính đầy thiêng liêng của mình đối với bậc bề trên".

Cũng bởi sự tò mò và lôi cuốn của giống gà đặc biệt này, anh Minh quyết định bỏ công săn tìm khắp các thôn xóm, nơi sản sinh ra giống gà quý hiếm này để tìm cho mình những chú gà thuần chủng. Chia sẻ về việc tìm đến với giống gà huyền thoại anh Minh cho biết: "Năm 2002, trong một lần biết được thông tin về loại gà Đông Cảo này trên một tờ báo cũ, ngay lập tức tôi bị cuốn hút một cách đặc biệt bởi sự kỳ lạ của giống gà này. Sau đó, tôi bắt đầu lân la tìm kiếm khắp đất Sài Gòn, những năm ấy tôi chỉ tìm được 7 con, rồi tôi tiếp tục tìm ra làng Đông Tảo, vùng đất sản sinh ra giống gà này để săn tìm chúng". Anh Minh cũng cho biết, việc săn tìm giống gà Đông Cảo của anh lúc bấy giờ chỉ để thỏa thú chơi của mình và sự đam mê về một giống gà huyền thoại xưa.

Anh Minh cho biết thêm về những điểm đặc biệt từ giống gà này: "Loại gà Đông Cảo có trọng lượng khá nặng, gà trống có thể lên tới 6 - 7kg, da ngồn ngộn đỏ hồng, cơ bắp cuồn cuộn nhưng thịt không gân, không dai. Đầu có hình gốc tre, thân giống con cóc, cánh như hai con trai úp vào thân, đuôi như nơm úp cá, mào mâm xôi, chân to sần sùi như chân voi. Ngoài ra chân gà Đông Cảo còn có sự khác biệt: Bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng (thường gọi là vảy rồng), phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc".

"Thứ gà này đòi hỏi kỳ công chăm sóc và khó nuôi. Gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Thứ gà tiến vua này lúc nhỏ da đỏ chót, chỉ lơ thơ lông, giống hệt gà cánh tiên. Đến khi lớn dày lông, thịt chắc nịch. Một con gà Đông Cảo to thường được chế biến 7- 10 món mà món nào cũng độc đáo nên xưa dùng để cung tiến cho vua chúa làm vật phẩm. Gà Đông Cảo có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc, nấu đông, xáo măng, quay chảo, nướng lá chanh sao cho lớp da bên ngoài giòn, thớ thịt bên trong mềm thơm phức...", anh Minh cho biết.

Xã hội - Thú chơi gà tiến Vua trên đất Sài thành (Hình 2).

Lưu giữ "báu phẩm" huyền thoại

Gà Đông Cảo là một phẩm vật quý, có giá trị được… tương truyền là một phẩm vật thượng hạng dùng để tiến vua chúa xưa. Bởi thế, việc tuyển chọn những chú gà đạt chuẩn để đưa vào cung cũng được tổ chức thi và chọn lựa nghiêm ngặt. Anh Nguyễn Hữu Minh cho biết về tục lệ này: "Việc để tuyển chọn được những chú gà đạt chuẩn để cung tiến được thông qua thi thố và tuyển chọn. Theo tục lệ thì cứ mỗi năm vào tháng 10 sẽ diễn ra một hội thi để chọn lựa ra những con "đỉnh nhất" dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định rồi mới đem cung tiến. Thời nay, việc tiến vua không còn nữa nhưng trong dân gian vẫn còn lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống ấy thông qua việc dùng gà Đông Cảo để dùng cúng tế trong các ngày lễ như cúng rằm, cúng tổ tiên, lễ tết…

Anh Minh cũng cho biết, hiện nay gà Đông Cảo có mặt ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng, để có được một con gà thuần chủng thì rất khó, bởi số người chuyên nuôi gà thuần chủng không còn nhiều, đa phần chạy theo lợi nhuận kinh tế rồi lai tạp nhiều giống gà khác nhau.

Lý giải điều này anh Minh cho rằng, gà Đông Cảo thuần chủng năng suất thấp, chỉ đẻ mỗi lứa trên dưới 10 quả trứng, ăn rất khỏe, chi phí nuôi tốn kém. Chính vì thế, hiện nay phần nhiều gà Đông Cảo được lai giữa gà ri với gà Đông Cảo cho giống khỏe hơn, đẻ nhiều hơn và kháng bệnh cũng tốt hơn. Hơn nữa, số người nuôi giống gà này thường với số lượng ít, nuôi nhỏ lẻ là chính. Gà Đông Cảo thì đẻ ít và chậm 2 ngày chỉ đẻ 1 trứng (do trứng khá to nên gà tạo trứng hơi chậm), gà trống đạp cồ thì vô cùng khổ sở do đôi chân quá to và thô kệch, trọng lượng cơ thể lại quá nặng nề nên khó mà kiểm soát được cơ thể khi đạp mái nên tỉ lệ đậu cồ cũng rất ít. Bởi thế, để góp phần gìn giữ và lưu truyền giống gà huyền thoại này, anh Nguyễn Hữu Minh đã bỏ hàng chục năm sưu tầm những con gà đúng chuẩn đem về nhân giống.

Giống gà "huyền thoại" này đòi hỏi phải chăm sóc tỉ mỉ, kỹ càng và cũng không kém phần khó khăn. Anh Nguyễn Hữu Minh cho biết: "Loại gà này nếu chăm sóc tốt thì trọng lượng của nó có thể nặng hơn gấp nhiều lần so với việc chăm sóc một cách bình thường. Việc chăm sóc và cho ăn cũng như thiết kế không gian chuồng trại phải đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định thì gà mới phát triển một cách tốt nhất. Từ lúc gà bắt đầu nở cho tới lúc đẻ là 160 ngày tuổi. Nếu để gà đẻ rồi tự ấp thì trong 10 tháng sẽ đẻ được 70 quả trứng. Còn nếu gà đẻ rồi lấy trứng ra ấp riêng, thì gà có thể đẻ khoảng 100 quả/năm. Mỗi quả trứng có khối lượng đạt 48-55 gam/quả. Trứng gà Đông Tảo cũng thường được dùng để cúng tế, hội hè…

Anh Minh cũng cho biết thêm, hiện trên thị trường có rất nhiều loại gà Đông Tảo được lai tạo khác nhau, nên cần phải kỹ lưỡng khi chọn cho mình được những chú gà Đông Tảo thuần chủng như ý muốn. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang có phong trào nuôi gà Đông Tảo vì loại gà này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số nước như Anh, Nhật Bản,... cũng đang có ý định nhập khẩu loại gà này về nghiên cứu. Tại TP.HCM, vào đầu năm 2012, mỗi kg gà Đông Tảo xuất tại vườn có giá 350-400 ngàn đồng tùy loại, gà giống có giá 100-120 ngàn đồng/con. Riêng những con gà trống có tướng đẹp, chân to, oai vệ có giá lên tới 5-6 triệu đồng/con.

Mai Phong