Thủ lĩnh “cọp xanh” và những câu chuyện về Bác

Thủ lĩnh “cọp xanh” và những câu chuyện về Bác

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Mọi người vẫn thường gọi ông thủ lĩnh "cọp xanh", người có 12 năm trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong thời gian kháng chiến. Những câu chuyện hào hùng cùng những kỷ niệm vô cùng cảm động về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được ông Lê Văn Bệ kể lại.

Trốn nhà đi bộ đội

Ở tuổi 87, nhưng ông Lê Văn Bệ ở thôn Mạo Phổ, xã Lương Lỗ (Thanh Ba - Phú Thọ) vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn... được sinh ra trong một gia đình nghèo, người cha là trụ cột chính qua đời khi cậu bé Bệ vừa tròn 3 tuổi. Sống với mẹ giữa thời loạn lạc, tuổi thơ đến với ông đầy gian khổ và bất hạnh. Hàng ngày ông nội ra đánh cá ngoài đồng chiêm mang về để mẹ đem ra chợ bán, chắt chiu từng đồng để mua gạo nuôi sống gia đình.

Chân dung thủ lĩnh "cọp xanh" Lê Văn Bệ

Tuy hoàn cảnh nghèo khổ, vất vả là thế nhưng khi Cách mạng bắt đầu mở các lớp bình dân học vụ, thì anh thanh niên Lê Văn Bệ vẫn quyết tâm theo đuổi con chữ. Những lớp học hồi đó do các thầy giáo làng mở và dụng cụ học tập cũng rất thô sơ, tạm bợ chỉ là... "lá chuối và gai bưởi" (lá chuối làm bảng và gai bưởi làm bút). Thế nhưng những con chữ vẫn khiến anh vô cùng đam mê. Bởi vì trong anh luôn âm ỉ một nỗi niềm là mong một ngày nào đó đủ sức, đủ tài để ra phục vụ cách mạng, giải phóng đất nước.

Năm 1949, bỗng dưng cả gia đình vô cùng bất ngờ khi nhận được giấy triệu tập đi nghĩa vụ quân sự của Bệ. Đến lúc đó mọi người mới biết anh thanh niên ở cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu này đã giấu gia đình xung phong đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự để vào bộ đội.

Sau khi vào bộ đội ông được điều đến đại đoàn 312, một năm sau ông được chuyển học lớp đào tạo quân sự khóa 1 tại trung đoàn Sông Lô. Trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt với quân thù tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) ông đã bị thương khá nặng vào ngực và đầu thế nhưng lúc đó ông vẫn nén đau, tiếp tục chiến đấu cho đến khi đồng đội đến tiếp ứng chuyển đi cấp cứu. Sau đó ông có lệnh rút ra khỏi chiến trường và được chuyển về điều trị tại trạm cấp cứu gần mặt trận. Sau lần đó, ông đã được bầu là chiến sỹ thi đua của đại đoàn 312 và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.

Tiếp đó đến chiến dịch Hòa Bình 1952, ông lại tham gia chiến đấu và đóng góp nhiều chiến công hiển hách. Thời gian sau ông tiếp tục xung phong lên Tây Bắc chiến đấu, làm trung đội phó đồn Ba Long với hình thức chiến đấu là "đầu nhọn đuôi dài", "mở đồn phá khẩu". Một lần nữa, đơn vị chiến đấu của ông lại giành thắng lợi vẻ vang và riêng ông được bầu làm Trung đội trưởng.

Nhiệm vụ trọng đại bất ngờ

Từ chiến trường trở về Lai Châu, năm 1953 chàng lính Lê Văn Bệ được chọn vào học một lớp chỉnh quân chính trị (học về cải cách ruộng đất, giảm tô giảm tức, tố khẩu) trong 3 tháng. Học xong, với tư chất thông minh, gan dạ, cùng rất nhiều những chiến công vô cùng hiển hách của mình, ông được chọn cùng một số anh em chiến sỹ vào một đơn vị đặc biệt.

Ông Bệ đang kể lại những kỉ niệm lịch sử của mình với con trai

Ông kể: "Lúc đó chỉ biết nằm chờ thôi chứ nhiệm vụ cụ thể là gì và thời gian nào thì tôi cũng không hề biết. Trong suốt mấy tháng đóng quân trong một khu rừng để nằm chờ công việc, nhiều đồng chí không chịu nổi đã xin chuyển công tác hoặc về nhà. Chỉ có ông Bệ và một số đồng chí khác vẫn quyết tâm ở lại chờ nhiệm vụ.

Cho đến một ngày ông cùng đồng đội bỗng dưng được phát súng tiểu liên. Đó là một sự việc rất lạ bởi dù đã làm chỉ huy từ lâu nhưng ông cũng chưa được phát súng tiểu liên bao giờ. Ông nhẩm nghĩ có lẽ mình chuẩn bị được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Nghĩ đến đây, ông cứ vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng, nhưng lại lo vì sợ sức mình không hoàn thành nổi nhiệm vụ lớn. Đang còn phân vân tự hỏi thì ông nhận được quyết định bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 1, Tiểu đoàn 600 - nhận nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.

Những năm tháng không thể nào quên

12 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác, đối với ông Bệ có lẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất nhưng cũng là tự hào nhất trong cuộc đời chinh chiến của mình. Ông đã được cùng Bác đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia với chức vụ Đội trưởng đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Thủ tướng Ấn Độ G. Nê ru, Chủ tịch Lào Xu - Phu - Na Vông, Vô-rô-si-lốp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô...

Ông kể: Ngày đó, anh em chiến sĩ làm gì có ai được học chính quy bài bản. Do vậy chính Bác, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, đã phải trực tiếp hướng dẫn tỉ mỉ từng cán bộ, anh em chiến sĩ. Từ cái cơ bản nhất là tư thế chào đến cách bắt tay, khi khách giơ tay ra bắt thì mình phải trượt găng tay ra sao, bắt xong lại phải kéo găng tay lại như thế nào. Nhìn vị lãnh tụ của mình trong bộ áo nâu giản dị hướng dẫn anh em thực hiện các nghi lễ, ai cũng cảm nhận được sự ấm áp gần gũi nhưng cũng vô cùng trang nghiêm, toát ra ngay từ những cử chỉ hướng dẫn của Bác.

Những ngày ở bên Bác, ngoài những lúc phải căng mình ra làm nhiệm vụ, ông Bệ cùng anh em chiến sĩ trong đội bảo vệ cũng thường xuyên được Bác quan tâm thăm hỏi. Cứ thỉnh thoảng Bác lại ân cần lại gần hỏi han từ quê quán cho đến hoàn cảnh gia đình của từng người. Động viên mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Bệ nói tiếp: Cái lần được ăn Tết cùng Bác, lần đó Bác chú ý thấy nhiều anh em ngày Tết không được về nhà trong lòng cứ mong ngóng bồn chồn. Vậy là Bác liền tổ chức một bữa cơm, sắp xếp mời mọi người đến chia sẻ không khí ngày Tết. Cả bữa Bác gần như chẳng ăn gì mà dành thời gian để hỏi han, gắp thức ăn cho từng người.

Bác kể những câu chuyện vô cùng hóm hỉnh về thời gian mình ở nước ngoài. Vui vẻ là vậy, thế nhưng bác cũng khuyên nhủ từng người: "Đồng chí nào uống được thì uống, không uống được thì thôi, nên giữ lấy sức khỏe của mình. Để còn phục vụ Tổ quốc đợi ngày chiến thắng, đến ngày đó Bác cháu mình có say cũng chưa muộn". Những tình cảm đó của Bác đã khiến anh em dù phải xa nhà nhưng cũng cảm thấy vô cùng ấm áp.

Năm 1964 sau 12 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, ông Bệ được chuyển công tác, được phong hàm Thiếu tá rồi chuyển đến tiểu đoàn 12 của Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang với hai nhiệm vụ chính là bảo vệ cơ quan đầu não quốc gia và bảo vệ biên giới. Chính tại đây đơn vị dưới sự chỉ huy của ông đã có mặt mọi nơi, các điểm nóng biên giới, chiến đấu ngăn chặn các cuộc xâm nhập của biệt kích Mỹ- Ngụy và bọn phản động. Đài BBC của Anh quốc, Đài châu Á tự do của Mỹ đều gọi đơn vị này là "Tiểu đoàn cọp xanh", khét tiếng về tài hành quân thần tốc và chiến đấu giỏi.

Thái Khoa