"Thủ lĩnh môi trường" xuất thân từ dân cơ khí

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Theo anh Duyên, bảo vệ môi trường hay chống biến đổi khí hậu có thể được lấy từ những ví dụ thật giản dị trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn, không mở tủ lạnh quá lâu, không để máy tính ở dạng chờ, không tắt tivi bằng điều khiển từ xa...

Xuất thân từ một sinh viên ngành Cơ khí, tốt nghiệp Khoa Luyện kim (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhưng Nguyễn Văn Duyên lại nổi danh trong lĩnh vực môi trường. Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa anh đến với ngành môi trường, Duyên tâm sự, anh đã làm việc trong ngành gang thép một thời gian dài, giờ chuyển sang nghiên cứu về môi trường cứ coi như mình từng gây ô nhiễm môi trường, nay phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nó.

Là người bước trái ngành sang làm môi trường nhưng Nguyễn Văn Duyên lại có những đóng góp không ít người mơ ước. Tháng 11/2011 vừa qua, anh đã được Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vinh danh là thủ lĩnh môi trường vì những đóng góp của anh trong lĩnh vực này.

Anh hiện là quản trị Mạng lưới môi trường Việt Nam (VEN) dành cho các cán bộ, chuyên gia, tư vấn đang làm việc độc lập hoặc tại tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong nước và quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu và những người mong muốn chia sẻ niềm đam mê của mình để phát triển môi trường. Trước đó, anh đã lấy bằng Thạc sĩ Luật Môi trường tại Đại học Sydney.

Ngoài việc là một quản trị của diễn đàn về môi trường, anh còn là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quản lý môi trường, được biết đến với rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề sa mạc hóa và những tác động của nó đến đời sống của cộng đồng nghèo. Ba năm trở lại đây, anh làm trưởng nhóm nghiên cứu chiến lược tài chính chống sa mạc hóa cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Xã hội - 'Thủ lĩnh môi trường' xuất thân từ dân cơ khí

Anh Nguyễn Văn Duyên được Đại sứ quán Đại sứ quán Australia

Nói về sự thích ứng của người dân với biến đổi khí hậu, anh cho biết, Ninh Thuận, Bình Thuận được xem là nơi đặc biệt nhất ở Việt Nam, một khu sa mạc (theo Công ước quốc tế về sa mạc hóa). Việt Nam đã tham gia công ước này từ năm 1998, đã làm một số công việc như xây dựng chương trình quốc gia với nhiều sáng kiến. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là phải có được sự đầu tư để thực hiện các sáng kiến này.

Trên thực tế, người dân mình rất sáng tạo, có thể họ không biết đến thế nào là biến đổi khí hậu, nhưng bản thân họ đã có thích ứng tự phát với điều kiện bên ngoài. Đã có nhiều sáng kiến từ nhân dân như thu giữ nước, bổ cập nguồn nước mặt, nước ngầm, thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng như chuyển từ trồng lúa sang trồng cây thanh long hay chuyển lịch mùa vụ... Các kinh nghiệm của cộng đồng mình rất nhiều, vấn đề là phải nhân rộng những kinh nghiệm này trên cơ sở nghiên cứu kỹ hơn về khả năng ứng dụng và hiệu quả của nó.

Nói về phát triển bền vững sông Mê Kông, đặc biệt là việc xây dựng thủy điện trên dòng chính, theo quan điểm của anh Duyên, đập thủy điện cho dù mục tiêu phát triển kinh tế ở quốc gia nào cũng phải tuân theo các nguyên tắc của luật môi trường quốc tế, trong đó có Hiệp ước Mê Kông.

“Rất nhiều đập thủy điện của nhiều quốc gia trên dòng nhánh Mê Kông cũng như ở các lưu vực sông khác, thường chỉ mới làm được vai trò cung cấp điện mà chưa tham gia điều tiết lũ, bảo vệ sinh thái và mưu sinh của người dân”, anh cho biết. Dòng chính sông Mê Kông đang có những đề xuất dự án xây đập thủy điện lớn. Tất cả những gì mà anh đang làm đều góp phần bảo vệ và khai thác bền vững những nguồn lợi từ dòng sông này.

Theo anh Duyên, bảo vệ môi trường hay chống biến đổi khí hậu có thể được lấy từ những ví dụ thật giản dị trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn, không mở tủ lạnh quá lâu, không để máy tính ở dạng chờ, không tắt tivi bằng điều khiển từ xa...

Ngoài những quan tâm về phát triển bền vững lưu vực Mê Kông, biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp vùng ven biển, xử lý môi trường tại các làng nghề cũng là vấn đề được anh Duyên quan tâm. Anh cho rằng, rất nhiều làng nghề ở Việt Nam đang coi trọng vấn đề kinh tế và việc làm cao hơn môi trường nên chính họ đang góp phần hủy hoại môi trường. “Thách thức của làng nghề là hội nhập mà không đánh mất bản sắc. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững”, anh nói.

Chia sẻ về vấn đề này, theo quan điểm của anh cần gìn giữ cái nền văn hóa, môi sinh nhưng trên tư duy phát triển phù hợp thế giới văn minh hiện đại, có những hiểu biết rõ ràng về bảo vệ môi trường, cần tạo nên sự công bằng giữa việc duy trì mưu sinh cho thế hệ hiện tại và gìn giữ cho thế hệ sau, không khai thác cạn kiệt tài nguyên một cách vô trách nhiệm.

Xuân Hoài (tổng hợp)