Thu phí xe máy: Chưa hợp lý và không hợp tình

Thu phí xe máy: Chưa hợp lý và không hợp tình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trước phương án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ giao thông, giới chuyên môn vẫn không khỏi lo ngại mục tiêu giảm ùn tắc không đạt được mà còn gây thêm khó khăn và bức xúc cho người dân.

Làm khó cho dân...

Đón nhận thông tin xe máy sẽ phải đóng phí phương tiện nếu muốn lăn bánh trên đường, anh Lê Văn Thỉnh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cho rằng đây không phải là cách làm hiệu quả mà còn gây ra nhiều bất cập, bức xúc và khó khăn cho toàn dân. Thu phí đối với ô tô còn có thể "thông cảm" được, còn bắt xe máy đóng phí chẳng khác gì dồn người dân chúng tôi vào chân tường".

Xã hội - Thu phí xe máy: Chưa hợp lý và không hợp tìnhTrước khi có phương án hạn chế xe máy bằng thu phí thì cần có các phương tiện công cộng tiện lợi thay thế.

"Lãnh đạo Bộ GTVT biện minh rằng, hạn chế xe cá nhân để tránh ùn tắc, tạo "công ăn việc làm" cho phương tiện công cộng nhưng thử hỏi với năng lực của xe buýt hiện nay liệu có đáp ứng nổi không?

Thu phí xe máy khác gì đánh vào túi tiền để cấm người dân lưu thông trên đường, khác gì họ bị chặt mất chân", anh Thỉnh bức xúc.

Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Tài, một kỹ sư xây dựng từng nhiều năm công tác tại nước ngoài cho rằng: "Việc thu phí lưu hành đối với xe máy là cực kỳ phi lý. Tôi chưa từng thấy nước nào trên thế giới áp dụng hình thức này. Thực chất của "giải pháp" này là đánh vào gánh nặng của đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo để làm giàu cho ngân sách của Bộ. Các cơ quan chức năng cứ nói ra rả, bảo phục vụ quyền lợi của dân nhưng thực chất là đang "móc túi" chúng tôi".

Theo lời anh Tài, ở một nước văn minh như Singapore, sở dĩ người dân kể cả quan chức chính quyền cũng đi xe công cộng do họ có hệ thống xe điện, xe buýt rất tốt và phổ biến bên cạnh quy hoạch hạ tầng và đô thị chuẩn mực. Nhưng ở Việt Nam ta, từ hạ tầng, quy hoạch đến phương tiện giao thông đều chưa thể áp dụng được như họ nên cần xem xét lại.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn về vấn đề này, anh Trần Thái Hà (Long Biên, Hà Nội) không giấu nổi bức xúc. Anh chia sẻ: “Những ngày này, cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa khi hay tin từ 1/6, người sử dụng phương tiện giao thông bằng xe gắn máy phải nộp thêm nhiều loại phí.

Nhà 4 người, sử dụng 4 xe máy để đi làm, đi đón trẻ con. Chỉ khổ bố tôi, 60 tuổi, cựu chiến binh, để bù đồng lương hạn hẹp, thêm thắt vào mâm cơm gia đình, con cái tiết kiệm mua cho ông chiếc xe Honda cũ, giá 5 triệu đồng. Hàng tháng trừ chi phí ông cũng kiếm được ngót nghét 1 triệu.

Giờ xăng tăng giá, nhều loại phí phải nộp, ông cứ bóp đầu nhăn nhó, không biết nên thế nào. Bỏ nghề thì lấy đâu tiền sinh hoạt, mà lăn bánh trên đường thì gần như không công?”.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chua xót: "Tôi mong Bộ GTVT cân nhắc, đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu không nên dồn dân vào chân tường như thế".

Không khả thi và khó chấp nhận

Không chỉ những người dân đang ngày ngày lăn lộn trên chiếc xe máy kiếm miếng cơm manh áo "lo ngay ngáy", mà nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo lắng cho quyết sách của Bộ GTVT.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Tôi cũng nằm trong số đông những người không ủng hộ chủ trương thu phí phương tiện cá nhân, đặc biệt là với xe máy. Và lẽ dĩ nhiên, là một người dân tham gia giao thông, tôi cũng sẽ bị "áp chế" bởi hình thức thu phí này.

Trước đây, khi còn đang đương nhiệm, tôi cũng từng không đi xe cơ quan, nhưng phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nên tôi thường bắt xe ôm đi làm.

Ngày nay cũng vậy, theo tôi, phương tiện công cộng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nếu nói rằng, hạn chế phương tiện cá nhân để "mở đường" cho xe buýt thì không hợp lý. Xe buýt có khi hàng tiếng mới có một chuyến, chờ 30 phút có khi mới lên được xe, mà không phải lúc nào đi cũng tiện.

Nếu "ép" người dân chuyển từ xe máy sang xe buýt thì không bao giờ họ chấp nhận".

Dưới góc nhìn về giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho biết: "Chúng ta không thể dùng các phí từ "trên trời" rơi xuống để bắt người dân nộp, "cấm" người dân đi lại. 100 người, chỉ có 10 người được đi xe buýt còn 90 người kia họ đi bằng gì? Người ta phải đi xe máy, ô tô chứ!

Tôi cho rằng, hiệu quả của giải pháp thu phí lưu hành phương tiện là rất thấp, chỉ giảm được khoảng 1 - 2% ùn tắc thôi. Tức là trong 100 người thì chỉ 1 đến 2 người thôi không mua xe nữa, nhưng rồi người ta cũng sẽ mua vì không mua thì lấy gì mà đi lại khi vận tải công cộng không đáp ứng được".

Cũng theo TS Thủy, chúng ta nói đến hiệu quả cũng phải nghĩ đến hậu quả. Chúng ta phải nhìn vào đại đa số người dân và phải thông cảm cho họ. Thực chất chúng ta thu phí là dùng phương pháp kinh tế để "cấm" người dân đi lại.

Chúng ta cứ đánh đồng người nào có ô tô đánh phí 20 triệu đến 50 triệu /năm, xe máy đánh 500 nghìn đến 1 triệu đồng /năm, như vậy là vô lý, không công bằng.

"Những người nghèo bỏ 500 nghìn theo tôi không phải là nhỏ đâu, tôi biết có những gia đình nông dân mỗi ngày không kiếm được vài chục ngàn.

Vậy thì 500 nghìn không phải là ít nhưng cũng phải lao động cật lực vất vả mồ hôi nước mắt mới có được. Thu phí đồng loạt như vậy thực chất đánh vào người nghèo", TS Thủy bức xúc.

Xã hội - Thu phí xe máy: Chưa hợp lý và không hợp tình (Hình 2).

Hãy cẩn trọng

"Những gì đáng thu mới thu, còn những cửa để dân làm ăn, kiếm thêm thu nhập thì cần phải tính toán.

Bởi với dân nghèo, họ cả đời dành dụm mua được cái xe máy, có khi quanh năm suốt tháng mới đem ra sử dụng giờ cũng phải đóng tiền phí như xe khác.

Ông xe ôm cũng nói rằng, tôi nghèo khổ mới đi xe ôm ngày kiếm dăm ba đồng, bắt tôi đóng hàng triệu đồng một năm thì liệu có còn công bằng không?

Thu phí xe gắn máy thực chất là thuế đánh vào tài sản. Mà đánh vào tài sản của những người nghèo, người cùng đinh thì hãy cẩn trọng".

(Ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Anh Đức - Vương Hà