"Thủ phủ" đá đỏ ngày "của thiên trả địa"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Để được tận mắt chứng kiến đồi Tỷ, nơi bao người đã phải bỏ mạng vì tranh giành đá đỏ, chúng tôi đã phải gửi xe lại trong dân, đi bộ chừng gần 1 tiếng đồng hồ đường núi để vào khu vực.

Những dấu tích về một thời kinh hoàng vẫn còn đó, những chiếc máy nằm trơ giữa lòng hồ, xa xăm là những đồi cây keo, bạch đàn nay lá đã lên xanh.

"Thủ phủ" hoang phế

Thủ phủ của đá đỏ một thời nay thanh bình đến lạ. Hơn hai thập kỷ đã qua, mảnh đất buôn bán sầm uất, thương gia vào đây trao đổi hàng hóa tấp nập thì giờ đây vắng lặng như bị bỏ hoang. Chúng tôi được anh Đoàn Xuân Hùng, một công nhân tại lâm trường quản lý khu vực này dẫn đi một vòng quanh đồi Tỷ để "mục sở thị" ngọn đồi "một thời vang bóng".

Sau "cơn lốc" viên đá màu tràn về, cảnh đâm chém, tranh cướp lãnh địa hỗn loạn nên các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc sát sao. Đã nhiều năm nay đồi Tỷ là khu vực cấm người dân ra vào khai thác. Từ đường QL48 đi vào, hai bên đường cây cối xanh um tùm, những dãy đồi trọc đã được phủ xanh bởi cây keo, bạc đàn, sắn hay những đồi mía tít tắp. Cổng vào đồi Tỷ chỉ được ngăn bởi một barie.

Những ngôi nhà với bức tường phủ xanh rêu mốc, dây leo mọc bám chằng chịt. Máy móc, dụng cụ khai thác nằm im một chỗ đã hơn chục năm nay. Cảnh vật hoang sơ, im lìm như minh chứng cho sự "đắp chiếu" lâu năm của một "đại công trường" đá quý một thời vang bóng.

Cách đó chừng 500m, nằm trên con đường mòn ra vào đồi Tỷ là những tàn tích: Những dãy núi đá nham nhở, hồ nước trong xanh tĩnh lặng như tờ; máy móc, vòi rồng, ống dẫn nước lên đồi nằm chơ vơ hoen gỉ; xa xa vẫn còn những hố đất đào dở đọng nước.

Những viên đá đỏ khiến nhiều người đổi đời

Chỉ vào hồ nước trong xanh, sâu hoắm anh Hùng cho biết: "Cái hồ này chính là đồi Tỷ, "lãnh địa máu" một thời của mảnh đất miền tây Nghệ An. Khu vực chôn vùi 47 người vào ngày 8/3/1991 đấy. Bây giờ, nhìn thế thôi chứ nó còn sâu cả hàng chục mét nước".

Anh Hùng cho biết hiện Công ty khai thác vàng bạc và đá quý Nghệ An đang quản lý khu vực này.

"Thân bại danh liệt" vì đá đỏ

Ở "thủ phủ" đá đỏ một thời, người dân vẫn nhắc lại chuyện những tay buôn đá một thời giàu sang "sống trên tiền" nhưng rồi "của thiên trả địa", nay lại trắng tay như ngày là nông dân. Hồ Ngọc T, một trong những "ông trùm" buôn đá đỏ thời bấy giờ, nay đã giải nghệ là một trường hợp như vậy.

Chúng tôi tìm đến nhà khi T đang chuẩn bị đi làm rừng. Thấy khách lạ, anh vội đặt đồ đạc xuống mời chúng tôi vào nhà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá tềnh toàng, trong nhà không còn thứ gì đắt giá hơn tiền triệu. Khi chúng tôi giới thiệu là nhà báo đang muốn tìm hiểu về thời kỳ người dân đổ xô săn đá đỏ cũng như những cuộc tranh giành lãnh địa đẫm máu nơi đây, anh tỏ ra ái ngại. "Bây giờ, thời kỳ đá đỏ đã qua rồi, không nên nhắc lại quá khứ đó làm gì nữa. Toàn chết chóc đau thương, có người trở nên giàu có từ đá đỏ bây giờ cũng tay trắng. Trước đây, tôi có trong tay cả hàng tỷ đồng bây giờ chả còn gì, chỉ giữ lại được một số viên để làm kỷ niệm", anh trầm giọng.

Anh tâm sự, thời kỳ đó thật là kinh hoàng. Lúc đầu đá đỏ cũng không đắt giá như sau này. Sau khi một đoàn thương gia ở Hà Nội vào chuyên gom đá đi bán các nước trên thế giới, khi đó giá đá đỏ mới tăng vùn vụt. Bấy giờ, không chỉ những người dân địa phương mà có hàng ngàn người tứ xứ khắp cả nước đổ về đây để tìm kiếm đá đỏ.

Trước năm 1992, T cũng đi đào đá đỏ cùng với nhiều người dân địa phương ở đây. Tuy nhiên, trong một lần đào được một viên đá đỏ màu tiết dê bán "xổi" ngay được 500 triệu đồng nên T mới nảy ra ý định đi buôn đá đỏ dễ "phất" hơn. "Lúc đó, không riêng gì tui mà có cả hàng trăm tay buôn cũng về đây để tranh giành "hàng" mỗi khi có người đào được. Cũng có tay buôn đầu gấu thành lập cả băng nhóm để đầu cơ, ăn chặn những phu đá lương thiện

T cho biết thêm, nếu 10 người bạn của anh thời kỳ đó thì đã 7 nghiện ngập (trong đó có 6 vào tù và 4 người đã chết). Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu kỹ về những viên đá màu kỳ diệu, anh T. lục lọi lấy ra 5 viên đá màu đỏ, hồng rồi anh nói: "Đây là những gì còn sót lại sau những năm tháng chìm trong si mê đá đỏ. Những viên đá này tui không bán mà gửi lại làm kỷ niệm. Nhìn những viên đá này tui lại nhớ đến những người bạn, những người dân lương thiện vì viên đá mà bỏ mạng nơi xứ người".

Lối rẽ của một "ông trùm"

Viên đá màu có sức hút kỳ diệu đến mức, có hàng ngàn người đổ về đây để tìm vận may. Bên cạnh hàng ngàn phu đá lương thiện, vùng đất này còn quy tụ hàng trăm giang hồ có máu mặt, trong đó có Phan Bá Giang (Giang trọc) (SN 1964, ngụ xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu).

Thấy từng đoàn người từ khắp mọi nơi kéo nhau về đào bới, lùng sục tìm đá đỏ, Giang rủ hai em trai mình đi thử vận may. Sau nhiều tháng đào bới ở bãi bờ đồi Tỷ, anh em Giang "trúng" được một viên đá đỏ cực đẹp, mang bán và trúng lớn. Từ đó, anh không đi đào nữa mà chuyển sang nghề buôn đá. Giang kể lại, mỗi chuyến buôn ít nhất cũng kiếm được cả hàng trăm triệu đồng.

Năm 1991 - 1992, Giang đã có một cửa hàng vàng bạc, đá quý trị giá gần 4 tỷ đồng. "Cuối năm 1992, lúc trở nên giàu có, nghĩ số mình đang "gặp vận" nên tui tìm đến sới bạc để kiếm thêm. Nhưng kết quả là chưa đầy một năm sau, khối tiền khổng lồ gần 4 tỷ đồng cứ lần lượt ra đi, tiệm vàng của gia đình cũng dẹp nốt". Giang trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất.

Đầu năm 1993, sau khi gánh chịu nhiều kết cục cay đắng từ "kiếp đỏ đen", Giang quyết tâm cưới vợ, làm lại cuộc đời. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, còn chiếc xe máy cuối cùng trong nhà Giang cũng bán đi nướng vào sới bạc. Đến đây thì Giang hoàn toàn trắng tay. Giận mình, Giang bỏ nhà ra đi.

Những ngày lang thang, khi đến lâm trường Đô Lương (Nghệ An), Giang xuống xe nghỉ lại ở một quán nước ven đường QL7. Thấy các nhà báo về quay phim, chụp ảnh cánh rừng trồng của lâm trường, ngồi trong quán nước Giang nghe lỏm được người dân bàn tán giá trị của cánh rừng lâm trường nếu thu hoạch giá trị mang lại có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Giang nghĩ: "Ở nhà mình đất rừng nhiều và còn hoang sơ chưa ai biết trồng rừng" nên anh trở về, làm đơn xin UBND xã 5ha đất để trồng rừng.

Được chính quyền địa phương đồng ý cho phép khoanh đất trồng rừng, Giang mua hạt giống về ươm trồng và cứ thế "lấy ngắn nuôi dài". Chỉ chưa đầy một năm sau, anh có cả một vườn ươm lớn với hàng triệu cây giống bạch đàn, tràm và keo tai tượng. Cuối năm 1994, khi Nhà nước phát động chương trình 327 "phủ xanh đất trống đồi trọc", Giang lại làm đơn xin 50ha đất bạc màu để trồng rừng, rồi đến năm 2007 nâng tổng diện tích rừng trồng của anh lên tới hàng trăm ha.

Năm 2008, anh bắt đầu cho khai thác số diện tích cây trồng của đợt một với hơn 30 ha, giá bình quân hơn 100 triệu đồng/ha. Trong đợt khai thác này, anh đã có trong tay cả vốn lẫn lời trên 3 tỷ đồng tiền bán cây. Năm 2008, anh tiếp tục đầu tư vốn, cây giống và kỹ thuật. Ngoài việc trồng rừng, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 - 50 lao động có thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng.

Giang tổng kết đời mình "ăn cướp của rừng thì rưng rưng nước mắt, nhưng nếu biết chăm sóc rừng thì rừng đáp ơn". Ngày xưa Giang phá rừng, đào đất rừng để tìm đá thì đời khốn khổ; nay quay lại chăm bón rừng thì khốn khó lùi xa. Chuyện "thủ phủ" đá đỏ loạn lạc ngày nào nay cũng chỉ là dĩ vãng.

Xuân Lê

Tag: An Giang