Thu thập chứng cứ sao cho đúng?

Thu thập chứng cứ sao cho đúng?

Thứ 4, 06/03/2013 | 08:31
0
Có ý kiến bảo chứng cứ tòa đang giữ thì thẩm phán cứ vào kho lưu trữ thu thập nhưng ý kiến khác nói phải được thể hiện bằng quyết định…

Năm 2003, hộ ông Nguyễn Văn D. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất vườn khoảng 2.300 m2, do ông D. đại diện đứng tên. Tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận, hộ ông D. có ba thành viên gồm ông D., vợ ông là bà K. cùng con là anh M.

Vợ chồng tranh chấp

Đến năm 2004, vợ chồng ông D. phát sinh mâu thuẫn nên nộp đơn xin ly hôn và dược TAND huyện H. (Tiền Giang) chấp nhận. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, ông D. nộp văn bản thể hiện vợ ông ký thừa nhận phần đất trên là tài sản riêng của ông, hai bên không có tranh chấp gì.

Sau khi ly hôn, do kinh tế khó khăn, bà K. đã về gặp ông D. yêu cầu được chia một phần tài sản đối với phần đất nêu trên. Ông D. không đồng ý nên bà K. đã khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung vì cho rằng thửa đất trên được tạo trong thời kỳ hôn nhân.

Luật sư - Thu thập chứng cứ sao cho đúng?

Khi tòa thụ lý, ông D. bảo đây là tài sản riêng của ông, yêu cầu tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời, ông yêu cầu tòa thu thập chứng cứ từ hồ sơ vụ án ly hôn trước đó để chứng minh quyền sử dụng đất là của riêng ông.

Chưa rõ cách xử lý

Có sự trùng hợp là hồ sơ vụ án ly hôn giữa ông D. và bà K. cũng do TAND huyện H. thụ lý giải quyết. Nay ông D. cũng khởi kiện ra tòa này nên phát sinh một số gút mắc về thu thập chứng cứ (là văn bản thỏa thuận tài sản riêng của ông D. do bà K. ký trước đó).

Một số ý kiến cho rằng thẩm phán giải quyết vụ án không cần ra quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ vì chứng cứ cần thu thập đang được tòa lưu trữ ở trong kho. Thẩm phán chỉ cần cử người lục lại hồ sơ là có thể xử lý được vụ án.

Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng cách thu thập chứng cứ của vị thẩm phán trên là không đúng, vi phạm tố tụng, sẽ dẫn đến việc án bị hủy. Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 BLTTDS, tòa thu thập chứng cứ phải có văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho mình. Văn bản thu thập chứng cứ được ban hành với hình thức là quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ. Do vậy, việc thu thập chứng cứ của tòa cần phải ban hành quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ chứ không thể “du di” cho rằng chứng cứ ở đơn vị mình thì có thể tự tiện vào và lấy ra là được…

Cần có sự linh hoạt

Tôi cho rằng không phải bất cứ lúc nào cũng căn theo những quy định pháp luật để xử lý. Cần có sự mềm dẻo, linh hoạt. Trong trường hợp này, thẩm phán cần có văn bản xin ý kiến về thu thập chứng cứ với chánh án để được duyệt thu thập chứng cứ từ kho chứ không nên ra quyết định thế này thế nọ. Dù sao đi nữa, mọi quyết định của thẩm phán sau này sẽ được soi theo pháp luật mà xử lý. Nếu cố tình thu thập chứng cứ sai thì sẽ bị quy trách nhiệm còn nếu thu thập chứng cứ đúng thì dẫu quy trình có sai thì cũng không thể vin vào đó mà bắt lỗi.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Theo Minh Khánh (Pháp Luật TP HCM)

Xe đạp biển giả tịch thu, ô tô biển giả chỉ khiển trách

Thứ 3, 05/03/2013 | 11:29
Một so sánh khá khập khiễng nhưng đầy thú vị về hai vụ việc xe biển giả gây xôn xao dự luận thời gian gần đây.

Nóng bình luận về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Thứ 3, 05/03/2013 | 15:53
Nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi liệu phạt người đi đường khi sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vào lúc này đã hợp lý?

Mức án khác nhau vì đánh giá chứng cứ mỗi nơi một kiểu

Thứ 5, 21/02/2013 | 09:39
Cùng một hành vi phạm tội nhưng khi đánh giá chứng cứ, hành vi hậu quả mà các bị cáo gây ra, các cơ quan tố tụng đôi khi có quan điểm khác nhau dẫn đến một vụ án nhưng mỗi nơi đánh giá một kiểu dẫn đến mức án tuyên giữa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đôi khi “chênh” nhau khá nhiều.