Thu trăm triệu từ cá chép đỏ

Thu trăm triệu từ cá chép đỏ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Hôm nay, đúng ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng sắm sửa lễ vật tiễn ông Táo lên chầu trời, trong đó có một lễ vật không thể thiếu là đôi cá chép.

Những năm gần đây, cá chép đỏ được chở đi bán khắp phố phường đến các làng quê. Hàng triệu cá chép ấy ở đâu ra?

Ít ai để ý và ít ai biết rằng đã nhiều năm nay, người dân ở xã vùng sâu của huyện Cẩm Khê – Phú Thọ cần mẫn chăm chút từng con cá "tín vật"…

Tôi tìm về xã Tuy Lộc – một xã xa trung tâm nhất của huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vào đúng dịp bà con thu hoạch cá chép đỏ – 'tín vật" của lễ cúng ông Táo chầu trời.

Sự kiện - Thu trăm triệu từ cá chép đỏ

Không khí Tết ở đây đã càng thêm rộn rã khi các gia đình có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ cá chép đỏ.

"Điều đó đã không còn lạ với người dân nơi đây, nhưng sự tích con cá chép xuất hiện ở Tuy Lộc thì ít ai được nghe và dù có được nghe thì cũng chẳng mấy tin, dẫu là sự thực" – một người dân xã Tuy Lộc nói.

Đó là một ngày cách đây hơn 30 năm. Ông Trần Văn Sáu, làm nghề lái cá giống đã mang về làng 4 con cá lạ đỏ chót. Mọi người trong làng nhìn thấy không khỏi trầm trồ. Ông Sáu đã kể lại hành trình "nhập làng" của bốn con cá đỏ ấy. Hôm đó, giống như hàng trăm lần khác, ông Sáu đạp xe vượt gần 150 cây số từ Tuy Lộc xuống Trạm Trôi (Hoài Đức – Hà Tây) mua cá giống. Chỉ khác là lần này, ông nhìn thấy gia đình bán cá giống nuôi mấy chục con cá đỏ chót trong một khoảng ao nhỏ.

Nước ao trong suốt khiến mấy chục chú cá đỏ trông càng đẹp. ông Sáu hỏi mua nhưng ban đầu gia đình nhất quyết không bán, mặc dù đã trả giá rất cao. Mãi sau, gia đình chủ mới cho biết, đó là cá chép đỏ xuất xứ từ Nhật Bản.

Sau nhiều lần nài nỉ, ông Sáu cũng mua được 4 con cá bằng đầu ngón tay. Khi mang về làng, mọi người ngạc nhiên trước sắc màu đỏ tươi, trong suốt của vây cá. Có người mê tín không tin lời ông Sáu nên loan tin ông đã mang cá ma, cá thần về làng. Có người còn lập bàn thờ, cúng thần trừ ma, bởi cho rằng "chim sa cá nhảy" sẽ mang điềm gở về cho dân làng. Ông Sáu giải thích nhưng nhiều người không tin, bởi xưa nay chỉ có cá chép vàng chứ đã ai nghe đến chép đỏ!

Chưa giải thích cho bà con hiểu được thì ông bần thần khi biết rằng, bốn con cá ông mua được đều là cá đực. Ông lại hộc tốc trở lại Trạm Trôi tìm gia chủ mua mấy con cái. Nhưng thật buồn, gia đình này đã không còn giữ được con cá đỏ nào, do mắc dịch. Ông đành thả mấy con đực xuống ao nhà. Sau một thời gian, ông thật bất ngờ khi thấy cá dưới ao chủ yếu có màu trắng hồng pha lẫn. Bà con thôn làng khi đó càng tin đó là cá ma.

Ông Sáu giải thích đó chỉ là sản phẩm của sự lai tạo giữa cá đỏ và cá trắng, nhưng ít người tin. Ông Sáu đành chọn những con cá chỉ có màu đỏ giữ lại làm giống, còn lại bán hết. Thế là, từ vụ sau đó, ao cá nhà ông Sáu rặt cá đỏ. Nhà ông Sáu phát tài từ đó… Ông hay đùa vui: "Cá ma hóa… vàng!"

Cá vàng, cá lộc

Trong lễ cúng ông Táo hằng năm của dân ta không thể thiếu cá chép làm tín vật. Từ bốn con cá của ông Sáu, đến nay hàng trăm hộ dân xã Tuy Lộc đã thoát nghèo. Bản thân gia đình ông Sáu trở thành điển hình trong làm ăn kinh tế của xã. "Có lẽ, Tuy Lộc là xã duy nhất trên cả nước có nghề độc đáo: Nuôi cá chép đỏ. Điều thú vị là họ nuôi nhưng không mong cá lớn, vì chỉ bán vào dịp cúng ông Táo 23 tháng chạp" - một lãnh đạo xã Tuy Lộc nói.

Bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp, cả xã Tuy Hòa như một ngày hội. Người thì lo tát ao, người lo chuẩn bị sửa sang xe cộ, người lo sắm sửa gánh gồng, rồi túi nilông trắng đựng cá cho khách… Khắp các thôn Thủy Trầm, Tăng Xá, Quyết Tiến, Dư Ba… ngày đêm nhộn nhịp tiếng xe máy, ôtô, tiếng gọi nhau ý ới của dân làng và cánh lái buôn.

Công việc xem ra khẩn trương lắm, bởi nếu chỉ lơ là để chậm ngày tát ao, tìm mối lái… thì coi như công chăm cá cả năm đổ xuống sông xuống biển.

Sự kiện - Thu trăm triệu từ cá chép đỏ (Hình 2).

Toàn xã Tuy Lộc có hơn 400 hộ dân nuôi cá chép, trong đó chủ yếu ở thôn Thủy Trầm. Có gia đình sở hữu gần chục cái ao, với diện tích cả hécta. Nhiều gia đình còn tận dụng cả diện tích ruộng khô cằn, khó trồng hoa màu để đào ao thả cá. Gia đình anh Nguyễn Công Lân có 8 sào ao, mỗi năm thu trên 3 tấn cá. Với giá trung bình 120.000đ/kg, mỗi dịp Tết gia đình anh lãi gần 300 triệu đồng.

Hai anh em Hà Công Kỷ, Hà Công Vụ (thôn Thủy Trầm) cũng là những điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ cá chép đỏ. Mấy sào ao nhà Kỷ – Vụ, nửa năm đầu nuôi cá thịt, sau đó thu hoạch rồi thả toàn cá chép đỏ phục vụ dịp Tết. Khi tôi đến, cả gia đình họ đều đang bận rộn, mỗi người một việc. Anh Kỷ nói: "Năm nay chắc lại trúng to, vì cá nhà tôi tương đối đều và đẹp". Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt anh tràn trề niềm hy vọng.

Khi được hỏi bí quyết nuôi cá lớn chậm và đều, anh Vụ giải thích: "Ao nhỏ, nước sạch, không sâu quá, thả cá thật dày, cho ăn thật ít. Mỗi mét vuông mặt nước nên thả 500 – 700 con… Như thế cá sẽ chậm lớn và thu được số lượng lớn trên một diện tích mặt nước nhỏ".

Mỗi dịp Tết, thôn Thủy Trầm cung cấp cả vài chục tấn cá cho khắp các tỉnh miền Bắc, với giá bán buôn 110.000 – 130.000 đồng/kg hoặc 6.000 – 8.000 đồng/con. Nghề nuôi cá chép đỏ trở thành nghề siêu lợi nhuận ở Tuy Lộc. Nhiều thanh niên trong xã đã trở thành triệu phú nhờ con cá chép đỏ. Nhiều người dân (như các anh Nghĩa, Minh…) còn kiêm luôn cả lái buôn, thu gom cá, thu nhập 40 – 50 triệu đồng chỉ trong ít ngày cuối năm…

P.V