Thừa bản năng, thiếu tình người

Thừa bản năng, thiếu tình người

Thứ 6, 07/06/2013 | 09:59
0
Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, LS. Phạm Văn Phất- trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm nhận định: "Gần đây, theo dõi trên báo chí chúng ta đều nhận thấy rằng thông tin về các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe mà hung thủ và nạn nhân có quan hệ thân thiết như cha- con, vợ- chồng, bà- cháu, người yêu của nhau... ngày càng nhiều hơn...

...Tuy nhiên, chưa thấy có số liệu thống kê của các cơ quan chức năng về các vụ án như vậy để có thể biết được số liệu thực tế tăng hay giảm và mức độ tăng giảm thế nào".

Nếu không có sự can thiệp kịp thời, bi kịch còn xảy ra

Tình trạng tội phạm nói chung là một vấn đề xã hội- pháp luật vốn phức tạp, tình trạng tội phạm xâm phạm tính mạng người thân lại càng phức tạp hơn, không dễ để giải thích bằng một vài nguyên nhân chung cho tất cả các vụ án trong nhóm thống kê. Các nhà nghiên cứu về tội phạm, tâm lý và các nhà nghiên cứu về xã hội học có thể cho chúng ta những lý giải về tình trạng này một cách toàn diện hơn, khoa học hơn.

"Tuy nhiên, dưới góc độ một luật sư, tôi cho rằng, ngoại trừ các trường hợp có liên quan yếu tố bệnh tâm thần và các hội chứng tâm lý đặc thù khác, các nguyên nhân của tình trạng phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người thân có thể kể đến là người phạm tội thường là những người có quan niệm lệch lạc về giá trị sống so với cộng đồng, thiếu niềm tin vào cuộc sống nói chung, thiếu kỹ năng sống.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong xã hội gia tăng, mức sống nghèo khổ, tình trạng thiếu niềm tin vào sự công minh của pháp luật cũng góp phần không nhỏ vào sự xuất hiện của nhóm tội phạm này. Nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ những ký ức xấu của thời thơ ấu hay những sự cố họ gặp trong cuộc sống. Thực tế, hành vi này còn liên quan đến bạo lực gia đình bởi những người cha, người chồng thường xuyên đánh đập vợ con, đến một mức nào đó sẽ nhẫn tâm sát hại người thân trong gia đình. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, bi kịch sẽ tiếp tục xảy ra", LS. Phất phân tích.

Luật sư - Thừa bản năng, thiếu tình người

LS. Phạm Văn Phất- Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm.

LS.Phạm Văn Phất cho rằng: "Với những người bình thường (tức những người có quan niệm về giá trị cuộc sống được cộng đồng chấp nhận-PV), hành vi ứng xử hàng ngày của họ bị các quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, vai trò của dư luận xã hội điều chỉnh, giúp họ vượt qua bản năng để sống tuân thủ pháp luật và các quy tắc bất thành văn của xã hội loài người. Tôi cho rằng, với những vụ án mạng xảy ra giữa những người có quan hệ máu mủ ruột già, hành vi của kẻ phạm tội đã vượt quá ngưỡng để có thể coi họ như một con người bình thường".

Theo LS. Phất, không sai khi nói rằng một trong các nguyên nhân đặc trưng nhất của loại tội phạm này là tình trạng xuống cấp về đạo đức, bởi lẽ mỗi vụ án đau lòng như vậy thường là kết cục của một quá trình mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Diễn biến điển hình của vụ án thuộc loại này có thể tóm lược như sau, xuất phát từ những mâu thuẫn đời thường, lối ứng xử kém đạo đức dần dần đưa mâu thuẫn trở thành trầm trọng và những ứng xử thiếu tính người thừa tính bản năng đã chuyển việc giải quyết mâu thuẫn thành một vụ án đau lòng. Với những người đề cao các giá trị đạo đức thì những mâu thuẫn tương tự giữa những người thân thậm chí đã không xuất hiện, hoặc khi đã xuất hiện thì mâu thuẫn đó cũng được họ kiểm soát, giải quyết ở một mức độ chấp nhận được về mặt đạo đức.

Luật sư - Thừa bản năng, thiếu tình người (Hình 2).

Thượng tá Lê Hồng Thắng - Phó trưởng phòng PC45- Công an TP. Hải Phòng.

Kiểm soát bản năng

Các ứng xử vô đạo đức, thiếu tính người không phải bỗng dưng xuất hiện trong một con người mà thường có quá trình hình thành và phát triển khá dài. Song nói gì thì nói, người trong gia đình tàn sát nhau là hành vi thừa bản năng, thiếu tình người. Các hiện tượng tiêu cực, các hành vi coi thường pháp luật, trật tự xã hội, coi thường các giá trị đạo đức, lối sống ích kỷ mà một người hàng ngày được chứng kiến từ nhà trường, trong gia đình, đến ngoài xã hội (kể cả biết được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng-PV) đều có tác động nhất định đến việc hình thành nhân cách, nhân sinh quan, thế giới quan của một con người. Vì thế, giáo dục đạo đức không phải nhiệm vụ riêng của môi trường gia đình, hay nhà trường mà của toàn xã hội.

"Như trên đã nói, để có thể phân tích thấu đáo các nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp hạn chế các loại tội phạm nói chung và tình trạng xâm phạm tính mạng, sức khỏe người thân nói riêng, cần phải có những nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên ngành liên quan. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ phó mặc, đợi cho những nghiên cứu đó có kết quả và thực hiện theo.

Mỗi người chúng ta nên trau dồi các kỹ năng sống, ứng xử với các thành viên trong gia đình một cách có trách nhiệm, dành thời gian thích đáng để quan tâm, dạy dỗ các thành viên nhỏ tuổi. Nhiều vụ án thuộc loại này xảy ra trong bối cảnh những người trong cuộc có cuộc sống cơ cực, nghèo đói hoặc có người lớn sống bê tha, không có thu nhập, không quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình. Do đó, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cũng có thể góp phần nhất định vào việc hạn chế tình trạng phạm tội nói chung và xâm phạm tính mạng, sức khỏe người thân nói riêng", LS. Phất nhấn mạnh.           

Mâu thuẫn- chẳng khác gì thuốc độc

Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, thượng tá Lê Hồng Thắng (phó trưởng phòng PC45- Công an TP. Hải Phòng) nhận định: "Thời gian gần đây, những vụ án giết người man rợ mà mối quan hệ nạn nhân- hung thủ đặc biệt mật thiết như vợ chồng, anh em ruột, con cái với bố mẹ… xảy ra khá phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, tình cảm. Mâu thuẫn được xem như thứ thuốc cực độc giết người. Tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng giết người thân trong gia đình, tình trạng các băng nhóm lưu manh côn đồ giải quyết mâu thuẫn".

Cũng theo phân tích của thượng tá Thắng, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tuy đã được kiềm chế nhưng các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, đòi hỏi lực lượng cảnh sát hình sự cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai những biện pháp quan trọng phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người vì nguyên nhân xã hội nói riêng. Bên cạnh sự nỗ lực để kiềm chế và ngăn chặn tội phạm của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần tự chế ngự xung đột cá nhân để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có".    

Hương Lan-  Đỗ Thơm

Truy sát bạn trong đêm chỉ vì mâu thuẫn trên bàn nhậu

Thứ 3, 04/06/2013 | 15:54
Lâu lâu mới cùng bạn bè nhậu một trận đã đời nên quá nửa đêm, bữa tiệc của nhóm anh Tr. vẫn chưa tàn.

Vì mâu thuẫn nhỏ,cháu truy sát chú ruột đến chết

Thứ 5, 30/05/2013 | 10:16
Trong hơi men chuếnh choáng, chút mâu thuẫn nhỏ chôn kín từ 20 năm trước bỗng chốc bùng cháy biến y thành quỷ dữ.