Thực hư áo khoác chống tia tử ngoại từ ánh đèn

Thực hư áo khoác chống tia tử ngoại từ ánh đèn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
– Không cần biết thực hư tác dụng của các sản phẩm này đến đâu, chỉ cần nhà sản xuất quảng cáo "sản phẩm tốt với làn da", "chống tia tử ngoại mãi mãi"... là họ sẵn sàng chi bạc triệu để mua…

“Ăn chơi không sợ mưa rơi!”

Giá các loại áo ngăn ngừa tia tử ngoại có giá "bèo" nhất từ 480- 530 nghìn đồng, thậm chí có những sản phẩm gắn mác "chống được tia tử ngoại từ ánh đèn phát ra" giá lên tới trên 1- 1,5 triệu đồng. Găng tay, khẩu trang, mũ cũng dao động từ 300 - 500 nghìn đồng. Giá các sản phẩm chống tia tử ngoại đắt đỏ nhưng chất lượng sản phẩm đến đâu lại là điều mà nhiều người rất mơ hồ.

Mùa đông năm nay, sản phẩm thu hút sự chú ý của chị em hơn cả là dòng sản phẩm ngăn chặn tia tử ngoại, đặc biệt là có thêm tác dụng mặc trong phòng điều hòa chống được tia tử ngoại do ánh đèn phát ra. Những mẫu áo khoác này có đủ chủng loại, màu sắc, mẫu mã rất bắt mắt. Không chỉ phái đẹp mới có những sản phẩm chống tia cực tím mà những mẫu hàng dành cho nam giới cũng được bán.

Chị Nguyễn Mai Loan (khu Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết: "Cả mùa hè, tôi đã sử dụng áo chống nắng và các phụ kiện chống nắng có tác dụng chống tia tử ngoại của một hãng quần áo Đài Loan. Giá chiếc áo màu xanh lơ chống tia tử ngoại cũng đã 900 nghìn đồng". Chị Loan khoe rằng: "Tôi mới đặt hàng mua áo khoác, cuối tuần mới có hàng nhập về. Nghe họ quảng cáo là có tác dụng chống tia tử ngoại xâm nhập gây tác hại cho da, đặc biệt là chống được cả tia tử ngoại phát ra từ ánh đèn".

Xã hội - Thực hư áo khoác chống tia tử ngoại từ ánh đèn
Người tiêu dùng không nên tin vào những lời quảng cáo cao siêu nhưng thiếu cơ sở khoa học. Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Phương Thanh (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) vốn là người rất kỹ tính và luôn săn tìm những sản phẩm chống tia tử ngoại bảo vệ làn da của mình. Không chỉ mùa hè, mùa đông chị cũng lùng sục lên mạng đặt mua những sản phẩm nhập ngoại. Chị Thanh cười tươi: "Tôi mua quần áo, áo khoác chống tia tử ngoại cho cả gia đình. Chồng tôi làm việc tại văn phòng 10 tiếng/ngày, lại tiếp xúc với đủ loại ánh đèn độc hại (?). Khi nghe về áo khoác chống tia tử ngoại do ánh đèn phát ra tôi như bắt được vàng và tìm đặt mua cho kỳ được".

Nhưng khi được hỏi về tác dụng của áo khoác chống tia tử ngoại từ ánh đèn phát ra có tốt như quảng cáo, chị Thanh bảo rằng họ quảng cáo thế, chứ thực hư thế nào thì còn phải chờ... quá trình sử dụng(!?).

Đừng “mắc bẫy” chiêu tiếp thị

Ông Nguyễn Văn Bằng (Đại học Sư phạm II) cho biết: "Tôi từng được tiếp cận với tài liệu về vải bamboo được làm từ chất liệu tre trúc thuần túy tự nhiên. Ưu điểm nổi bật của vải bamboo là có chức năng chống khuẩn, chống tia cực tím và thấm mồ hôi. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tài liệu của một công ty đưa ra còn tính năng, tác dụng của nó như thế nào thì tôi chưa thấy tài liệu khoa học nào khẳng định.

Phần lớn các công ty khi công bố chỉ có thông tin hướng dẫn về cách chống nắng an toàn, ví dụ như chọn trang phục che phủ kín cơ thể, đội mũ rộng vành, dùng kem chống nắng... chứ ít công bố đầy đủ các yếu tố thành phần liên quan đến sản phẩm. Đó là chiêu "lập lờ đánh lận con đen". Cũng theo ông Bằng, chất polyester có tính kháng khuẩn, chống mồ hôi nhưng lại bị giảm bền dưới tác dụng của ánh sáng và khi bị ướt.

Vì thế tính năng chống tia tử ngoại của áo khoác từ chất liệu này cũng sẽ bị giảm dần sau khi giặt. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc một vài ánh sáng nhân tạo khác, các bức xạ tia tử ngoại có thể phá vỡ những kết nối của những thành phần và làm giảm tính chất vật lý của chất liệu vải.

Một chuyên gia về công nghệ nano cho biết: "Vải nano đúng là có khả năng chống nắng, phân hủy hóa chất độc hại, diệt khuẩn. Vải nano bao gồm hai loại là tẩm chất nano và sợi nano. Vải tẩm nano sẽ có độ bền kém do sau một thời gian sử dụng cũng như giặt, chất bột nano sẽ bị thôi ra khỏi bề mặt vải từ đó mất tác dụng chống tia tử ngoại".

Khi được hỏi về những chất liệu được làm áo khoác có tác dụng chống tia ngoại từ ánh đèn phát ra, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải bức xúc nói: "Chất lừa đảo"! TS. Khải cho biết: "Sách Vật lý lớp 12 có ghi rõ 5 tính chất của tia tử ngoại. Tính chất cuối cùng có tác dụng sinh lý nếu không có tia tử ngoại con người, động vật sẽ bị còi xương, cây cối không phát triển được. Nếu tia tử ngoại nhiều quá hỏng da, thậm chí phát triển tế bào gây ung thư. Cho nên chống tia tử ngoại hoặc làm giảm tia tử ngoại thì phải có những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ da. Tuy nhiên, chống tia tử ngoại là vỏ bóng đèn chứ không phải là ở cái áo khoác. Vỏ bóng đèn được thiết kế có tác dụng chống tia tử ngoại tối đa. Vì thế, mặc áo thường trong phòng làm việc vẫn chống được tia tử ngoại".

Ngân Giang