Thực hư “thần y” chữa bệnh bằng thổi ống nứa ở xứ Mường

Thực hư “thần y” chữa bệnh bằng thổi ống nứa ở xứ Mường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Dù ở xa bao nhiêu nhưng nếu thầy lang dùng ống thổi về phương đó thì bệnh tình sẽ tiêu tan. Đây chỉ là lời đồn đoán hoang đường hay là chuyện kể... cho vui?

Không cần khám, không cần uống thuốc, chỉ cần người nhà đến thông báo tên tuổi, địa chỉ, quê quán thì thầy lang sẽ dùng một ống nứa thổi về phương đó, bệnh sẽ tan biến. Thậm chí, chỉ cần gọi điện đến, thầy lang cũng có thể chữa khỏi bệnh. Đó là câu chuyện ở xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy, Hòa Bình). PV báo Người đưa tin đã về vùng đất này để tìm hiểu, xác minh thực hư câu chuyện.

Xã hội - Thực hư “thần y” chữa bệnh bằng thổi ống nứa ở xứ Mường

Thánh địa của các thần y chữa bệnh bằng phương pháp ''thổi''

Giáp mặt "thần y xứ Mường"

Xã Bảo Hiệu được coi là thánh địa của các thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp thổi. Người dân ở đây cho biết, có nhiều người biết chữa bệnh bằng phương pháp này nhưng nức tiếng nhất là ông Bùi Văn Tành (SN 1965, trú tại xóm Hồng). Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gặp "thần y" Tành. Đập vào mắt chúng tôi là ông lão nhỏ bé, nước da ngăm đen, bí hiểm. Ông Tành cho biết, phương pháp này không được truyền lại một cách trực tiếp thông qua lời nói hay sổ sách ghi chép một cách thông thường, mà nó được truyền lại từ đời này qua đời khác thông qua các giấc mơ kỳ lạ.

Ông Tành cho hay, ông học phương pháp thổi thông qua một giấc mơ do bố truyền lại. Khi người bố còn sống, ông Tành cũng đã từng xin bố mình truyền dạy lại phương pháp chữa rắn cắn để cứu người. Bố ông chỉ im lặng. Sau khi bố mất được hai năm, một đêm cuối tháng 10 năm 1989, ông Tành nằm mơ thấy bố mình hiện về báo mộng. Trong giấc mộng, ông cụ hướng dẫn từng chi tiết, cách dùng phương pháp thổi để có thể cứu người, động vật bị rắn độc cắn.

Tỉnh dậy, ông Tành cảm thấy như trong người có một nguồn sinh lực kỳ lạ, người khỏe hơn bình thường rất nhiều. Sau đó, ông liền mang giấc mơ kỳ lạ kể lại với vợ con nhưng mọi người đều không tin. Sau đó, trong xóm có một người đi chăn trâu bị rắn độc cắn, cánh tay sưng vù, tím tái. Mọi người, mới dùng lá thuốc hái trong rừng giã ra để đắp nhưng càng đắp vết thương càng nặng thêm. Ông Tành xin chữa thử. Kỳ lạ thay, sau khi ông dùng chính hơi thở của mình thổi và hà hơi vào chỗ vết rắn cắn thì những vết tím tái đã dần biến mất, bệnh nhân cảm thấy bớt đau dần. Ba ngày sau, vết thương hoàn toàn bình phục.

Người dân còn đồn rằng, phương pháp thổi này còn được ứng dụng vào cách chữa ung thư gan. Thầy lang Bùi Thị Di, cũng là một thầy lang biết chữa bệnh bằng phương pháp thổi ở xã Bảo Hiệu, cho biết: Để chữa khỏi bệnh ung thư, lang Mường phải trải qua nhiều giai đoạn trong đó phải dùng miệng để ngậm lá trầu. Sau đó, hà hơi, phun nước lã vào vùng u rồi dùng bài thuốc nam để chữa. Giai đoạn cuối là khử u bằng những cây xạ đen, xạ vàng, xạ đơn…

Không chỉ riêng xã Bảo Hiệu mà các vùng có người mường sinh sống cũng biết đến phương pháp thổi này. Bà Bùi Thị Len ở Lương Tiến, xã Lạc Lương (huyện Yên Thủy) cũng nức tiếng về phương pháp thổi. Đặc biệt, bà Hà Thị Thường, trú ởå xóm Mỏ (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình) sở hữu bài thuốc chữa bệnh đau mắt hột bằng phương pháp thổi nước gừng cộng với lá mơ rất hiệu nghiệm. Bà Thường dùng một nhánh gừng to bằng đốt ngón tay và 4 lá mơ để cho vào bát giã nát rồi ngậm nước thuốc phun vào vùng đau mắt hột, phần nước thuốc thì để đắp vào vết thương.

Xã hội - Thực hư “thần y” chữa bệnh bằng thổi ống nứa ở xứ Mường (Hình 2).

Ông Bùi Văn Tành, thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp “thổi”

Cách chữa bệnh “kỳ lạ” cần kiểm chứng

Được biết, ở xứ Mường Rụng này, hễ có ai, hay con trâu bò nào bị rắn độc cắn cũng thường tìm đến các thầy lang này và đã có nhiều trường hợp được chữa khỏi. Hỏi người dân nơi đây, ai cũng công nhận như vậy.

Điều đặc biệt nhất trong phương pháp thổi là nạn nhân (người lẫn trâu bò) đều không cần trực tiếp đến nhà thầy lang, chỉ cần gọi điện thoại hoặc bảo người thân đến nhà thầy báo tên tuổi, quê quán, thầy sẽ nhìn theo hướng nơi nạn nhân đang sinh sống khấn và thổi thì sẽ linh ứng. Riêng trường hợp nạn nhân bị rắn độc cắn mà không thể tới được nhà thầy, thầy chỉ thổi khỏi trường hợp trong vòng bán kính 10km.

Được biết, các thầy lang ở khu vực này còn dùng phương pháp thổi để thổi bay giòi ở gia súc. Đối với những con gia súc bị giòi làm tổ, bâu lúc nhúc ở những vết thương. Cũng giống như chữa rắn cắn, chỉ cần biết tên tuổi, địa chỉ của chủ nhà gia súc, thầy lang sẽ dùng ống để thổi về phương đó sẽ khỏi(?).

Để xác minh về cách chữa bệnh bằng phương pháp thổi, chúng tôi đã tìm đến gặp các nhân chứng và chính quyền sở tại. Anh Bùi Đức Năng (SN 1975, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) bị rắn Lục (một loài rắn cực độc) cắn khi vào rừng đào củ giềng. Sau khi bị rắn cắn, anh được người bạn đi cùng đưa về nhà và nhờ một thầy lang chữa nhưng bệnh tình không đỡ mà có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Khi đó, gia đình mới nghĩ tới ông Tành cũng từng chữa khỏi cho rất nhiều trường hợp tương tự, bèn mang anh Năng tới nhờ thầy giúp đỡ. Như bao trường hợp khác, ông Tành cũng thổi vào vết thương, thì vết thương có dấu hiệu đỡ. Sau ba ngày, người anh Năng đã hoàn toàn hồi phục.

Xã hội - Thực hư “thần y” chữa bệnh bằng thổi ống nứa ở xứ Mường (Hình 3).

Chị Miên khẳng định mình đã từng được chữa khỏi rắn độc cắn bằng phương pháp “thổi”

Không chỉ chữa khỏi cho con người mà ngay cả động vật như trâu bò, lợn, dê đều có thể được thổi khỏi một số bệnh như rắn cắn hay bị giòi bâu ở vết thương bị nhiễm trùng. Có rất nhiều người từng được chữa khỏi bằng phương pháp thổi như: Chị Bùi Thị Thơm (xóm Hồng, xã Bảo Hiệu), anh Bùi Văn Cầu (xóm Ang, xã Lạc Hưng, Yên Thủy), anh Bùi Văn Chất (Lạc Thủy, Hòa Bình)…

Chỉ chữa được những bệnh đơn giản

Ông Phạm Ngọc Tươm, trưởng Trạm y tế xã Bảo Hiệu cho biết: "Tôi là người địa phương này, từ nhỏ cũng được nghe đến cách chữa bệnh bằng phương pháp thổi. Tôi cũng nghe dân làng nói đến các ông lang chữa bệnh bằng cách này như ông Tành. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe đến cách thổi chữa rắn, thổi bay giòi, chứ không thể chữa được các bệnh nan y. Vì các ông bà lang này chỉ chữa bệnh tự do, không có giấy phép hành nghề, cũng chẳng có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền nên chúng tôi chưa kiểm nghiệm trực tiếp cách chữa bệnh này". Tuy nhiên, ông Tươm cũng khuyên người dân khi mắc bệnh cần đến bệnh viện để chữa trị thì tốt hơn. Bà Hà Thị Chiên, trưởng Trạm y tế xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) cho biết, ở địa phương bà cũng có những thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp thổi. Ví dụ như cụ Hà Thị Thường (xóm Mỏ) chữa bệnh đau mắt hột rất giỏi. Tuy nhiên, cụ Thường cũng phải dùng đến thuốc như củ gừng và lá mơ chứ không thể thổi bằng ống tre như một số cách chữa bệnh ở vùng khác. Trường hợp cụ Thường còn được Hội đông y xã công nhận là bài thuốc gia truyền.

Hoàng Thế Tào