'Ca phẫu thuật' độc nhất mà 'bác sỹ' chính là bệnh nhân

'Ca phẫu thuật' độc nhất mà 'bác sỹ' chính là bệnh nhân

Thứ 4, 13/02/2013 | 08:26
0
Trong cơn đau đớn tột độ do căn bệnh sỏi thận hành hạ, cụ Hai vơ lấy chiếc dao inox tự chế, nghiến răng rạch mạnh một đường sâu vào phía thận. Sau hồi vật lộn trong đau đớn, cuối cùng cụ cũng gắp được viên sỏi ra.

Cầm trên tay "kẻ thù không đội trời chung" ngắm nghía, cụ thở phào nhẹ nhõm: "Vậy là từ nay đoạn tuyệt với kiếp khổ sở sống chung với bệnh tật". Nhiều người biết tin cụ tự "phẫu thuật" cho mình thành công đã đến chúc mừng, những vị bác sỹ nghe tin phải tấm tắc khâm phục với kiểu làm “bác sỹ” có một không hai như cụ.

Khổ sở sống chung cùng bệnh tật

Vị "bác sỹ" đặc biệt này chính là cụ Nguyễn Hai (sinh năm 1943, quê ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cụ chính là tác giả của ca tự phẫu thuật hi hữu rúng động dư luận thời gian qua khi tự tay rạch bụng lấy ra viên sỏi trong người. Để chắc chắn thông tin, chúng tôi đã xác tín thông tin qua chính quyền địa phương và nhận được câu trả lời: "Đó là sự thật".

Chúng tôi đã lặn lội tìm đến nhà cụ để được nghe cụ kể quá trình tự "rạch bụng" của mình. Tại căn nhà nhỏ ở đội 6, cụ Hai sống cùng cụ bà Trần Thị Khướu (sinh năm 1945), cuộc sống khá yên bình, nhất là thần thái cụ tươi tỉnh hẳn sau ca phẫu thuật. "Quả thật lấy được viên sỏi ra như trút được gánh nặng chú ạ, tôi thấy người khỏe hẳn, không còn những cơn đau rấm rức hành hạ nữa", cụ Hai vui mừng tâm sự. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lớn lên trong cảnh nghèo khó.

Xã hội - 'Ca phẫu thuật' độc nhất mà 'bác sỹ' chính là bệnh nhân

Cụ Hai.

Ở vùng quê nghèo, cháo trắng cũng trở nên thứ xa xỉ. Cụ Hai bắt đầu sinh bệnh gầy dần và đau ở vùng phía sâu xương chậu. Bản thân cụ cũng tưởng rằng vì thiếu ăn, nên không suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, những cơn đau thắt trong bụng ngày càng không thể chịu đựng được, rồi cụ vay tiền đi viện khám, kết quả là bệnh sỏi thận. "Không có tiền chữa, tôi phải cắn răng chịu đựng, nhưng năm đó có đợt sinh viên trường y về chữa miễn phí, tôi mừng khấp khởi liền đến đăng ký khám và được chấp nhận mổ sỏi miễn phí", cụ Hai nhớ lại.

Ngày đó, thuốc mê không có nên khi mổ cụ như cảm nhận được từng nhát dao, đường kim, mũi chỉ lướt trên từng thớ thịt, lớp da của mình. Nhưng cụ vẫn cắn răng chịu được, thế rồi sau đợt mổ không lâu, những cơn đau thắt lại xuất hiện. Trở lại bệnh viện khám thì bác sĩ thông báo, ca mổ vẫn chưa lấy hết sỏi thận trong người ra. Bác sỹ yêu cầu, khi về nhà phải tĩnh dưỡng, không được làm việc nặng mới hy vọng bệnh tình thuyên giảm. Nhưng nếu làm theo lời bác sỹ thì lấy đâu ra cái ăn cho gia đình, cụ Hai đành phải cắn răng chịu đựng nỗi đau, hàng ngày vẫn ra nương cuốc cày, làm những việc nặng.

Tự “phẫu thuật” cho mình

Năm 2003, người con gái đi lấy chồng, hoàn cảnh khốn khó nên hai cụ đành nương tựa nhau sống, vợ chồng cụ quyết định chuyển lên phía sau núi ở gần nghĩa trang xã cất một căn chòi nhỏ để ở, với suy nghĩ không làm phiền con cái, chết lúc nào thì chôn luôn cho đỡ tốn kém. Trong khoảng thời gian này, cơn đau của cụ Hai ngày một trầm trọng, cường độ nặng hơn, cụ bà chỉ biết bất lực nhìn chồng ngày ngày chịu đau đớn. Cuối cùng, cụ bà bàn với chồng mình sẽ đi làm thuê, tích cóp tiền để một ngày nào đó có thể đi viện mổ. Cụ Khứu đi xin vào làm việc nhà cho một gia đình ở đường Chi Lăng, TP. Huế.

Già cả, bệnh tật, ở nhà một mình, cụ Hai vẫn cố gắng nén nỗi đau, lay lắt sống qua ngày. Vào một ngày đông năm 2005, gió thổi lớn, căn lều tranh giật mạnh, cơn đau lại đến. Không như những lần trước, lần này cơn đau như muốn vỡ toang khoang bụng đến mức cụ phải lăn lóc la hét. Tiếng than của người mang trọng bệnh chìm nghỉm trong sườn đồi và khu nghĩa địa quạnh hiu.

Biết không có ai đến giúp, sức chịu đựng có hạn, cụ đã tính đến chuyện tự kết liễu đời mình để chấm dứt nỗi đau. Lết xuống căn nhà bếp, cụ lấy một con dao nhỏ bằng inox, định đâm vào người, không hiểu sao khát khao sống lại trỗi dậy, cụ lại ngẫm: "Hay mình tự rạch để lấy sỏi thận ra, đằng nào cũng chết, cứ thử xem sao". Nghĩ rồi cụ làm thật, cụ lấy một chiếc quần vải cắn vào trong miệng để khi quá đau không cắn phải lưỡi. Cụ dùng con dao thọc sâu vào phía sau lưng nhưng cụ lại nghĩ làm như vậy thì quá nguy hiểm, cụ lại lết đến bên chiếc giường, lấy một mảnh gương nhỏ để sau lưng. Một tay cầm dao, còn mắt liếc vào mảnh gương kia, hết sức bình sinh cụ chĩa mũi dao, khoét sâu vào da thịt.

Cụ rạch một đường sâu và rộng, cụ dùng tay mò mẫm vào bên trong. Cố móc mãi, nhưng vẫn không thấy gì. Máu và mủ chảy ra từ vết mổ lênh láng khắp mặt đất nơi cụ ngồi. Lúc này, không còn đường dừng lại, cụ nghĩ: "Nếu dừng lại thì chắc chắn đau và chết, còn nếu lấy được viên sỏi ra thì vẫn còn hy vọng sống". Và cùng lúc cụ đưa bàn tay của mình vào sâu hơn, khều nhẹ và cụ đã chạm được tất cả ba hòn sỏi. Không chần chừ, cụ dùng hai ngón tay kẹp nhẹ và lôi ra ngoài. Cơn đau đã quá sức giới hạn nên cụ không còn cảm giác đau nữa. Thấy máu chảy lênh láng khắp nơi, cụ dùng chiếc quần lúc nãy cắn vào miệng lau máu...

Chiếc quần đã ướt hết, máu và mủ ít chảy ra hơn. Cụ lết ra thành giếng, múc nước xỏa vào vết thương, khoảng chừng một tiếng sau máu không còn chảy nữa mà thay vào đó là chất màu vàng, biết máu được cầm thì cụ bất tỉnh không còn biết chuyện gì nữa. Đến chừng 3h sáng, cụ tỉnh lại, cơn đau vẫn hành hạ nhưng cái đói lại cồn cào. Cụ một tay ôm vết thương, một tay vớ chiếc nồi trườn đến hũ đong gạo nấu cháo ăn cho lại sức. Nhưng khi lửa bén nồi thì cụ lại lịm đi một lần nữa. Đến chập choạng sáng, cụ lại tỉnh thì nồi cháo cũng đã chín, cụ vơ vội chiếc muôi múc ăn lấy ăn để, ăn luôn phần cháy sém, một lúc sau thì cơn đau sỏi mất, cơn đau vết thương nhẹ dần, người cảm thấy khỏe lại. "Không hiểu sao lúc nớ tui thấy mình gan quá", cụ Hai cười tươi kể.

Xã hội - 'Ca phẫu thuật' độc nhất mà 'bác sỹ' chính là bệnh nhân (Hình 2).

Vết mổ phía sau lưng của cụ Hai.

Hạnh phúc về từ cõi chết

Sau khi biết tin, hàng xóm được một phen kinh hoàng vì độ gan dạ hiếm có của cụ, đặc biệt là ca tự phẫu thuật thành công một cách hoàn hảo, khiến những bác sỹ cao tay cũng phải nể phục. "Lúc đó tui chỉ nghĩ là lấy được viên sỏi ra thì tốt, mà ngược lại có chết cũng chẳng sao, đó là động lực giúp tôi "xuống tay" một cách quyết liệt như thế", cụ Hai thẳng thắn tâm sự. Ngồi bên, bà Khướu tiếp lời chồng: "Hôm biết ông ấy tự mổ bụng mà tôi như hồn bay phách lạc, không thể tin vào mắt mình, còn dân làng kéo đến coi đông nghịt".

Nghe tin cụ ông thiếu tiền đi viện phải  tự mổ bụng lấy sỏi, nhiều người cảm kích tìm đến quyên góp giúp gia đình cụ. Cụ Hai trải lòng: "Từ lúc tôi bị bệnh, hai vợ chồng kéo nhau lên trên núi ở, chỉ có một căn chòi lá. Ao ước lắm có căn nhà được xây bằng xi măng, nhưng luôn nằm ngoài tầm với. Đến khi có người giúp đỡ, tui tự nguyện với lòng sẽ cố gắng tích cóp để xây được một căn nhà bằng bê tông trước khi qua đời". Ban đầu, cụ xây được nửa cái móng, khi người ta giúp tiền cụ lại xây tiếp. Cứ thế, căn nhà không biết phải trải qua bao nhiêu lần dừng rồi lại tiếp tục được xây, cho đến khi hoàn thành, bây giờ giấc mơ mái nhà không dột đã trở thành hiện thực.

Sau lần phẫu thuật "ăn gan trời" đó, sức khỏe cụ được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên cơn đau thì thi thoảng vẫn còn xuất hiện. Cụ đang lo viên sỏi sẽ xuất hiện trở lại, nhưng chừng ấy cũng không khiến cụ bận tâm nhiều, vì sống đến chừng này tuổi đã là mãn nguyện. Cụ Hai bày tỏ trăn trở rằng, 40 năm ròng chưa được gặp hai người con trai, chỉ có ngày đoàn tụ gia đình niềm vui mới được viên mãn.

"Đừng làm bác sỹ bất đắc dĩ như tôi"

Khi được hỏi nếu có tiền có đi kiểm tra và mổ một lần nữa không, thì cụ cười: "Quả thực giờ tui đã già, sức khỏe không còn nhiều nữa, người thì băm nát bởi dao kéo rồi. Nếu còn động lại lần nữa chắc tui không thể sống được. Thôi thì trời cho gắng đến chừng này tuổi là mừng rồi. Giờ có nhà cửa khang trang, có bà Khướu bên cạnh chăm nom cũng đỡ. Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng, nếu ai đó mắc bệnh như tôi thì nên đến bệnh viện điều trị sớm chứ đừng làm cái việc không giống ai, tự lấy dao rạch bụng lấy sỏi cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi".

Huy Linh

"Dị nhân” 30 năm bán “men say của trời” độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Mỗi ngày, ông trèo đèo lội suối vào rừng già lấy loại rượu độc đáo này rồi cuốc bộ hàng chục km xuống căn chòi lá bán cho người đi đường.

Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Đã bao đời nay, người dân coi cá ông là thần hộ mệnh cho người đi biển.

Những dịch vụ “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Thế giới mạng Việt cực kì rộng lớn và chứa đựng vô số những điều kì lạ. Một phần nhỏ trong số đó là dịch vụ nghe qua tưởng chừng rất bình thường nhưng khi được đem lên internet, nó cũng trở thành lĩnh vực độc đáo.

Thực hư chuyện xuất hiện cao thủ yểm "bùa yêu"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Gần đây, nhiều diễn đàn được dịp hâm nóng bởi thông tin về bùa yêu của một người đàn ông tên Sình A Phúc sống ở thôn Nà Nưa thuộc vùng núi cao huyện Bắc Mê, Hà Giang.