Thực hư vi cá mập trị được ung thư?

Thực hư vi cá mập trị được ung thư?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Lời đồn thổi vi cá mập điều trị được căn bệnh ung thư như một chất xúc tác thúc đẩy thị trường buôn bán cá mập vốn đã sôi động nay càng khốc liệt hơn. Chạy theo cơn sốt cá mập ở Quy Nhơn, PV đã vào cuộc nhằm làm rõ tác dụng của loại "thần dược" đang được tung hô này.

Chưa bao giờ được xem là một vị thuốc

Điều mà người dân địa phương đồn thổi nhiều nhất là việc vi cá mập có thể chữa được nhiều bệnh nan y, thậm chí cả căn bệnh ung thư quái ác. Chẳng thế mà, trong cuộc ngã giá với PV báo ĐS&PL, đầu nậu N.T.Ch đã khẳng khái tuyên bố "đã có nhà thuốc đông y trong TP.Hồ Chí Minh tìm đến đặt mua với số lượng lớn". Vậy thực sự công dụng của loại "thần dược" này đến đâu, phải chăng đó cũng là nguyên nhân khiến cơn sốt cá mập đang ngày gia tăng ở Quy Nhơn?

Vi cá mập chưa bao giờ được xem là một vị thuốc

Lý giải cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến Lương y Vũ Quốc Trung (thuộc Hội Đông y Việt Nam). ông Trung cho biết: "Hiện cả tân dược và đông y chưa có thuốc nào chữa được ung thư, mà chỉ hỗ trợ trong điều trị đông y mà thôi. Hiện nay phương pháp điều trị ung thư thường dùng phẫu trị, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên, xét cho cùng, thì các biện pháp trên chỉ kéo dài tuổi thọ chứ không trị triệt nguồn bệnh.

Súp vi cá mập trước đây là món ăn xa xỉ của người dân Việt Nam, nhưng ngày nay người ta còn tìm thấy món ăn này trên máy bay, được đóng hộp và bán ngay cả tại các cửa hàng tạp hóa. Món đặc sản này bây giờ gần như có thể tìm thấy ở khắp nơi. Trung bình, mỗi bát súp vi cá mập tại nhà hàng có giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng, hiện nó đã thường xuyên xuất hiện tại các tiệc cưới, những bữa tiệc lớn của các công ty hay cả các buổi họp mặt gia đình. Hiện tại một số quốc gia trên thế giới đã ban hành đạo luật cấm bắt cá mập. Cuối tháng 6/2011, Hawaii vừa ra luật cấm các nhà hàng và chợ tạp hóa không được bán vi cá mập. Trước đó, tiểu bang Ontario (Canada) và Bang Sabah (Malaixia) cũng đã ban hành quy định về việc này. Đài Loan - một trong những trung tâm đánh bắt cá mập của thế giới, vừa công bố một kế hoạch sẽ siết chặt những quy định về săn bắt cá mập.

Theo tôi, vi cá mập cũng chỉ có chất hỗ trợ mà thôi, còn bảo chữa được thì không có cơ sở. Đơn thuần, vi cá mập được biết đến ở chức năng tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch. Trong đông y, vi cá mập chưa bao giờ được xem là một vị thuốc".

Thực tế, cá mập hiện nay giá trị nhất là bộ vi với công dụng khá đa dạng như: Chữa trị các bệnh về xương khớp có các chất cần thiết cho khớp hoạt động tốt, thuốc này dùng cho những trường hợp thấp khớp, đau nhức xương. Ngoài ra vi cá mập còn có công dụng chữa các bệnh về mắt, tạo độ ẩm thích hợp cho mắt, giúp mắt điều tiết tốt. Nó cũng nuôi dưỡng các tế bào giác mạc, tái tạo lớp phim nước mắt trước giác mạc, tăng cường tính đàn hồi của thấu kính thể mi. Đặc biệt nó còn mang cả chức năng bồi bổ cơ thể...

Cũng theo vị chuyên gia đông y này, trên thực tế, khi đánh bắt được cá mập, người ta cắt lấy vi cá, tạm phơi trong bóng mát và thoáng gió, tới lúc gần khô thì dùng gỗ ép chặt hai bên rồi phơi tiếp cho nó không bị cong. Vi cá mập hoàn toàn là chất sụn, 100g vi cá khô chứa 89% chất đạm (cao nhất trong thực phẩm giàu đạm), 0,1 % bột đường, 0,02 % chất béo, cung cấp 384 calo, một ít chất khoáng.

Vi cá mập được chế biến cầu kỳ thành những sợi cước cá sạch trắng. Nó thường dùng để nấu súp với các thực phẩm như: cua, thịt gà, hải sâm và các vị thuốc có tính chất bồi bổ khác. Có thông tin cho rằng, vi cá mập có thể trị bệnh ung thư, nhưng hiện nay chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh cho điều đó.

Đồng quan điểm, Bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định, trong Đông y từ xưa đến nay, vi cá mập chưa bao giờ được xem là một vị thuốc cả. Và đương nhiên, đã không là thuốc thì không thể chữa được ung thư. "Thực tế, ở nước ngoài người ta thường dùng cá mập làm thực phẩm chức năng. Vi cá mập có thể bồi bổ xương cốt cho người già, phụ nữ", ông Hướng cho biết.

Dùng nhiều có hại cho sức khỏe

Chúng tôi đã đem câu chuyện về vi cá mập đến hỏi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiển, Chủ tịch Hội đồng Khoa học bệnh viện K - nơi chuyên điều trị bệnh nhân ung thư. GS.TS Hiển khẳng định, vi cá mập không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, vi và mỡ của cá mập nói riêng, cá biển ở vùng nước sâu nói chung đều có khả năng chống viêm tốt, điều hòa miễn dịch cơ thể. "Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có tài liệu nào công bố vai trò của vây cá mập trong việc điều trị ung thư. Thuốc điều trị căn bệnh này hiện có đều không chiết xuất từ vây cá mập", ông Hiển nói.

Với quan niệm vây cá mập có thể "cọ quậy" suốt ngày mà không mỏi mệt nên nghĩ rằng "ăn gì bổ nấy" và vi cá có thể giúp cơ thể dẻo dai, bền sức hơn, đặc biệt có tác dụng trong điều trị xương khớp và các bệnh về mắt. Trước đây, một số nghiên cứu của các nhà khoa học xác minh rằng, không thấy các loài cá mập bị ung thư nên sau đó người ta đã nghiên cứu và dùng sụn cá để chế ra các loại viên thuốc "ngừa ung thư" và nhiều bệnh tự miễn: vẩy nến, chàm, lupus ban đỏ...

Tuy nhiên, theo Lương y Vũ Quốc Trung, mới đây các nhà khoa học lại vừa chứng minh cá mập cũng bị ung thư tới 40 loại, thậm chí nhiều khối ung thư xuất hiện ngay trong mô sụn. Điều này đã làm cho người ta bớt sùng bái sụn cá mập và dĩ nhiên, các sản phẩm chứa sụn cá mập vốn đắt tiền tại các nước phát triển bỗng hạ giá và xuất sang các nước nghèo. Đáng nói nhất là khi sử dụng nó phải cẩn trọng vì nó có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, làm mất sức đề kháng cơ thể (chỉ dùng được cho các bệnh tự miễn dịch). Gần đây có thông tin cho biết nếu dùng vây cá mập kéo dài sẽ có hại cho sức khỏe vì nó chứa thủy ngân với hàm lượng lớn.

Trần Quyết