Thực hư việc dùng thịt hài nhi chế tạo thuốc

Thực hư việc dùng thịt hài nhi chế tạo thuốc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Những ngày đầu tháng 8, kênh truyền hình SBS một trong 3 đài truyền hình quốc gia lớn nhất Hàn Quốc đã phát một phóng sự về sự xuất hiện những viên thuốc nhộng từ Trung Quốc có chứa chất từ hài nhi. Sau khi thông tin này được đưa ra, lập tức nó đã trở thành đề tài nóng hổi tại Trung Quốc, thậm chí ngay hôm sau Bộ Y tế nước này đã thành lập một nhóm để tiến hành điều tra xác minh.

Mặc dù chưa có một kết luận chính thức nào nhưng từ đây nhiều cuộc tranh cãi về tính xác thực của thông tin trên đã diễn ra một cách gay gắt.

Thông tin gây sốc

Ngày 8/8, Đài SBS của Hàn Quốc đưa tin, một nhóm phóng viên truyền hình Hàn Quốc đã tới Trung Quốc và phát hiện ra bệnh viện bán những thứ hàng hóa “khó tin” nói trên và ghi hình được quá trình sản xuất. Phóng sự trích lời của những người trong cuộc nói rằng “bổ dược” này chủ yếu được tuồn sang Hàn Quốc qua những Hàn kiều sống ở Trung Quốc. Nhóm người này chủ yếu sống ở các tỉnh Tế Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang.

Bản tin về thuốc được chế biến từ thịt trẻ em của đài SBS Hàn Quốc ngày 8/8

Chi tiết việc sản xuất thuốc con nhộng do nhóm phóng viên SBS thực hiện được đăng trên website tin tức công nghệ Gizmodo. Các phóng viên Hàn Quốc đã bí mật điều tra sau các tin đồn nói rằng có nhiều công ty Trung Quốc đang sản xuất thuốc làm từ thi thể những đứa trẻ bị chết. Theo kết quả kiểm tra của các nhà khoa học, có tới 99,7 % thành phần chứa trong thuốc phù hợp với ADN của con người.

Theo những gì mà đài SBS ghi nhận tại Trung Quốc thì đa phần nguyên liệu để sản xuất ra một số loại thuốc ấy từ những ca nạo phá thai hoặc đẻ non. Sau đó bệnh viện sẽ bán lại “thành phẩm” cho các công ty dược. Cũng theo thông tin mà đài SBS đưa tin thì nếu như có “thành phẩm”, bệnh viện sẽ bí mật thông báo cho một số công ty dược “đáng tin cậy” để họ có thể đến lấy về sản xuất thuốc. Nếu như khi đem thành phẩm về mà chưa cần sử dụng, nhằm tránh trường hợp bị phát hiện, các công ty dược thường để hài nhi vào trong những tủ lạnh thông dụng. Khi cần sử dụng, họ sẽ đưa các thi thể ấy vào lò vi sóng để sấy khô rồi nghiền thành thuốc. Sau khi sấy khô, xác được nghiền ra và trộn với thuốc bột trước khi đóng vào con nhộng. Theo đài SBS thông tin thì tất cả những hoạt động này đều được diễn ra dưới lòng đất.

Cũng trong một thông tin khác, ngành công nghiệp buôn bán thuốc tăng lực có chiết xuất từ xác hài nhi đem lại lợi nhuận khá cao. Theo thông tin từ đài SBS thì 100 viên con nhộng kiểu này có giá thành là 800.000 Won (tương đương với 789 USD). Sở dĩ những viên thuốc này có giá thành cao như vậy là vì theo các nhà “sản xuất”, chúng có tác dụng nâng cao khả năng tình dục cho đàn ông và chữa bệnh thiếu máu(?)

Phản ứng của Trung Quốc

Sau khi thông tin này lan truyền rộng rãi trong dư luận, Bộ y tế Trung Quốc ngay lập tức đã mở cuộc điều tra xác minh tính chân thực của thông tin. Phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc Đặng Hải Hoa cho biết rằng: “Trung Quốc quản lý rất nghiêm ngặt việc xử lý xác trẻ em và bào thai, cũng như nhau thai. Vì thế ‘Bất kỳ hành động kinh doanh xác chết hay các chất thải y tế nào đều bị nghiêm cấm”.

Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, một giáo sư tại bệnh viện số 3 trường đại học Cát Lâm nói, ông chưa từng nghe thấy trường hợp nào như trên trong suốt 20 năm làm nghề. "Khó mà bình luận được vì nó giống như những lời đồn đại. Dựa trên kinh nghiệm của tôi, điều đó là không thể có được", vị giáo sư họ là Trương cho hay. Ba chuyên gia y học cổ truyền của Trung Quốc và các bác sĩ sản khoa ở Bắc Kinh và Thượng Hải nói, họ chưa từng nghe thấy việc làm thuốc từ thịt trẻ em và thông tin trên có vẻ rất rồ dại.

Trên một số tờ báo lớn của Trung Quốc đã rất nhanh chóng phân tích con số: “Có tới 99,7 % thành phần chứa trong thuốc phù hợp với ADN của con người”. Nhiều tờ báo cho rằng, con số đó không nói lên được loại thuốc này được sản xuất từ thịt người. Trên tờ “Sức khỏe” của Trung Quốc có phân tích, sở dĩ có con số 99,7 % là do thuốc này được sản xuất từ nhau thai. “Vì nhau thai liên kết với bào thai thông qua dây rốn nên đó cũng là một phần thân thể của con người. Như vậy, thuốc chế tạo từ nhau thai có tới 99,7% AND của người cũng là điều dễ hiểu”. Tờ này cũng cho rằng, việc chế tạo thuốc từ nhau thai cũng là hành động phi pháp, vì ở đất nước này hành vi buôn bán nhau thai đã bị cấm từ lâu.

Hơn nữa, để giải thích cho việc phóng viên của đài SBS nhìn thấy móng tay và móng chân của “người” có nằm lẫn trong những túi mà họ gọi là “bào thai” trẻ em được lấy ra từ tủ lạnh tại công ty dược phẩm, tờ này cũng giải thích: “Những người sản xuất loại thuốc trên có thể lấy nhau thai của người hoặc bào thai của dê và bỏ thêm móng tay người vào đó để chứng minh loại thuốc này được chế biến từ thịt người. Mục đích của hành động này là đánh lừa khách hàng nhằm thu lại lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thuốc”(?)

Cũng sau khi nhận được thông tin gây choáng váng trên, một số nhà xã hội học của Trung Quốc đã vào cuộc để “minh oan” cho người dân nước này. Đa phần những bài báo của các nhà xã hội học này đều có chung một nội dung, họ nói rằng với một đất nước có truyền thống gia đình gắn kết như tại Trung Quốc thì bậc làm cha mẹ sẽ không để người lạ đối xử với “khúc ruột” của mình tàn bạo đến như vậy.

“Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, các xác chết dù cho là trẻ em cũng luôn được tôn trọng và bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Những hành vi như xúc phạm hay gây thương tích cho xác chết ở một mức độ nào đó cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vì thế không có bậc cha mẹ nào lại để con cái của họ, dù chưa thành hình hài bị sấy khô rồi nghiền nát thành bột để làm thuốc. Điều này là vô nhân đạo và không thể tồn tại. Vì vậy đây chỉ là những lời đồn đoán vô căn cứ” - Tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc viết.

Dùng nhau thai để gói bánh bao

Mặc dù chưa có một kết luận chính thức nào về thông tin nghe có vẻ “điên rồ” trên nhưng nó cũng đã đánh một đòn chí tử vào công tác quản lý xác chết hài nhi cũng như nhau thai trong các bệnh viện tại Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc đã đặt câu hỏi: Nhau thai hay thịt trẻ em có tác dụng gì và các bệnh viện đã xử lý xác những “phế phẩm” này như thế nào?

Trong y học cổ đại của Trung Quốc, chưa thấy một bài thuốc nào nói về tác dụng của thịt trẻ em mà chỉ có lấy nhau thai bà đẻ để làm thuốc. Hiện nay, tại một số vùng của đất nước này nhiều phụ nữ sau khi sinh xong vẫn còn giữ thói quen ăn nhau thai vì họ coi đó như một loại thuốc… đại bổ.

Tuy nhiên, gần đây, các bác sỹ tại Trung Quốc đã khuyến cáo về tác dụng thực sự của nhau thai. Nhiều người cho rằng, chưa ai kiểm chứng được độ dinh dưỡng cũng như công dụng của sản phẩm đặc biệt này. “Dù sao nhau thai cũng là một phần thân thể của con người. Ăn chúng không khác gì chúng ta ăn chính cơ thể của mình”- một bác sỹ cho biết.

Ở thời điểm hiện tại, những phụ nữ chuẩn bị sinh tại một số thành phố lớn của Trung Quốc cũng được các bác sỹ khuyên rằng không nên ăn nhau thai thì nó có thể gây lây nhiễm các bệnh về máu. “Nhau thai là một phần được tách ra từ cơ thể con người nên cấu tạo của nó cũng có những mạch máu. Nếu không cẩn thận thì việc lây nhiễm các bệnh về máu khi ăn cũng sẽ xảy ra”- một bác sỹ dinh dưỡng tại bệnh viện Bắc Kinh đã nói như vậy trong một chương trình dinh dưỡng được phát trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc khoảng 1 năm về trước.

Mặc dù khuyến cáo là vậy, nhưng tại một số tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông hay Liêu Ninh, nhiều gia đình vẫn còn giữ thói quen dùng nhau thai để gói bánh bao hoặc nấu canh và cho phụ nữ sau khi sinh. Nếu người này ăn không hết thì người nhà có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như nấu cháo hoặc chế biến thành một món ăn nào đó mà không được vứt đi. Theo quan điểm của nhiều người Trung Quốc thì nhau thai là một thứ thuốc quý, không được bỏ phí.

Còn như gia đình nào không muốn sử dụng nhau thai thì nó sẽ được đưa vào danh mục rác thải y tế cần được xử lý. Theo Bộ y tế Trung Quốc quy định: Nhau thai bà đẻ và xác hài nhi do đẻ non hoặc phá thai sẽ được để vào những túi ny lông màu vàng. Còn rác thải sinh hoạt và y tế khác sẽ được để vào những túi ni lông màu đen. Khi tiến hành thu gom thì chỉ cần dựa vào màu sắc của các túi này mà các công ty môi trường sẽ phân loạt và xử lý theo quy trình đã được quy định sẵn.

Theo quy định của Trung Quốc, các tổ chức y tế và nhân viên bị cấm buôn bán xác chết. "Bất cứ hành động nào nhằm giữ lại những thứ trên như rác thải y tế đều bị nghiêm cấm".- người phát ngôn Bộ Y tế nước này đã khẳng định như vậy trong một cuộc họp báo sau thông tin gây sốc trên.

Hải Hiền (Theo Huanqiu)