Kinh tởm chó dính bả, khò khí độc thành đặc sản thú rừng

Kinh tởm chó dính bả, khò khí độc thành đặc sản thú rừng

Thứ 3, 05/03/2013 | 16:54
0
Theo tiết lộ của một cán bộ thú y thì việc kéo dài con vật ra và làm thịt săn chắc, ít mỡ, có màu sắc bắt mắt không quá khó. Đơn cử như thỏ và mèo, trước khi làm thịt sẽ bị bỏ đói cho teo tóp, bớt mỡ, sau đó cắt tiết, mổ bụng moi hết bộ lòng và quết phoóc-môn cho thịt săn cứng lại.

Sau tết, thực phẩm bẩn bày bán tràn lan, ngay cả thịt cũng được tái chế giả gây hại đến người tiêu dùng. Sau khi vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò bị phát hiện tại châu Âu, ảnh hưởng của nó đã lan rộng tới gần 20 quốc gia trong khu vực. Thậm chí, tại Nam Phi - một quốc gia "xa lắc" với châu Âu về mặt địa lý cũng đang cảnh tỉnh cơ quan chức năng vào cuộc, cẩn trọng với vấn đề thịt bò và thịt ngựa của châu Âu để bảo vệ người tiêu dùng (NTD). Nhìn lại những vụ thực phẩm bẩn ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, chính tâm lý ngại va chạm của NTD đã khiến hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan trong cả nước.

Công khai bán thịt "rởm"

Khoảng cuối năm 2012, hạt Kiểm lâm TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện và  tịch thu 30kg thịt thối không rõ nguồn gốc của tiểu thương bày bán công khai ven đường Phan Đình Phùng cách chợ Bến Ngự khoảng chừng 300m, thuộc phường Vĩnh Ninh, TP.Huế.

Khi lực lượng Kiểm lâm TP.Huế có mặt tại chợ bán thịt rừng ven đường này thì phát hiện còn nhiều người bày bán thịt thú rừng không rõ nguồn gốc với giá "mềm". Ngay lập tức, lực lượng Kiểm lâm đã bủa vây và đưa những người kinh doanh mặt hàng này về trụ sở để điều tra làm rõ.

Xã hội - Kinh tởm chó dính bả, khò khí độc thành đặc sản thú rừng

Nội tạng heo, bò nhập lậu bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện

Ông Trần Duy Hào - hạt phó hạt Kiểm lâm TP.Huế cho biết, khi thấy lực lượng kiểm lâm, những người đang bày bán thịt "nai" rừng tại đây đều bỏ chạy. Sau khi tịch thu số lượng thịt rừng nói trên, lực lượng đã chở về trụ sở cơ quan để điều tra làm rõ nguồn gốc và xác minh số thịt rừng này là loại thịt thú rừng gì. Tuy nhiên, khi lực lượng chở số thịt trên về đến trụ sở thì cùng lúc xuất hiện một phụ nữ (đeo khẩu trang kín mít) đến "xin tha" và xin lại số thịt để mang về. Người phụ  nữ này khai nhận số thịt này không phải là thịt nai rừng mà chỉ là thịt heo nái đực và siêu nạc... Khi cơ quan chức năng đề nghị lập biên bản xử lý hành chính thì người phụ nữ này… bỏ chạy.

Một bác sĩ cho biết, số thịt trên không phải là thịt nai, cũng không phải thịt heo nái đực và thịt heo siêu nạc vì ở Thừa Thiên- Huế không nuôi được chủng loại này mà chỉ có ở các tỉnh miền Nam mới có. Đồng thời, kết luận của cơ quan thú ý là số thịt động vật này không có nguồn gốc rõ ràng đã đổi màu và bốc mùi hôi thối... phải xử lý tiêu huỷ ngay.

Hiện nay, rất nhiều các điểm bán thú rừng vẫn tồn tại ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những thành phố sầm uất. Bởi những món ăn chế biến từ thịt thú rừng luôn là tâm điểm chú ý của giới ham nhậu hàng "độc". Những người bán hàng thường tràn ra đường mời chào, níu kéo khách đi đường và công khai giới thiệu thịt nai, heo, chồn hương, cheo, nhím... 100% bắt tại các khu rừng có tiếng trên Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

Đặc biệt, tất cả các quán kinh doanh này chỉ quảng cáo bán thịt thú rừng bằng... miệng, hoàn toàn không có bất cứ biển hiệu, bảng quảng cáo nào phạm luật. Thậm chí đơn giản đến mức, các quán chỉ đặt tên Cô Sáu, Dì Năm, Chị Ba, Bích Ngọc... để không bị đội cơ động kiểm lâm "hỏi thăm". Qua tìm hiểu được biết, những món thịt "độc" như chồn, cheo có giá 400.000 - 500.000 đồng/kg hầu hết được làm từ thịt thỏ hoặc mèo. Bằng cách nào đó, họ đã khò gas và kéo dài con thỏ ra để cho giống cheo, chồn và bán với giá rất cao.

Theo tiết lộ của một cán bộ thú y thì việc kéo dài con vật ra và làm thịt săn chắc, ít mỡ, có màu sắc bắt mắt không quá khó. Đơn cử như thỏ và mèo, trước khi làm thịt sẽ bị bỏ đói cho teo tóp, bớt mỡ, sau đó cắt tiết, mổ bụng moi hết bộ lòng và quết phoóc-môn cho thịt săn cứng lại (do thịt thỏ và mèo khá mềm). Công đoạn tiếp theo là chặt bỏ hai tai (có nơi cắt bỏ luôn đầu), sau đó dùng gas để khò da cho vàng ruộm. Dưới sức nóng, hai người sẽ kéo căng con vật ra (tạo hình dáng dài như cheo, cầy hương), sau đó dùng phẩm màu vàng quết lên toàn thân để "hô biến" thành đặc sản có giá trị cao gấp cả chục lần! Các con vật khác hầu hết cũng được làm theo công đoạn tương tự để đánh lừa người tiêu dùng ham món lạ như heo rừng làm từ heo nái, nai rừng làm từ thịt bò tơ; mang, mễnh (chó rừng) làm từ chó nhà bị đánh bả...

Tuy chúng ta đã có nhiều quy định xử phạt những hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi nhốt; giết động vật rừng trái pháp luật, song thịt thú rừng vẫn được bày bán công khai như thách thức dư luận. Điều này sự xem thường pháp luật của người dân cũng như việc kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo. Theo cơ quan kiểm lâm, cứ cách vài ngày lại phát hiện thêm vài trăm kg, thậm chí vài tấn thịt bẩn đang được lưu hành trên thị trường. Các đối tượng buôn lậu dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi để lưu thông mặt hàng này, khiến cho lực lượng chức năng khó bề kiểm soát hết.

Xã hội - Kinh tởm chó dính bả, khò khí độc thành đặc sản thú rừng (Hình 2).

Thịt thú rừng bày bán tràn lan

Dễ dãi nên... bị lừa?

Không chỉ thịt giả được bày bán tràn lan mà ngay cả thực phẩm bẩn vẫn tồn tại khắp các khu chợ. Tại khu vực bán thực phẩm của chợ Vồ (đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) vào giờ tan tầm lúc nào cũng tấp nập kẻ mua, người bán. Chỉ bước đến đầu chợ, mùi hôi nồng từ các mẹt thịt đã xộc lên khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.

Vài năm trở lại đây, chợ Vồ được biết đến là chợ đầu mối thịt ôi thiu giá rẻ của Hà Nội, với các mặt hàng từ thịt lợn, thịt gà đến thịt bò, tôm, cá... Chợ chỉ họp từ 12h - 15h trong ngày, thời điểm mà các khu chợ khác đều đóng cửa nghỉ trưa. Chị Hoa - người bán thịt lợn cho hay, toàn bộ thịt ở đây đều là thịt ế được tập kết từ các chợ trong nội thành. Trước đây, thịt được bán ngay ở vỉa hè đường Nguyễn Trãi, bày la liệt trên những tấm xi măng hay bao tải dứa đen ngòm và cáu bẩn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi bị công an dẹp mạnh, người bán chuyển vào chợ Vồ. Người bán hàng chỉ bày trên bao tải dứa một con gà hay dăm ba miếng thịt lợn đã ôi...

Giá thực phẩm ở chợ Vồ rẻ bằng một nửa so với giá thông thường, hầu hết người đi chợ này đều mua với số lượng lớn. Thay vì xách túi nilon, nhiều người mang cả bao tải to hay làn mây cỡ lớn, chất tới cả chục cân thịt.

Hay như khu chợ ven đường ở thị trấn cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cũng khá nổi tiếng và chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng. Gọi là chợ nhưng người bán thực phẩm thường tràn ra lòng đường, thịt được bày la liệt trên bao tải dứa, kẻ đứng, người ngồi nhốn nháo.

Những miếng thịt lợn chảy nước, màu bạc phếch được bày bán ngay dưới mặt đất, ruồi, nhặng bâu kín, nhưng người bán hàng chẳng buồn đuổi đi. Trong khi đó, cả người mua và người bán vẫn thản nhiên ngã giá. Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, những người mua hàng chủ yếu là công nhân và sinh viên ở trọ quanh khu vực này.

Chị Lê Thị Liên, công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Thường thì chúng em vẫn mua thức ăn theo cảm tính, nghĩa là thấy ngon, rẻ là mua chứ mấy khi để ý đến đó có phải là thực phẩm đã để lâu hoặc kém chất lượng đâu. Nhiều khi tan ca, mua được vài lạng thịt lợn rẻ về nấu ăn là mừng lắm rồi...".                       

Mạnh tay trừng phạt

Những nhức nhối về vấn đề ATVSTP thịt "bẩn", thịt thối vẫn đang "nóng" lên từng ngày. Trước tình trạng này, lãnh đạo bộ NN&PTNT cho biết, các địa phương cần phải vào cuộc một cách kiên quyết hơn và các biện pháp răn đe, trừng phạt phải mạnh tay hơn thì mới có thể chặn được tận gốc các con đường buôn bán, vận chuyển thịt "bẩn", thịt lậu. Khi đó, người tiêu dùng mới có thể an tâm được phần nào về chất lượng VSANTP.       

Nhật Tân

Chặn thực phẩm bẩn từ trong trứng nước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Để tránh tình trạng thực phẩm bẩn có thể đi đường vòng, có ý kiến cho rằng, hình thức "thưởng nóng" nên được áp dụng rộng rãi hơn.

Những 'chiêu' phù phép thực phẩm bẩn

Chủ nhật, 27/01/2013 | 14:10
Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những chiêu thức làm ăn, kinh doanh gian dối, phù phép thực phẩm để mưu lợi mà không quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Đi chợ đầu mối “săn” thực phẩm bẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Trong vai người mua hàng, PV Người Đưa Tin đã thâm nhập các chợ đầu mối nông sản và lần theo con đường của thực phẩm chưa qua kiểm dịch đến với thực khách tại Hà Nội.

Cách 'phù phép' thực phẩm bẩn ở làng nghề

Thứ 4, 23/01/2013 | 08:09
Càng gần Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, đặc biệt là những thực phẩm như bánh kẹo, rượu, bia, mì, miến... Thế nhưng, có mặt tại một số làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội, chúng tôi phát hoảng về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)…