Thực phẩm chức năng “Làm mưa làm gió” do cấp phép tràn lan?

Thực phẩm chức năng “Làm mưa làm gió” do cấp phép tràn lan?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Người sử dụng có thể dễ dàng mua được bất kì loại Thực phẩm chức năng (TPCN) nào mà không có bác sĩ kê đơn hay tư vấn.

Dạo qua những hiệu thuốc trên thị trường, chúng ta không khỏi bất ngờ về việc bày bán công khai, tràn lan hàng ngàn loại TPCN. Không chỉ ở hiệu thuốc mà ở khắp các siêu thị, hộ gia đình, mạng internet, TPCN cũng được rao bán rầm rộ. Người dân có thể mua bất kì loại TPCN nào và không cần bác sĩ kê đơn hay tư vấn. Còn người tiêu dùng thì không thể phân biệt và lựa chọn nổi vì tính năng, thành phần, công dụng của các loại TPCN đều na ná như nhau.

Xã hội - Thực phẩm chức năng “Làm mưa làm gió” do cấp phép tràn lan?

Không phải loại TPCN nào cũng được xuất hiện công khai đàng hoàng. Ảnh minh họa

Dược sĩ Nguyễn Thị Khanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân là người trong nghề nhưng đến tôi cũng không thể phân biệt, nhớ nổi có bao nhiêu sản phẩm TPCN. Có nhiều người tìm đến hiệu thuốc của tôi, hỏi mua sản phẩm theo quảng cáo, theo tình trạng bệnh tật. Nhưng thực sự, những sản phẩm đó có tác dụng tích cực hay không thì tôi cũng không dám chắc. Tuy nhiên, tôi cũng chứng kiến một vài trường hợp dùng TPCN bị phản ứng phụ và ảnh hưởng xấu thêm so với tình trạng bệnh tật của mình. Đúng là lợi bất cập hại".

Sở dĩ có tình trạng này là do việc quản lý TPCN hiện nay khá "thoáng". Nhà sản xuất nộp hồ sơ lên Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của mình. Đối với những loại TPCN nhập khẩu thì lại càng bát nháo, không có sự thống nhất trong việc cấp phép lưu hành. Có trường hợp, sản phẩm không phân định rõ là thuốc hay TPCN. Nhiều sản phẩm có cùng hàm lượng như nhau, ở nước sản xuất thì được đăng ký là thuốc nhưng khi nhập về nước ta thì không được chấp nhận, và được xếp vào loại TPCN. Tại một số cửa hiệu thuốc tây, một số loại TPCN lại được bán như một loại thuốc.

Việc không rõ ràng trong quản lý khiến thị trường thực phẩm chức năng ngày càng tràn lan và kém chất lượng. Năm 2011, Công an Kinh tế kết hợp với cơ quan QLTT Hà Nội đã phát hiện tại một đơn vị xuất nhập khẩu có hơn 1.000 thùng thực phẩm chức năng với các nhãn hiệu như: Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E được ghi trên vỏ hộp là xuất xứ từ Mỹ, nhưng thực chất lại được sản xuất tại Hải Dương.

So với nhiều địa phương thì TP.HCM hiện được xem là "thiên đường" của các loại TPCN. Ghi nhận thực tế cho thấy, các quảng cáo về TPCN xuất hiện ở khắp nơi, từ nhà dân đến các các địa điểm công cộng. Bà Nguyễn Thị Cúc (43 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM), ngán ngẩm cho biết: "Gần 1 năm nay, tôi thấy TPCN xuất hiện ở khắp nơi. Tôi liên tục bị làm phiền bởi đội ngũ tiếp thị, cánh cửa thì lúc nào cũng bị giắt hàng chục tờ rơi quảng cáo."

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết: "Hiện nay, tình trạng TPCN làm mưa làm gió tại TP.HCM là do các cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh một cách tràn lan, cơ quan truyền thông không thẩm định nội dung quảng cáo và người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều kiến thức về công dụng của các loại TPCN. Nhìn vào ba nguyên nhân trên, có thể thấy rõ trách nhiệm lớn nhất là thuộc về cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp phép kinh doanh các sản phẩm TPCN. Để hạn chế tình trạng các sản phẩm kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, chính cơ quan này phải làm tốt công tác kiểm tra ban đầu và giai đoạn hậu kiểm".

Trao đổi với PV Người đưa tin, bác sĩ Lê Anh Tuấn, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: Hiện nay Sở Y tế TP.HCM có tất cả các quy định về việc lưu hành, quản lý, xử phạt các đơn vị kinh doanh TPCN. Các đơn vị kinh doanh mà vi phạm như quảng cáo quá mức, sản phẩm kém chất lượng sẽ bị xử phạt ngay.

Tốc độ tăng phi mã

Năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 40 đến 50 công ty sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chức năng với khoảng 350 sản phẩm; đến năm 2005 có 143 cơ sở với khoảng 1.100 sản phẩm thì đến thời điểm này, nước ta đã có đến hơn 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với gần 4.000 sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Trong hơn 1.600 cơ sở kinh doanh đó có bao nhiêu cơ sở đạt tiêu chuẩn về quy trình sản xuất hay nhập khẩu thực phẩm chức năng hiện vẫn là câu hỏi khó trả lời.

T.Hải - H.Nam