Thuở hàn vi khốn khó của dị nhân “đuổi mưa”

Thuở hàn vi khốn khó của dị nhân “đuổi mưa”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Gặp lại nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh một ngày đầu tháng 7, hỏi chuyện mới biết ông đã phải trải qua không ít cơ hàn, phiêu bạt từ Bắc vào Nam, trải qua nhiều nghề khác nhau, qua cả những lúc không có nổi một bát cơm ăn.

Đang nằm trong bụng mẹ đã bị đem cho

"Dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh kể: "Tôi là con trai của nữ sĩ Ngân Giang. Thế nhưng từ lúc sơ sinh tôi đã đi làm con nuôi một nhà giàu ở Hà Nội vì bố mẹ tôi ở chiến khu nên không thể nuôi nổi 6 đứa con nheo nhóc. Năm 1949, mẹ tôi mang bầu tôi. Khi tôi được 7 tháng trong bụng thì bà về Hà Nội và quyết định gửi tôi cho một gia đình giàu có. Mẹ sinh tôi được 4 ngày thì tôi được bố mẹ nuôi đón về. Để cho chính danh là con ruột nên cùng thời điểm đó mẹ nuôi tôi cũng giả vờ vào nhà hộ sinh để sinh con rồi ẵm tôi về.

Bố mẹ nuôi tôi không có con trai, ông bà sinh 6 lần thì 3 người con trai đều mất. Bố đẻ tôi họ Nguyễn, bố nuôi tôi họ Vũ ghép lại thành họ Nguyễn Vũ của tôi. Ngày đó, bố mẹ nuôi tôi có mấy cửa hàng tạp hóa lớn ở Hà Nội. Tri thức của tôi có được ngày hôm nay là do bố mẹ nuôi tôi đem lại, lúc nào tôi cũng biết ơn các cụ về điều này.

Lúc tôi còn nhỏ, tủ sách cá nhân của tôi dễ phải bằng cả thư viện thiếu nhi quận bấy giờ. Truyện thiếu nhi tôi nhét đầy gầm giường. Cũng vì thế mà lớn lên tôi rất ham đọc sách. Đến nhà bạn chơi mà thấy có quyển sách hay là tôi ôm lấy đọc quên cả bạn. Nếu bạn cho mượn về thì tôi chỉ ngồi nhanh nhanh chóng chóng vài phút rồi về ngay".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Những ngày gian khó

Những ai đã từng vào thăm blog cá nhân của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì có thể nhận thấy "dị nhân đuổi mưa" rất đam mê chụp ảnh. Đi đâu ông cũng chụp, gặp ai ông cũng xin kiểu ảnh kỷ niệm. Lúc nào bên người ông cũng kè kè chiếc máy ảnh du lịch dù đã cũ nhưng ông còn giữ gìn và quý trọng hơn nhiều đồ vật đắt tiền khác.

Ông chia sẻ: "Tôi rất đam mê chụp ảnh. Mặc dù tôi chưa học một khóa nào về nhiếp ảnh, nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có năng khiếu về hội họa. Khi tôi bé tí, còn mặc quần dải yếm thì các chị tôi đã phát hiện ra tôi có năng khiếu hội họa và cho tôi đi học thầy Mạnh Quỳnh. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, thầy Mạnh Quỳnh rất nổi tiếng ở Hà Nội và có mở lớp dạy hội họa ở phố Hàng Trống. Sau khi đi học thầy Quỳnh, tôi chép tranh rất đẹp.

Thời gian là công nhân cơ khí ở Nhà máy Trần Hưng Đạo thì tôi học tiếp hội họa của thầy Phạm Viết Song và thầy Quang Phòng để tính kế mưu sinh. Tôi là một học trò giỏi nên mặc dù về sau tôi không theo đuổi ngành hội họa nhưng tôi có một kiến thức nhất định về thẩm mỹ. Nhờ đó tôi có thể cân đối bố cục ảnh hay ánh sáng chứ tôi chưa từng học qua lớp nhiếp ảnh nào".

"Dị nhân" kể tiếp: "Trường đầu tiên tôi học là trường cơ khí chế tạo máy nhưng tôi bỏ dở. Về sau cuộc đời xô đẩy, tôi vào Nam và thi đỗ Đại học Văn khoa Sài Gòn khi đã hơn 40 tuổi. Tôi đọc nhiều sách nên kiến thức là tự học và thuộc nhiều lĩnh vực . Trong thời gian theo học tôi thường ít lên lớp học mà cứ ở lì tại Bến Tre, chỉ đến kỳ thi mới lên thi. Dẫu vậy nhưng lần nào tôi cũng đậu thứ nhất, tệ lắm cũng nhì. Bạn bè cứ thấy tôi vào thi là biết tôi sẽ được nhất, nhì rồi. Tôi thích khoe những thành tích này hơn là đuổi mưa. Một lần vào kỳ thi tôi không được cung cấp tiền dự thi đúng hạn, khi tôi lên đến nơi thì lớp tôi đã đang thi rồi. Tôi buồn quá bỏ về và đó cũng là lý do vì sao đến giờ tôi cũng không có tấm bằng đại học nào!”

Lận đận đường học hành, "dị nhân" lúc đó đành dựa vào nghề chế tạo phụ tùng máy may, máy vắt sổ kiếm sống. Thời điểm vào Bến Tre làm công nhân cơ khí bậc cao, ông đã quen với người vợ hiện nay mà ông cho rằng yêu thương ông nhất mực. Nhắc đến thời trai trẻ, người đàn ông tóc đã bạc trắng như trẻ lại mấy chục tuổi để hồ hởi khoe với tôi những chuyện yêu đương.

Ông bảo: "Ngày xưa tôi rất đẹp trai, nhưng phụ nữ ít người yêu tôi vì tôi nghèo quá. Lúc tôi lớn lên thì gia đình bố mẹ nuôi tôi đã sa sút về kinh tế rồi. Tôi không đủ tự tin để yêu và những người yêu tôi cũng tự rút lui. Là công nhân cơ khí, tôi hay ra uống cà phê ở một quán cóc gần xưởng. Vợ tôi lúc đó bán cà phê ở đấy. Tính tôi hay lãng mạn nên thấy cô nào xinh xắn thì tôi bắt chuyện. Chuyện qua chuyện lại thế là yêu. Khi tôi 34 tuổi thì chúng tôi quyết định kết hôn.

Ngày đó tôi nghèo lắm, vợ tôi cũng nghèo. Không biết lấy đâu tiền để tổ chức đám cưới, tôi liền tập hợp tất cả học trò học nghề cơ khí của tôi lại hỏi xem định mừng tôi bao nhiêu. Tôi lấy trước tiền mừng để làm một bữa tiệc ngọt mời những người không thân thiết lắm. Sau đó tôi lấy tiền mừng của những người đó để làm tiệc mặn ngày hôm sau. Thế là đám cưới vẫn hoàn chỉnh như thường, chỉ tội cưới xong trong túi vợ chồng tôi chẳng có xu nào".

Tận cùng thất bại

Ông Tuấn Anh kể tiếp: "Lấy vợ xong tôi về ở nhà vợ tại Bến Tre và không phải đi lang thang mướn nhà nữa. Ngày ở Bến Tre tôi đã bắt đầu viết văn chương và quen khá nhiều ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Mẹ tôi là nhà thơ Ngân Giang nổi tiếng, có lẽ vì vậy tôi thừa hưởng được ít nhiều năng khiếu của mẹ tôi, nên cũng có một tập truyện ngắn, mấy tập thơ và rất nhiều truyện cười. Ngày xưa khi tôi còn trẻ thì thanh niên chúng tôi không có nhiều trò giải trí như bây giờ. Mỗi khi chúng tôi tụ tập với nhau thì kể truyện cười là một hoạt động thú vị.

Song song với làm cơ khí, tôi mở một lò làm kẹo dừa Bến Tre. Không ngờ kinh doanh thua lỗ, tôi trắng tay và bỏ lên Sài Gòn. Thời gian này tôi làm cho một công ty quảng cáo. Sau khi công ty quảng cáo thất bại thì một thành viên trong công ty thấy tôi có một số khả năng nên hợp tác với tôi làm truyện tranh.

Tôi vừa vẽ vừa viết kịch bản. Truyện của tôi về mặt vẽ chưa đạt vì tôi bỏ hội họa lâu quá. Nhưng về kịch bản thì có NXB phải mời tôi cộng tác. Truyện tranh viết theo kiểu commic Nhật và tôi là người đầu tiên làm ở Việt Nam. Tôi đã sản xuất được mười mấy đầu sách thì không may thị trường bắt đầu xuất hiện Đô rê mon, Bảy viên ngọc rồng... Tôi lại không thông thạo trong vấn đề quan hệ với NXB nên tôi lại thất bại".

Liên tiếp thất bại trong công việc, "dị nhân" đành phải đi bán truyện tranh ế để sống và trả vốn cho bạn, rồi lại viết sách tiếp. Những ngày Nguyễn Vũ Tuấn Anh ngồi viết cuốn sách đầu tiên, không có thu nhập gì, vợ ông phải đi quạt bánh tráng ở đầu đường để nuôi ông viết sách. 2 tháng trời bố con ông chỉ dám ăn mỳ mà vẫn không dành dụm đủ mấy trăm nghìn tiền thuê nhà. Mà những đồng tiền đó cũng là do ông xem bói lai rai kiếm được. Có một câu chuyện mà ông nhớ mãi không quên.

"Khoảng năm 1998, có một lần vợ tôi về Bến Tre xin viện trợ từ gia đình. Trên Sài Gòn 2 cha con đói quá. Tôi nghĩ đến một nhà sách mà tôi vừa vẽ cho họ bộ truyện tranh " Dế mèn phiêu lưu ký". Hai cha con phải đạp xe từ ngoại thành vào thành phố, đến nơi thì họ chưa xin được giấy phép xuất bản nên họ chưa trả tiền. Tôi lại nhớ ra vừa vẽ một cái bản đồ cho công ty quảng cáo. Khi đến nơi thì công ty cũng chưa có tiền.

Con trai tôi lúc đó đói quá không thể đi nổi nữa. May sao đúng lúc ấy thì bà giám đốc công ty đến và lì xì cho con trai tôi 20 ngàn đồng. Hai cha con mừng húm đi ăn đúng hết 20 ngàn đó thì về. Hôm sau vợ tôi lên mới có gạo ăn tiếp. Cũng vì thế tôi nghĩ thương con trai nên tôi lấy tên nó làm bút danh của tôi. Quà của tôi cho nó bây giờ chính là cái tên Nguyễn Vũ Tuấn Anh mà người ta biết đến. Còn tên thật của tôi là Nguyễn Vũ Diệu", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Nguyễn Huệ