Thương lái Trung Quốc 'vơ vét' dược liệu quý ở Tây Nguyên

Thương lái Trung Quốc 'vơ vét' dược liệu quý ở Tây Nguyên

Thứ 3, 14/03/2017 | 11:57
0
Sau một thời gian “án binh bất động”, thương lái Trung Quốc lại xuất hiện và ra giá cao khiến người dân vùng biên ồ ạt vào rừng tận diệt cây cu ly.

Những ngày qua, tại các huyện như Đắk Tô, Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tái diễn cảnh tượng người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng thu gom cây cu ly. Theo phản ánh của người dân, sau một thời tạm ngưng, thương lái Trung Quốc đã trở lại và đẩy giá thu mua cây cu ly lên cao khiến nhiều người sống tại vùng biên ồ ạt vào rừng tận diệt loại cây này bán cho thương lái.

Xã hội - Thương lái Trung Quốc 'vơ vét' dược liệu quý ở Tây Nguyên

 Cu ly được thu mua chất cao thành đống tại bãi tập kết.

Cụ thể, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, khu vực sân bay cũ xã Diên Bình, huyện Đắk Tô là địa điểm thương lái dùng tập kết hàng từ các đầu mối. Cu ly trải dài trên mặt đất, chất cao thành từng đống. Tại đây, hơn 10 công nhân đang hì hục phân loại, chặt nhỏ cu ly phơi khô chờ xuất ngoại.

Xã hội - Thương lái Trung Quốc 'vơ vét' dược liệu quý ở Tây Nguyên (Hình 2).

Cu ly tươi được thu mua với giá 2.000 đồng/kg.

Trò chuyện với PV, ông Giáp Văn Thi, thương lái đang thu mua tại đây cho biết: “Tôi thu mua cu ly tươi với giá 2.000 đồng/kg, sau đó chặt nhỏ phơi khô xuất cho bạn hàng giá 10.000 đồng/kg. Tôi đã thu mua được hơn 60 tấn cu ly gồm cả khô và tươi”.

Ông Thi phân trần: “Hiện nay, giá thu mua cu ly cao hơn mọi năm khiến người dân hồ hởi hơn. Tuy nhiên, hiện nay, địa phận nước mình cấm khai thác loại cây cu ly khiến nguồn hàng cũng khan hiếm. Người dân phải khai thác lén lút, thậm chí phải lặn lội qua các khu vực biên giới Lào, Campuchia tìm nguồn hàng cung ứng".

Xã hội - Thương lái Trung Quốc 'vơ vét' dược liệu quý ở Tây Nguyên (Hình 3).

 Cu ly được cắt nhỏ phơi khô chờ xuất ngoại.

"Bởi vậy, tôi phải chờ người dân đi rừng về có khi 10 -15 ngày mới gom được hàng. Sau khi phơi khô đủ số lượng, tôi chở ra ngoài bắc giao cho thương lái chủ yếu làm ăn theo thời vụ. Thật ra, họ thu mua cây cu ly làm gì thì tôi cũng không biết, không quan tâm làm gì”, ông Thi cho biết thêm.

Trò chuyện với PV, anh A Diêu, ngụ thôn Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, cho biết: “Nhà mình nương rẫy ít, mùa này cũng ít người kêu đi làm thuê. Do đó, 3 anh em mình tranh thủ vào rừng chặt ít cu ly bán cho thương lái phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, dạo này, nhiều người đi rừng lấy nên cây cu ly hiếm dần. Chỗ nào có thì bị kiểm lâm ngăn chặn không cho khai thác. Bòn mót nhiều lắm bình quân mỗi ngày được khoảng 1 tạ tươi, người nào may mắn được khoảng 2 tạ là nhiều. Với giá bán 2.000 đồng/kg mình cũng đủ trang trải mua mắm, muối gạo ăn hằng ngày”.

Liên quan đến vụ việc nói trên, ông Nguyễn Gia Minh Hải, cán bộ pháp chế hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: "Trong thời gian qua, phía hạt Kiểm lâm nắm bắt được thông tin bà con đồng bào thiểu số vùng biên tái diễn hiện trạng vào rừng chặt cây cu ly bán cho thương lái. Vừa qua, lãnh đạo hạt Kiểm lâm tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các xã làm công tác tuyên truyền, đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp cho kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần ra kiểm soát ngăn chặn triệt để tình trạng trên”.

Hồ Nam