Thuyền viên 'nghi bị đối xử tồi tệ' nói gì khi trở về?

Thuyền viên 'nghi bị đối xử tồi tệ' nói gì khi trở về?

Thứ 5, 15/08/2013 | 09:17
0
“Tiền công được nhận sau gần 8 tháng làm việc chỉ đủ trả khoản tiền vay trang trải chi phí đi lao động xuất khẩu”. Anh Lê Đình Anh, một trong 4 thuyền viên bỏ trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) vừa trở về kể.

Chuỗi ngày đen tối

Tại nhà của cha mẹ mình ở thôn Xuân Đông (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa), anh Anh cho biết, gia đình từ quê Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào Vạn Hưng từ năm 1990, khi anh mới 6 tuổi.

Năm 2009, anh lập gia đình với chị Trần Thị Thanh Hòa (SN 1988, ở xã Vạn Phước, Vạn Ninh), hai vợ chồng đã có một con gái, là cháu Lê Trần Thanh Huyền. Chồng làm nghề biển thu nhập thất thường, vợ không có việc làm ổn định, nên khoảng tháng 9/2012, biết Cty Cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và Du lịch (TTLC) tuyển lao động nghề cá ở nước ngoài, anh nộp hồ sơ dự tuyển.

Ngày 17/12/2012, anh được gọi ra Hà Nội, được tập huấn 2 ngày về cung cách cư xử, làm việc trên tàu cá nước ngoài. Tám giờ tối 20/12/2012, anh cùng một số đồng nghiệp bay sang Hồng Kông và ngày hôm sau cùng 9 người khác được đưa lên tàu Hsieh Ta. Các thuyền viên được TTLC cho biết, lương 400 USD/tháng, trong đó gia đình nhận 350 USD, họ được 50 USD, ăn uống chủ tàu bao.

Trên tàu, ngoài thuyền trưởng tên là Ta-Cơ và máy trưởng người Đài Loan, có 2 cai người Trung Quốc và 22 thuyền viên (gồm 10 người Việt, 7 Indonesia, 3 Philippines, 2 Miến Điện). 

Xã hội - Thuyền viên 'nghi bị đối xử tồi tệ' nói gì khi trở về?

Anh Lê Đình Anh (bên trái).

Thời gian đầu, các thuyền viên thường xuyên bị đánh. “Cứ làm không đúng thao tác kỹ thuật là bị thuyền trưởng và 2 tay cai đánh. Họ đánh rồi bảo mình làm theo hướng dẫn của họ, chưa đạt lại bị đấm, tát tiếp”, anh Anh kể.

Bị đánh nhiều nhất là anh Lê Thanh Thành (quê Quảng Bình) và anh Hoàng Văn Hậu (quê Quỳ Châu, Nghệ An). Anh Thành làm phụ máy, thường bị máy trưởng đấm đá, túm tóc đập vào thành tàu đến chảy máu mồm, mũi. Chịu không xiết, Thành xin lên boong làm thợ câu. Anh Hậu xuống hầm máy thay Thành cũng bị đánh.

Khoảng 2 tháng nay, anh Hậu được lên boong, nhường vị trí “bị bông” cho một thuyền viên người Indonesia. Gần đây, đã quen việc, các thuyền viên ít bị đánh hơn. Nhưng theo anh Anh, họ vẫn thường xuyên phải làm việc 17 – 18 giờ mỗi ngày, từ khi xuống tàu chưa một lần được lên bờ, cũng như nhận đồng lương nào…

Tẩu thoát

Ngày 2/8, tàu Hsieh Ta được lệnh kéo tàu Lieu Hoa vào cảng Papeete trên đảo Tahiti (thuộc Pháp) để sửa chữa. Tại đây, các thuyền viên Việt Nam bàn nhau tìm cơ hội trốn.

Khoảng 4 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 8/8, khi tàu Hsieh Ta quay mũi ra khơi tiếp tục đi đánh cá; thuyền viên Anh, Hậu, Nguyễn Văn Hùng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trần Văn Dũng (Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhảy khỏi tàu. “Những người khác bận việc nên không có cơ hội để nhảy”, anh Anh nói.

Tàu Hsieh Ta tiếp tục hành trình, còn 4 thuyền viên nhằm hướng Papeete bơi vào, khoảng 2 giờ sau được tàu cảnh sát vớt lên, đưa về khách sạn nghỉ ngơi. Tại đây, họ được ông Jean-Piere Lebrun, một Việt kiều, giảng viên đại học giúp đỡ rất tận tình. Cảnh sát Tahiti còn đuổi theo tàu Hsieh Ta để lấy lại hộ chiếu của 4 thuyền viên.

Từ Papeete, họ bay về Tokyo (Nhật) sáng 11/8, rồi về TP HCM lúc 12 giờ đêm 12/8. Ông Nguyễn Tuấn Tài, cán bộ TTLC đón họ, đưa về khách sạn nghỉ ngơi và mua vé ô tô cho về nhà.

Theo anh Anh, gia đình anh mới nhận được 4 tháng lương, mỗi tháng 6,3 triệu đồng, do bị trừ phí dịch vụ chuyển tiền và tiền bảo hiểm. Trở về tay trắng, anh lo lắng, không biết có được thanh lý hợp đồng lao động và được nhận tiền lương lao động trên tàu hay không; gia đình anh có được nhận hơn 3 tháng lương còn lại. Thuyền viên Anh cũng hy vọng, có cơ hội lại được đi làm trên những tàu cá nước ngoài có điều kiện lao động tốt hơn trên tàu Hsieh Ta.

Theo Tiền Phong

Bắt thuyền viên buôn lậu súng

Thứ 3, 25/06/2013 | 15:21
Trong khi chờ thuyền nhập hàng, Cường đã lén lút mua 80 khẩu súng hơi đem cất giấu trong buồng lái để vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời.

Thuyền viên đâm chết đồng nghiệp lĩnh án 12 năm tù

Thứ 4, 05/06/2013 | 15:00
Sáng ngày 3/6/2013, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Huấn (SN 1960, Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa) 12 năm tù về hành vi giết đồng nghiệp trên đường đi đánh cá.

Tàu Eastern Sun đâm sà lan, 3 thuyền viên mất tích

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Khoảng 0 giờ ngày 13/3, tàu Eastern Sun đang hành trình từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng, bất ngờ đâm sà lan HP 2868 (ở Hải Phòng). Tai nạn làm sà lan chìm ngay, ba thuyền viên mất tích.

Đưa 5 thuyền viên gặp nạn trên biển vào bờ an toàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Khi đánh cá cách vùng biển tỉnh Hà Tĩnh gần 2 hải lý, một chiếc thuyền bị chết máy, trôi dạt tự do trên biển nhiều giờ đồng hồ. Lúc ấy, trên thuyền có 5 thuyền viên.

Hơn 100 người cứu 5 thuyền viên gặp nạn trên biển

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Trên đường lai dắt con tàu đến Thượng Hải Trung Quốc để tu sửa thì gặp phải trời mưa, sóng to gió lớn nên con tàu Onnekas One bị mắc cạn tại vùng biển Thừa Thiên Huế suốt nhiều giờ liền.