Chính sách thưởng tiền thu hút nhân tài gây chú ý

Chính sách thưởng tiền thu hút nhân tài gây chú ý

Thứ 4, 27/03/2013 | 14:48
0
Thông tin, từ năm 2013 tỉnh Quảng Ngãi, Bạc Liêu công bố sẽ đón các giáo sư, tiến sĩ về công tác tại địa phương với mức hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ là 500 triệu đồng/giáo sư về Bạc Liêu và 350 triệu đồng/giáo sư về Quảng Ngãi. Sự việc này đã gây chú ý lớn từ dư luận.

Nhiều năm nay, chính sách thu hút nhân tài của các tỉnh, thành trong cả nước thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi những chính sách cụ thể này là tiền đề để thu hút nhiều nhân tài về xây dựng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Quyết định lần này của tỉnh Quảng Ngãi, Bạc Liêu cũng nằm trong mục tiêu trên nhằm thu hút cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tình nguyện về công tác tại địa phương trong năm 2013.

Xã hội - Chính sách thưởng tiền thu hút nhân tài gây chú ý

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường rất muốn đóng góp sức mình phát triển cho địa phương

"Thưởng tiền" để thu hút nhân tài

HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa mới ban hành Nghị quyết 04/2013 về chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao (giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ) và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy (đạt loại giỏi, trung bình và trung bình khá) về công tác tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây là chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2013 và các năm kế tiếp. Với Nghị quyết trên, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra hành lang cụ thể để các nhân tài thực sự mong muốn đến tỉnh Quảng Ngãi có những căn cứ cụ thể để quyết định của mình là chính xác.

Ông Bùi Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại TP.HCM cho biết: "Trong Nghị quyết 04/2013 nêu cụ thể, những người có chức danh thạc sỹ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I thuộc chuyên ngành sản phụ khoa, bác sĩ nội trú thuộc chuyên ngành sản phụ khoa được hỗ trợ 250 triệu đồng/người. Những người là bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I và bác sĩ nội trú là 230 triệu đồng/người. Những người là bác sĩ và dược sĩ đại học tốt nghiệp loại giỏi hỗ trợ 220 triệu đồng/người, loại khá là 200 triệu đồng/người, loại trung bình và trung bình khá 180 triệu đồng/người".

Theo ông Bùi Văn Tuấn, trong Nghị quyết 04/2013 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, còn quy định riêng những sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại giỏi trở lên hoặc sinh viên học tập ở nước ngoài đạt loại khá trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/người. Điều khiến dư luận chú ý trong chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Ngãi lần này là chính sách hỗ trợ đối với các giáo sư có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh Quảng Ngãi với mức hỗ trợ cao nhất là 350 triệu đồng/người. Còn đối với các tiến sĩ, bác sĩ thì tỉnh sẽ tiếp nhận người thân như chồng (vợ), con ruột vào công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi nếu đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.

Một số chuyên gia nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh trong cả nước cho biết mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa công bố chính sách thu hút nhân tài về công tác tại địa phương. Trong đó, chính sách hỗ trợ dành riêng cho các giáo sư về công tác tại địa phương là 500 triệu đồng/người. Các chức danh tiến sĩ, thạc sỹ, tốt nghiệp cũng có những mức hỗ trợ khác nhau. Với chính sách ưu đãi người tài này, UBND tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng đây sẽ là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nguồn nhân lực và các nguồn lực, thế mạnh khác hiện có của tỉnh.

Xã hội - Chính sách thưởng tiền thu hút nhân tài gây chú ý (Hình 2).

 Chính sách thu hút nhân tài ngoài hỗ trợ tiền, cần phải có thêm nhiều chính sách khác

Tiền hay môi trường công việc?

Trong những năm qua thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên và một số tỉnh thành khác trong cả nước cũng có thực hiện hàng loạt chính sách để thu hút các cử nhân, kỹ sư tốt loại giỏi, thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học... về công tác tại địa phương để tạo thêm nguồn cán bộ, công chức có năng lực tại địa phương. Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng quy định rõ là UBND thành phố sẽ có những chế độ ưu đãi về chế độ với các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo nâng cao chuyên ngành, phục vụ công tác.

Nhiều người dân cho biết những chính sách thu hút nhân tài vừa qua của tỉnh Quảng Ngãi, Bạc Liêu và một số địa phương trước đó thật sự gây sự chú ý của dư luận. Nhưng nhiều người dân bày tỏ quan điểm rằng chính sách thu hút nhân tài chỉ bằng tiền là chưa đủ. Điều mà các nhân tài cần nhiều hơn chính là môi trường làm việc được phát biểu chính kiến, được thỏa sức sáng tạo. Đặc biệt, các nhân tài có chức danh giáo sư, tiến sĩ... cần phải có một môi trường nghiên cứu học thật sự nhằm phát huy tối đa trí tuệ của mình để đóng góp cho việc phát triển kinh tế tại địa phương.

Xã hội - Chính sách thưởng tiền thu hút nhân tài gây chú ý (Hình 3).

TS. Nguyễn Công Thoại

Theo PGS.TS Lê Quang Minh (đại học Quốc gia TP.HCM), có vẻ như chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài của nhiều địa phương hiện nay chưa thực tế. Đa phần các địa phương chỉ chú ý vào nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là người có học hàm, học vị thạc sỹ, tiến sĩ, giáo sư hay phó giáo sư. Điều này sẽ làm cho những người có trình độ thực sự, có tâm huyết nhưng chưa "đạt chuẩn" sẽ cảm thấy hụt hẫng. Chính sách thu hút nhân tài phải chú ý đến những người trẻ có chuyên môn, có tâm huyết với địa phương, để những người này mạnh dạn đặt chân lên tấm thảm đỏ thu hút nhân tài của tỉnh, nhất thiết từ lãnh đạo đến công chức phải đổi mới suy nghĩ và cách làm. Đừng nghĩ trí thức trẻ chấp nhận về địa phương công tác vì ham tiền bạc, nhà cửa, đất đai... hay muốn thăng tiến về chức vụ, địa vị xã hội. Thực tế cho thấy đa số họ muốn thăng tiến nhưng thiên về chuyên môn nghiệp vụ.

Thời gian qua, rất nhiều ban, ngành trong cả nước tổ chức hàng loạt hội thảo, hội nghị để đánh giá về chính sách thu hút nhân tài tại một số địa phương trong cả nước. Tại hội thảo "Công tác nhân tài ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn" do Ban tổ chức Trung ương tổ chức, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết: "Một trong những lý do khiến các địa phương khó thu hút người tài là vì môi trường làm việc không khuyến khích sáng kiến, người tài không có điều kiện phát huy chuyên môn. Do vậy, các chính sách thu hút nhân tài phải đi vào những điều trọng tâm này thì nhân tài mới thấy được mục đích đến địa phương công tác của mình là đúng đắn".    

Người giỏi về nhưng lại không giải quyết hồ sơ

Nhiều chuyên gia nghiên cứu kinh tế, xã hội tại Việt Nam đánh giá lực lượng sinh viên Việt Nam vốn được đánh giá cao là nhanh nhạy, thông minh, cần cù... Đây cũng là nguồn nhân lực dồi dào và chủ yếu để cung ứng cho đất nước. Thế nhưng, một "điệp khúc" quen thuộc là sinh viên tốt nghiệp ra trường là phải "chạy đôn, chạy đáo" đi tìm việc làm. Đối với những tân cử nhân, kỹ sư có tâm huyết được làm việc, cống hiến thì hành trang xin việc vô cùng vất vả, có người không đủ kiên nhẫn phải làm trái nghề. Nhiều bạn tân cử nhân, kỹ sư từng chia sẻ rằng tại một số địa phương dù có chính sách thu hút nhân tài nhưng việc tuyển dụng thì có quá nhiều nhiêu khê. Những bạn trẻ này là sinh viên giỏi, có tâm huyết nộp hồ sơ ứng tuyển vào nhưng chờ mãi thì không thấy giải quyết hồ sơ. Họ phải tìm địa phương khác hoặc đến các thành phố lớn để tìm cơ hội mới.

Dễ thành nghịch lý: "Hỗ trợ" vài trăm triệu đồng rồi ngồi chơi xơi nước 

Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại (hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) nhìn nhận: "Thực tế cho thấy, có rất nhiều nhân tài thuộc các tỉnh đưa ra chính sách thu hút nhân tài nhưng họ không mặn mà với chính sách trên. Nhiều người còn bày tỏ là rất muốn đóng góp cho quê hương nhưng những gì mà họ cần thì địa phương chưa có hoặc không có. Có một số người nửa đùa nửa thật là chính sách thu hút nhân tài hiện nay của một số địa phương đang trải ra đều có "cài chông" bên dưới nên người tài không dám đặt chân lên. Ý của những người này là các chính sách thì rất hay những các điều kiện để phát huy thì không có hoặc bị cơ chế hạn chế sức sáng tạo. Tôi cho rằng, vật chất với trí thức là rất quan trọng, nhưng đây không phải là yếu tố quyết định. Bởi, nhiều nhân tài biết rõ nhiều địa phương thu hút tiến sĩ, thạc sỹ về, "hỗ trợ" vài trăm triệu đồng rồi ngồi chơi xơi nước, không giao việc phù hợp, không có môi trường phát huy năng lực. Đây là một trong những thực tế đang tồn tại ở một số địa phương".

Hợp Phố - Công Thư

Thu hút nhân tài không thể thực hiện bằng hô khẩu hiệu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Ông Trịnh Long Biên cho rằng, chế độ ưu đãi thu hút nhân tài là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn vẫn là ý chí và tâm huyết của những cá nhân đó.

Vinmec thu hút nhân sự giỏi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Tuy đến đầu năm 2012, Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mới được khai trương nhưng đến nay, bộ máy nhân sự, đặc biệt là hệ thống Giáo sư Bác sỹ và điều dưỡng đã tương đối hoàn thiện với chất lượng nhân sự cao.

Nhân tài quay lưng: Mấu chốt vẫn là “cơm áo gạo tiền”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt để thu hút nhân tài vào các cơ quan hành chính là phải giải quyết vấn đề “cơm áo gạo tiền”.

Việt Nam còn nặng vấn đề bằng cấp

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Tiếp theo Đà Nẵng, mới đây là tỉnh Nam Định đã gây xôn xao dư luận khi công bố không tuyển công chức là những sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Thông tin này ngay lập tức đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.