'Tiến quân ca' vẫn chưa được cấp phép: Trước giờ cả nước hát 'lậu'?

'Tiến quân ca' vẫn chưa được cấp phép: Trước giờ cả nước hát 'lậu'?

Thứ 4, 24/05/2017 | 08:54
0
Nếu coi tác phẩm nghệ thuật là “đứa con tinh thần” của người nghệ sĩ thì hà cớ gì khi nó sinh ra lại cần sự đồng ý của người khác mới được quyền “sống”?

“Chỉ cập nhật chứ không cấp phép” là điểm mấu chốt trong thông tin chính thức của cục Nghệ thuật biểu diễn về việc cập nhật, bổ sung danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ phổ biến mới đây.

Theo thông tin văn bản đưa ra, sở dĩ Cục phải lên tiếng bởi một số bài báo đã phản ánh chưa đúng bản chất vấn đề, vì “Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên”.

Xi nhan Trái Phải - 'Tiến quân ca' vẫn chưa được cấp phép: Trước giờ cả nước hát 'lậu'?

"Tiến quân ca" nằm trong danh sách 300 bài hát vừa được cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật phổ biến rộng rãi. (Ảnh minh họa)

Là một người không giỏi tiếng Việt, tôi vẫn có thể hiểu nôm na rằng, họ khẳng định mới chỉ cho các bài hát ấy vào danh sách phổ biến rộng rãi chứ tuyệt nhiên không cấp phép lưu hành cho chúng.

Cần phải làm rõ thêm rằng trong 300 ca khúc đó có những bài hát “đi cùng năm tháng”, gắn liền với lịch sử dân tộc, với biết bao thế hệ người Việt Nam như: Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Việt Nam quê hương tôi, Chào em cô gái Lam Hồng, Biết ơn chị Võ Thị Sáu… và đặc biệt là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Ai cũng biết Tiến quân ca là Quốc ca đất nước, đã được Quốc hội phê chuẩn, vậy văn bản của cục Nghệ thuật biểu diễn có vi hiến?

Và trong số 300 bài hát kia cũng không ít bài đã được đưa vào sách giáo khoa, những giai điệu của nó được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc nằm lòng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy trách nhiệm của bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu khi “cho phép” giảng dạy những bài hát đó trong chương trình học cơ sở?

Có phải những ca khúc nhạc đỏ đã rất quen thuộc với công chúng từ trước đến giờ và ngay cả Quốc ca cũng đã và đang “bị hát lậu”?

Theo Điều 2, Quyết định số 4148/QĐ-BVHTTDL Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục có chức năng “phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài sáng tác”. Vậy cái danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi gồm 300 bài hát mới được cập nhật kia đến bao giờ thì cập nhật xong? Từ trước đến nay, người dân chúng tôi được biết các bài hát ấy qua sách, vở, các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy phải làm sao để biết được bài hát nào đã được cấp phép, bài hát nào không được hát? Nhỡ đâu có những ca khúc “sắp” được cấp phép thì phải chờ đến bao giờ?

“Chỉ cập nhật chứ không cấp phép” - Tôi nghe lập luận này quen quen, vì cách đây không lâu chính Cục này đã phải thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn đã giải thích với báo chí rằng “Chúng tôi tạm dừng lưu hành các ca khúc này chứ không phải cấm. Việc làm này nhằm mục đích bảo vệ quyền tác giả vì đây là các dị bản, không đúng ca từ với bản gốc, thậm chí có bài còn sai tên tác giả. Cục trưởng cũng đã trả lời về việc này”.

Lại có một điều trái khoáy nữa mà tôi không thể hiểu nổi. Nhiều sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép lưu hành phổ biến nhưng vẫn được biểu diễn trong các sự kiện, chương trình nghệ thuật vì nội dung tốt nhưng các chương trình nghệ thuật ấy muốn được trình diễn phải được sự phê duyệt của Cục. Nghĩa là các khái niệm “lưu hành”, “cấm” hay “cập nhật”, “cấp phép” đang bị chồng chéo nhau, nói cách khác chính là “Gậy ông đập lưng ông”.

Đó là còn chưa kể đến một nghịch lý nữa tồn tại trong chuyện này. Việc các nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật (không vi phạm thuần phong mỹ tục) được công chúng đón nhận là điều hiển nhiên, chẳng cần một cơ quan quản lý nào cho phép cả.

Cũng giống như việc coi tác phẩm nghệ thuật là “đứa con tinh thần” của người nghệ sĩ thì hà cớ gì khi nó sinh ra lại cần sự đồng ý của người khác mới được quyền “sống”? Và bố mẹ nó có quyền đặt tên khai sinh cho nó, cái tên đó được pháp luật công nhận. Ai có quyền cho phép thì mọi người mới được gọi tên nó?

Không lẽ phải nghĩ đến một tổ chức đại loại như “hội Bảo vệ người nghệ sĩ” tương đương “hội Bảo vệ người tiêu dùng” quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm đối với tác phẩm nghệ thuật của họ?

Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản, những tác phẩm đã đi vào lòng người và được mọi tầng lớp nhân dân tôn vinh thì sẽ tồn tại mãi mãi mà chẳng một văn bản nào có thể tác động.

Thảo Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...
     
Nổi bật trong ngày

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.

Dr Thanh, nhắc lại và nhớ

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Trong chúng ta chắc chả ai là không biết, không nghe, ít nhất một lần, cái tên Dr Thanh.