Tội ác dưới góc nhìn của tiến sỹ Xã hội học

Tội ác dưới góc nhìn của tiến sỹ Xã hội học

Thứ 3, 15/01/2013 | 09:42
0
Năm 2012 vừa kết thúc, để lại nhiều suy ngẫm trong mỗi cá nhân về các vấn đề xã hội đáng quan tâm, đặc biệt là vấn đề tội ác trong phạm pháp hình sự. Nhiều vụ án đã xảy ra, để lại hậu quả đau lòng.

Xung quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Xã hội học Trịnh Hoà Bình - giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng - Viện khoa học xã hội Việt Nam.

Khi mâu thuẫn giàu nghèo trở nên gay gắt

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu và hiện đang là giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện khoa học xã hội Việt Nam), mối quan tâm lớn nhất của ông trong nghiên cứu dư luận xã hội năm 2012 vừa qua là gì?

Như chúng ta đã biết, năm 2012, đất nước chúng ta đứng trước những thách thức, đối diện lớn như: Kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách an sinh xã hội...

Tôi xin dẫn chứng, thông điệp năm mới của Thủ tướng vừa qua có nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ 6 đó là vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó là tái cơ cấu nền kinh tế, củng cố  thể chế mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền... Tất cả những vấn đề đó, khoa học xã hội cũng không đứng ngoài cuộc. Chúng tôi vẫn chăm chú, lắng nghe và có những nghiên cứu từ bình diện cá nhân. Đồng thời, cũng có những phát biểu, nêu quan điểm của mình.

Luật sư - Tội ác dưới góc nhìn của tiến sỹ Xã hội học

Ảnh minh họa.

Năm 2012, điều mà chúng tôi vẫn quan tâm đó là sự đồng thuận của xã hội trước những vấn đề lớn. Tâm trạng xã hội có thể phản ánh nhiều xu hướng khác nhau, nhưng một dư luận được xem là trưởng thành thì nó phải phản ánh cái xu hướng, nguyện vọng, lợi ích của nhóm lớn, quần chúng nhân dân lao động... suy nghĩ, phản ứng thể hiện như thế nào trước những sự kiện lớn của đất nước.

Khi chúng ta đặt ra vấn đề quan tâm đến nghiên cứu, định hướng, làm tham mưu tốt hơn nữa cho việc thúc đẩy sự đồng thuận xã hội để tiến hành xây dựng đất nước, thì chúng ta phải nghiên cứu đến cả mâu thuẫn trong lòng nhân dân. Ví dụ, từ năm 1997, nhóm nghiên cứu của viện Xã hội học đã nghiên cứu sự "nổi dậy" của nông dân Thái Bình xung quanh những vấn đề ruộng đất, tính minh bạch, những mâu thuẫn trong lòng xã hội chúng ta. Để từ đó tham mưu, đề xuất cách giải quyết hợp lý.

Nhiệm vụ nghiên cứu hàng ngày của chúng tôi vẫn không thể buông lơi đến tâm trạng xã hội, xu hướng xã hội, tình cảm xã hội... Hướng đến những tình cảm lành mạnh, có tính chất cố kết cộng động, đoàn kết, để xây dựng đất nước chúng ta.

Mặt khác, khi đặt vấn đề hướng tới nghiên cứu tính đồng thuận dư luận xã hội, nghiễm nhiên trong đó có phân tích những xu hướng, lực cản của quá trình đó, tức là mâu thuẫn xã hội. Một trong những "hòn đá tảng" của nghiên cứu xã hội học là chúng tôi quan tâm đầy đủ đến phân tầng xã hội, cơ cấu xã hội. Như chúng ta đã thấy, trong thời gian gần đây, khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường, hàng loạt các vấn đề được thực thi trong thời kỳ hội nhập, mở cửa...

Mọi người đã nhìn thấy đời sống xã hội "thay da, đổi thịt" hàng ngày. Và dường như có xu hướng hồi sinh, hồi phục trở lại những mâu thuẫn rất gay gắt của chuyện phân hóa giàu - nghèo, độ loãng ra của nhóm đỉnh và đại bộ phân dân cư, nhất là nhóm yếu thế. Xã hội học phải quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực đó. Và bao giờ nghiên cứu đến vấn đề phân tầng xã hội cũng rất là cơ bản.

Đã có sự đứt gãy, trượt dài giá trị sống

Hiện nay, khi xảy ra một vấn đề nào đó, đặc biệt là các vấn đề phạm pháp hình sự, người ta thường liệt kê một dạng nguyên nhân, đó là nguyên nhân xã hội. Tức là đề cập đến những việc cụ thể, bằng lý giải không rõ rệt. Là một nhà xã hội học, ông đánh giá như thế nào về tình hình trật tự xã hội trong năm vừa qua?

Nếu "liều mạng" để phát biểu thì tôi cũng xin nhận định rằng đúng là trong năm 2012 vừa rồi nó giống một  sự  kế tục những trật tự xã hội lủng củng, thậm chí có phần nhiễu nhương ở chừng mực nhất định nào đó. Người ta dễ thấy số lượng những sự kiện như đề cập đến càng ngày càng dày lên, gây ra sự bức xúc, bức bách trong dư luận. Đồng nghĩa với việc gây ra những quan ngại cho các giới chức xã hội (từ những nhà hoạch định chính sách, hoạt động xã hội, cho đến cộng đồng nhân dân...).

Từ đó tạo ra điều gì đó bất an, bất ổn đến chính cái chủ thuyết an sinh xã hội. Không phải đơn giản người ta nói, đi đường không thấy an tâm, thậm chí một bộ phận không nhỏ, hễ đi ra đường là phải mang theo hung khí (không hẳn họ có ý đồ gây chiến, khiêu khích, gây án...) mà chỉ nghĩ mong manh rằng, chính mình sẽ thiết lập trật tự cho mình và mang tính phòng ngừa tai bay, vạ gió. Tất nhiên đây là một nhóm nhỏ, chứ không phải cộng đồng lớn. Nhiều người có khi để hung khí chỉ với mục đích tự vệ.

Thế nhưng, mọi lý do đều không được chấp nhận, cứ mang hung khí ra đường là bị bắt. Ngay cả một ông bán hoa cây cảnh cũng bị tạm giữ để xử lý vì tội mang dao theo, (không phải mang kéo cắt tỉa hoa). Một ví dụ nhỏ như vậy để thấy được có những rối ren, phiền toái và số lượng các vụ việc gia tăng. Có lẽ chỉ cần bằng cảm nhận và số lượng tin, bài đăng tải trên phương tiện thông tin truyền thông thì chúng ta cũng thấy rất nhiều vụ việc.

Thực tế tội phạm đang được trẻ hóa, mức độ ghê rợn, hung bạo, quyết liệt, tăng cao. Không chỉ phạm pháp một cách man rợ, hung bạo, vô học, lãnh đạo ngành công an khi đăng đàn trước Quốc hội cũng phát biểu, nhấn mạnh đến vấn đề tích cực phòng ngừa, chống lại tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tri thức. Và đúng trong giai đoạn hiện nay, tội phạm công nghệ cao cũng rất phát triển. Cho nên lời phát biểu đó cũng như lời dự báo  trước hàng loạt các vấn đề báo hiệu trật tự xã hội "có vấn đề".

Luật sư - Tội ác dưới góc nhìn của tiến sỹ Xã hội học (Hình 2).

Tiến sỹ Xã hội học Trịnh Hoà Bình

Theo lý giải của chúng tôi, ở đây có sự đứt gãy, trượt dài giá trị sống của một bộ phận đáng kể trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.  Khi chúng ta nói, đứt gãy, trượt dài giá trị sống là nó bao hàm nhiều vấn đề như: Giáo dục, sự nêu gương của thế hệ đi trước, vấn đề  "cầm cân nảy mực" của đời sống pháp luật, ý chí pháp luật, kiến thức pháp luật, kỹ năng pháp luật. Và đứng lên trên tất cả những lằn ranh đó là con người ta tôn thờ cái gì, trong các giá trị sống, để biết cần coi trọng cái gì.

Suy ngẫm về tình hình trật tự xã hội, chúng ta phải nói lại một điều rằng, lý giải khá chung chung khi đề cập đến những vấn đề cụ thể. Điều này cho thấy mặt hạn chế có tính "lịch sử" của nó.

Khi nói đến nguyên nhân xã hội bao giờ cũng nói đến sự tổng hòa nhiều nguyên nhân. Có cái thuộc về thiết chế chính trị, có cái thuộc về thiết chế luật pháp, thiết chế đạo đức, giáo dục, gia đình...

Tức là có hàng loạt vấn đề và khi tác động chỉ vào một điểm thì nó giống như bấm nút mới từ từ chuyển động, trừ khi là yếu huyệt, chỗ quan trọng nhất, thì nó mới vận hành nhanh hơn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, ngay cả thiết chế pháp luật cũng có tính bảo lưu tương đối, không thể thay đổi một sớm, một chiều được. Do đó nó có độ trễ, kể cả khi người ta quyết liệt đổi mới.

Nhìn nhận về sự phát triển, trong đó hẳn có tiêu chí về an ninh xã hội. Thời gian qua, dư luận tỏ ra rất quan ngại về vấn đề bạo lực trên nhiều phương diện, từ gia đình, học đường, cộng đồng. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng?

Vấn đề an ninh chính trị chúng ta luôn duy trì, đảm bảo giữ vững, còn an ninh xã hội liên quan trực tiếp đến người dân và người dân đối diện với thực tế nào thì lo lắng về thực tế đó.

Thời gian qua, dư luận quan ngại với tình trạng bạo lực trên nhiều phương diện mà nó diễn ra ở rất nhiều chỗ từ gia đình, cộng đồng. Điều đó đúng là câu chuyện có thật mà dư luận quan ngại cũng là điều đương nhiên. Bình luận, mổ xẻ thì ở phía trên chúng ta cũng đã động chạm đến rồi.

Nguyên nhân thì có rất nhiều nguyên nhân, phức hợp đa nguyên nhân, nhưng mà chúng ta hoàn toàn có thể thấy được. Nếu lùi ra xa, ngẫm nghĩ, cho thấy chúng ta đối diện với quá nhiều thách thức, quá nhiều khó khăn. Nó như một cơ thể tạm gọi là đang có "vấn đề về sức khỏe" mà nó không được khỏe mạnh thì bệnh tật nổi lên. Nhưng chắc chắn có những nguyên nhân đáng lưu tâm khác nữa.

Đó là tính hiệu lực của pháp luật. Ở đâu cũng nói là "không đủ sức răn đe", nhưng đằng sau hiệu lực của pháp luật và quan ngại hơn là những xung đột xung quanh giá trị sống. Thói vị kỷ, thói đạo đức giả, cái ác, cái xấu lên ngôi ở chỗ này chỗ kia, mà lại không bị lên án kịp thời.

Nhiều người cũng "đổ tội" cho truyền thông, có chỗ này chỗ khác đưa tin câu khách, nhưng mọi người nên nhớ rằng, có thể truyền thông có một cái "lỗi" không cố ý, nhưng đó là ngoài mong muốn. Có trang còn cung cấp hình ảnh, trình bày kỹ lưỡng, thậm chí sa đà. Có thể nó cung cấp cho những kẻ xấu, kẻ ác ở một thời điểm rất nhanh nào đó, có kịch bản để bắt chước hành xử. Cái đó có thể có, nhưng không bao giờ là nguyên nhân chính được.

Bởi vì cùng một môi trường như nhau nhưng các cá thể, các nhóm xã hội sẽ có những cách hành xử khác nhau, chứ không phải ai cũng hành xử bạo lực, tước đoạt mạng sống hay chà đạp lên cuộc sống của người khác. Cái quan trọng ở đây là câu chuyện "đứt gãy" trong hệ giá trị sống. Nếu người cầm cân nảy mực làm những việc giả dối, suy vi vẫn được tôn vinh ở chỗ này chỗ khác và cái xấu, cái ác bị trừng phạt không kịp thời thì, cũng chẳng khác gì tôn vinh nó.

Hình phạt không đủ sức răn đe đương nhiên là mối quan tâm lo lắng. Quy trình để xem xét, trừng phạt cái giả, cái xấu, cái ác quá chậm. Chậm trễ trong việc trừng phạt cái ác, ở mức độ nào đó cũng chả khác gì khuyến khích nó. Tôi lấy một ví dụ, vụ án "Vườn Điều" xử đi xử lại, có thời điểm xử trắng án, nhưng vừa rồi xử lại là tử hình. Rồi có khi lại trắng án, rồi lại tử hình. Luẩn quẩn. Mà hai tình huống này, nó xa nhau một trời, một vực. Bây giờ nhiều thứ trở nên đánh đố công luận, đánh đố người dân.

Không nên "rút củi đáy nồi" mà cần sưởi ấm

Vấn đề sức ép cuộc sống, nhiều áp lực, kinh tế khó khăn, thậm chí  là mặc cảm giàu nghèo cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến phạm pháp. Mặt khác, gần đây có những vụ án mà mối quan hệ nạn nhân- hung thủ đặc biệt mật thiết như vợ chồng, anh em ruột, con cái với bố mẹ. Ông có nghĩ gì về vấn đề này?

Lâu nay người ta vẫn nhắc đến đạo đức xuống cấp. Người ta sẵn sàng tước đoạt mạng sống người khác mà không nhờ đến sự can thiệp của luật pháp, hay các thiết chế xã hội khác. Sự thờ ơ, tình trạng vô cảm giữa người với người nó đang ở giai đoạn thách thức rất lớn.

Nhiều người sẽ cắt nghĩa đấy là hậu quả trực tiếp của việc kinh thế thị trường phát triển quá nhanh. Đúng là mở cửa làm cho các mối quan hệ cơ học trở nên lỏng lẻo, tính nhân văn không còn được như trước. Nên tội ác xảy ra trong chính hạt nhân của xã hội là gia đình. Chúng ta phải giảm những hạt nhân xấu này xuống, thì xã hội mới yên. Cá nhân tôi cho rằng, tội ác trong gia đình là tội ác khủng khiếp nhất, đáng bị trừng trị để làm gương.

Là một nhà xã hội học, người hiểu rõ hơn ai hết quy luật vận động, phát triển của xã hội và ở mức độ nào đó, có thể dự đoán tương lai. Ông có dự báo gì về các vấn đề xã hội đang quan tâm trong năm 2013 này?

Thực ra xã hội học rất gần với khoa học dự báo, nhưng nói như vậy không phải là để đẩy dự báo sang lĩnh vực khác. Mà khoa học dự báo có thể nằm trong hoặc tách riêng ra. Hoặc như nghiên cứu dư luận xã hội cũng có thể trở nên chuyên biệt hơn.

Năm 2013 này, theo tôi bức tranh chung, chúng ta chưa vượt qua được những khó khăn đáng kể của từ năm trước, các vấn đề xã hội tiếp tục nảy sinh đặc biệt là an toàn xã hội (bao gồm trọn gói vấn đề an sinh...).

Bởi thế, vấn đề an sinh xã hội vẫn là trọng tâm.  Giải quyết vấn đề an sinh xã hội ra sao, sẽ phần nào phản ánh bộ mặt xã hội năm 2013. Nếu ví von, làm thế nào thì làm, chứ không phải là "rút củi dưới đáy nồi" mà vẫn phải "sưởi ấm"...

Xin cảm ơn ông!

Quang Trung(Thực hiện)

‘Kinh hoàng ở nơi tưởng không có bóng dáng tội phạm’

Thứ 3, 08/01/2013 | 09:10
Theo nhà văn trinh thám Di Li, ở đô thị, tình trạng vô cảm với đồng loại cao hơn nông thôn, ở nông thôn không như vậy. Chị báo động: tội phạm dã man, rùng rợn hiện nay không loại trừ tầng lớp trí thức. ‘Thú thật là tôi kinh hoàng quá, không dám đọc những tin tức như thế’.

Lý do của tội phạm dã man qua góc nhìn luật sư

Thứ 6, 04/01/2013 | 10:31
Gia đình nghèo, bố mẹ không hạnh phúc, bất công xã hội, tổ chức xã hội 'mang tính hình thức' là nguyên nhân sinh ra tội phạm hiện nay, theo tiến sỹ luật Trần Đình Triển.

Chiêu bắt tội phạm truy nã độc nhất vô nhị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Viết thư ngỏ kêu gọi các đối tượng bị truy nã ra đầu thú là biện pháp các cơ quan tư pháp tỉnh Hòa Bình vừa sử dụng trong việc bắt các đối tượng truy nã.

“Gia đình bỏ rơi là nguyên nhân chủ yếu của tội phạm trẻ em’

Thứ 5, 03/01/2013 | 17:51
Luật sư Trần Đình Triển: Sống mà đi ra đường bình yên, vui chơi bình yên, làm việc bình yên, đêm ngủ ngon lành thì đấy mới là một nhà nước hoàn thiện.