Tiền tỷ lãng phí để mua thất bại

Tiền tỷ lãng phí để mua thất bại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Lịch sử VLeague từng chứng kiến nhiều đội bóng phải xuống hạng vì thiếu tiền đầu tư lực lượng. Nhưng với Vicem Hải Phòng (V.HP), tiền chưa bao giờ được coi là vấn đề.

Đội bóng này vẫn thoải mái chi tiêu, thậm chí chi rất hậu để nhắm đến mục tiêu cao nhất. Song mùa giải này, những khoản tiền khổng lồ bị đầu tư sai lầm, hay nói thẳng ra là lãng phí vào hàng loạt bản hợp đồng không hiệu quả đã trở thành căn nguyên cho thất bại lịch sử của V.HP, đồng thời minh chứng cho một tư duy làm bóng đá bằng tiền bạc sai lầm và phải trả giá.

Những bản hợp đồng bạc tỷ bị bỏ xó

Mùa chuyển nhượng trước thềm V-League 2012, Vicem Hải Phòng mang về sân Lạch Tray nguyên bộ ba từng giúp Sông Lam Nghệ An đăng quang ngôi vô địch quốc gia trước đó là Kavin, Fagan (quốc tịch Jamaica) và tuyển thủ Nigieria Anshah. Một vài nguồn tin chưa được kiểm chứng thời điểm đó khẳng định, bộ ba này đã tiêu tốn của lãnh đạo V.HP số tiền xấp xỉ 15 tỷ đồng.

Số tiền rất lớn này coi như đã bị ném xuống song, xuống biển. Bởi trong khi Kavin chưa cống hiến được gì nhiều đã dính chấn thương dài hạn, Fagan thậm chí còn không thể dùng được vì trình độ quá kém cỏi. Đến giai đoạn giữa mùa, V.HP đành phải cắn răng bỏ thêm một đống tiền nữa thanh lý Kavin, nhằm thoát cảnh nuôi báo cô.

Bóng đá Quốc tế - Tiền tỷ lãng phí để mua thất bại

Các ngoại binh đã tốn của V.HP hàng chục tỷ nhưng không hề mang lại hiệu quả tương xứng (Ảnh: Minh Hoàng)

Những bản hợp đồng đầu tư bạc tỷ nhưng thất bại nặng nề của V.HP mùa giải qua không dừng lại ở đó. Hoàng Đình Tùng, ngôi sao mới nổi từ Thanh Hóa được lãnh đạo CLB trải thảm chào mời với khoản lót tay được chính cầu thủ xác nhận lên đến 6 tỷ. Nhưng sau 22 vòng đấu, Đình Tùng thậm chí còn chưa ghi nổi một bàn nào. Phong độ mờ nhạt của cựu cầu thủ Thanh Hóa là lý do giải thích tại sao, hàng công của V.HP bị đánh giá là yếu kém nhất tại V-League.

Sang đến giai đoạn hai của mùa giải, trong nỗ lực cải thiện tình hình, khoảng 3 tỷ đồng nữa được V.HP chi ra đền bù 1,5 năm hợp đồng cho Navibank Sài Gòn để lấy trung vệ Anh Tuấn. Từng là tuyển thủ quốc gia, nhưng sự có mặt của trung vệ gốc Hòa Bình cũng chẳng mang đến ấn tượng đáng kể nào. Anh đã sa sút phong độ và mấy tháng đóng vai trò trụ cột tại V.HP, anh góp phần đẩy đội bóng xuống hạng sớm trước 4 vòng đấu.

Thủ môn Đậu Ngọc Tân, một bản hợp đồng khác cũng khiến V.HP phải chi ra không ít tiền thì như đã nói ở phần trước, ngoài phong độ tệ hại, lại làm xấu thêm hình ảnh của đội bóng đất Cảng bằng vụ phản ứng trọng tài Minh Trí. Kết quả là sau scandal này, lãnh đạo V.HP đành phải trảm Ngọc Tân bằng án kỷ luật nội bộ treo giò 2 tháng, đẩy xuống tập luyện cùng đội trẻ.

Trả giá vì tư duy bóng đá sai lầm

Dùng tiền bạc mua thành công thực tế chẳng phải là điều bây giờ người ta mới thấy ở Hải Phòng. Từ mùa giải 2008, thời điểm đội bóng được chuyển giao cho Xi Măng Hải Phòng điều hành quản lý, tư duy làm bóng đá bằng cách đổ tiền, thậm chí rất nhiều tiền đã được áp dụng một cách triệt để, không chỉ riêng trong việc mua hàng loạt ngôi sao thời thượng với giá cắt cổ.

Mùa giải trước, thời điểm Hải Phòng cũng phải đối mặt cùng nguy cơ trụ hạng, bầu Thành đã trở lại và gây sốc trong dư luận với tuyên bố treo thưởng 1,5 tỷ đồng cho mỗi trận thắng ở bốn vòng đấu cuối cùng. Cộng thêm khoảng 4 tỷ nữa nếu giành quyền trụ hạng, các cầu thủ đất Cảng có thể nhận tối đa 10 tỷ - một kỷ lục. Hải Phòng đã thành công nhờ gói do-ping tiền đó, khi kịp thời giành lấy 2 trận thắng để kết thúc V-League 2011 ở vị trí thứ 12/14 đội dự giải. Nhưng cú thoát hiểm nhờ tiền ấy, vô tình đã gieo vào tư duy của những nhà quản lý ở đội bóng này một cách nghĩ hết sức sai lầm.

Đến mùa giải này, khi V.HP chơi bết bát, thầy trò HLV Lê Thụy Hải lại nhận được lời hứa về gói do-ping tiền khác cho 8 trận đấu cuối mùa. Theo đó, nếu giành chiến thắng trong cả 8 trận và trụ hạng, V.HP sẽ được lĩnh tổng cộng 8,8 tỷ đồng tiền thưởng. Rốt cuộc, khoản tiền thưởng khổng lồ ấy cũng chẳng thể cứu nổi đội bóng đất Cảng thoát khỏi cảnh xuống hạng sớm 4 vòng.

Cách tư duy bỏ tiền mua bóng đá, như thế đã thất bại thảm hại. Một chuyên gia bóng đá khi nói về điều đó đã khẳng định: “V.HP đã sai, ngay từ những bản hợp đồng rình rang của họ từ đầu mùa. Từ Fagan đến Bryan, Anshah, Đình Tùng, tất cả đều là các tiền đạo. Trong khi đó, V.HP từ chối chi tiền gia hạn với Bật Hiếu, khiến cầu thủ này ra đi đã khiến các tuyến bị mất cân bằng nghiêm trọng. Mãi đến hết giai đoạn một, V.HP mới tìm cách sửa chữa sai lầm, lại bằng cách vung tiền mua trung vệ Anh Tuấn, nhưng đã quá muộn để cứu vãn.

Tâm sự qua điện thoại, cựu HLV Trần Văn Phúc chia sẻ rằng ông đã dự báo trước thất bại của đội bóng đất Cảng. Tiền, thậm chí tiền tỷ không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tức thì. Năm ngoái, V.HP vượt qua khó khăn nhờ có nhiều cầu thủ địa phương như Trọng Nghĩa, Minh Châu, Bật Hiếu hết lòng, xiết chặt tay nhau chiến đấu.... Mùa giải này, họ mỗi người một hoàn cảnh và thế là, tư duy làm bóng đá bằng tiền bạc của lãnh đạo V.HP đã phải trả giá.

Những lời tâm sự dốc hết gan ruột của ông Phúc chẳng khác nào chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài trong hồi cáo chung của một giai đoạn làm bóng đá sặc mùi tiền bạc nhưng thiếu chiến lược sáng suốt của V.HP. Điều đáng nói là trong chiến lược sai lầm dẫn đến thất bại ấy, nhiều người chợt giật mình khi nhắc về những cầu thủ công thần gốc Hải Phòng. Họ đã ở đâu, làm gì trong sự sụp đổ nhanh đến chóng mặt của đội bóng đất Cảng?

Tài chính không phải là vấn đề của Vicem Hải Phòng, nên việc họ thực hiện kế hoạch chuyển nhượng sai lầm đã bị chỉ trích dữ dội. Mùa giải này, họ để trụ cột Bật Hiếu ra đi để lấy Văn Ngân với giá tương đương (khoản 4 tỷ). Giữa mùa giải tiền vệ Văn Hiển, người đã hết thời từ lâu cũng được “lót tay” hậu hĩnh để về… thay thế công thần Minh Châu. Trước đó, tiền vệ Đức Dương và thủ thành Quang Huy, bộ đôi từng góp công lớn vào ngôi Á quân mùa giải 2010, cũng bị V.HP thanh lý mà không hề cân nhắc. Đổi lại, họ lấy về Thanh Phúc – cầu thủ thậm chí chẳng còn nằm trong diện được trọng dụng khi Hòa Phát Hà Nội chuyển giao về cho bầu Kiên quản ly với giá đền bù lên đến 2 tỷ. Đó đều là những sự lãng phí nhân tài và tiền bạc kinh khủng.

Bảo Nguyên

Kỳ 3: Chuyện buồn về những ngôi sao bóng đá đất Cảng


Cùng chuyên mục

Dù thắng Chelsea, Pep Guardiola nói lời bực bội nhắm vào FA

Chủ nhật, 21/04/2024 | 08:55
Man City đã vượt qua Chelsea với tỷ số sát nút vào đêm qua, nhưng điều này không thực sự khiến Pep Guardiola vui vẻ.

Được Bayern theo đuổi.. nhưng Zidane hướng về M.U?

Thứ 7, 20/04/2024 | 12:27
Zidane đang được Bayern Munich xem là ỨCV số 1 để thay Tuchel, nhưng truyền thông Pháp lại chia sẻ thông tin cựu HLV Real Madrid muốn tới M.U hơn.

Foden tiết lộ lý do luôn chọn khoác áo số 47

Thứ 7, 20/04/2024 | 11:40
Phil Foden mới đây đã tiết lộ lý do đầy xúc động vì sao anh vẫn luôn trung thành với số áo 47 khi thi đấu cho Man City.

Có được vé bán kết C1, cầu thủ được cho mượn không muốn về Chelsea

Thứ 6, 19/04/2024 | 10:24
Sau khi cùng Borussia Dortmund giành được vé Bán kết Champions League mùa 2023-2024, Ian Maatsen đã tuyên bố với Chelsea rằng anh không muốn quay về.

HLV Ten Hag giận dỗi rời phòng họp báo vì bị phóng viên "hỏi đểu"

Chủ nhật, 14/04/2024 | 08:50
HLV Erik Ten Hag đã tức giận bỏ ngang buổi họp báo sau trận hòa giữa Bournemouth và M.U, tất cả vì một câu hỏi "khó" của phía phóng viên.
     
Nổi bật trong ngày

De Jong khóc nức nở, nguy cơ lỡ mất VCK Euro

Thứ 2, 22/04/2024 | 07:55
Frankie de Jong đã phải rời sân sớm ở trận El Clasico, sau một pha va chạm khá quyết liệt với Valverde bên phía Real Madrid.