Tiết kiệm, giảm béo với

Tiết kiệm, giảm béo với "ngày xưa ơi"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
– Thời gian gần đây, nhiều người có điều kiện kinh tế ở Hà Nội, TP.HCM đã bỏ xe hơi, xe máy đắt tiền chuyển sang sử dụng phương tiện "ngày xưa ơi" xe đạp, nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Điều đặc biệt hơn, với họ, "ngày xưa ơi" là phương pháp để... giảm béo.

Chán xe máy, dân văn phòng đi làm bằng xe đạp

Theo tìm hiểu của PV, xu hướng này được bắt nguồn từ trào lưu của giới trẻ Bangkok (Thái Lan). Lê Mạnh Tuấn (Hàng Cót, Hà Nội) là "tín đồ" của xe đạp, bật mí, sau sự kiện hơn 10.000 người ở Bangkok đi xe đạp xếp hình Quốc kỳ Thái Lan và diễu hành qua một số tuyến phố vào trung tuần tháng 9/2012 với các khẩu hiệu kêu gọi người dân Thái Lan sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân, giới trẻ Thái Lan đã rộ lên trào lưu đi xe đạp để bảo vệ môi trường. Làn sóng đó đã du nhập sang các nước trong khu vực.

Theo lời kể của Tuấn, rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, kể cả chủ doanh nghiệp đã từ bỏ "xế hộp", quay sang dùng xe đạp. Với họ, thay đổi một thói quen cũng không dễ dàng nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, đó cũng là một lựa chọn thông minh, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và điều đặc biệt là vận động... giảm cân.

Tuấn cho biết, phần lớn dân văn phòng chỉ mua xe đạp với giá khoảng 3-4 triệu đồng/chiếc. Những người tìm mua xe đạp, hầu hết chưa có ý định gắn bó lâu dài với bộ môn này, mua khi hứng lên, không tìm hiểu kỹ. "Dù là "ngẫu hứng", nhưng xe đạp đang thực sự "hút" dân văn phòng. Với nhiều người, suốt ngày ngồi trên ô tô đắt tiền cũng trở thành nhàm chán", Tuấn nói.

Được Tuấn giới thiệu, tôi có dịp làm quen với vợ chồng anh Lê Minh - Ngọc Hiếu hiện đang ở đường Trường Chinh (Hà Nội). Vợ chồng Minh đều là nhân viên văn phòng. Cách đây khoảng 5 tháng, vợ chồng Minh đã quyết định "quay lưng" lại với (Air Blade và Piaggio LX) chuyển sang dòng xe đạp bình dân. Chị Minh cho biết, công ty chị nằm trên phố Nguyễn Du, còn cơ quan chồng ở phố Bà Triệu. Hàng ngày, vợ chồng chị đạp xe đạp đi làm. Cuối giờ chiều, họ còn đi xe đạp 2 vòng bờ hồ Hoàn Kiếm nhằm tăng cường sức khỏe và giảm cân.

Chị Minh bảo rằng, xu hướng dân văn phòng chán xe máy chuyển sang đi xe đạp khá phổ biến. Chỉ riêng cơ quan chị cũng có đến 6 người "từ chối" đi xe máy hạng sang. Thậm chí có người nhà cách xa gần 20km vẫn đều đặn đi xe đạp dù ngày mưa hay nắng. Không chỉ riêng chị Minh, rất nhiều người vì ngồi làm việc tại văn phòng 8 tiếng/ ngày, dẫn đến béo phì nên họ thích thú với trào lưu đi xe đạp để giảm béo!

Ô tô-Xe máy - Tiết kiệm, giảm béo với 'ngày xưa ơi'

Dân văn phòng đang dần thay đổi phương tiện đi lại bằng xe đạp- ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của PV, thực chất trào lưu bỏ "xế hộp" sang xe đạp đã nhen nhóm từ vài năm trước (phong trào chơi Fixed Gear du nhập vào Sài Gòn lần đầu là năm 2010-PV), tuy nhiên đến nay Fixed Gear thật sự đang làm mưa làm gió với các "tín đồ" xe đạp thời trang. Sở dĩ giới trẻ thích thú với loại xe này bởi màu sắc nổi bật nhưng lại khá đơn giản (không có phanh).

Về mặt kết cấu, đây là loại xe có bánh răng cố định (líp chết), bánh sau cố định với bánh răng chuyển động nhờ dây sên nối với bộ răng và bàn đạp. Do vậy, chiếc xe không chạy theo quán tính như xe đạp thường mà phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng và chuyển động của chân.

Chỉ 1 năm trước đây, nguồn xe Fixed Gear ít và giá cao nên người chơi khó tiếp cận. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi phổ cập hơn với giới trẻ, dòng xe Fixed Gear đã có giá khoảng 5 triệu đồng/chiếc. Theo anh Hà (chủ cửa hàng xe đạp trên phố Huế, Hà Nội), dòng xe này đang được giới trẻ ưa thích. Với cơ cấu bàn đạp gắn liền với trục chuyển động, ban đầu người chơi Fixed Gear sẽ gặp khó khăn để làm quen với việc di chuyển và phanh xe (dùng chân). Sau thời gian làm quen, người đi sẽ dùng chiếc xe với nhiều công năng như: xe đạp du lịch (Touring), đi làm, thể thao... Khi đã "thạo" xe, người "sành" xe có thể tập một số màn biểu diễn với kết cấu đặc thù của nó. Hiện ở Hà Nội có một câu lạc bộ chơi dòng xe này - câu lạc bộ Fixed Gear Hà Nội. Fixed Gear là trào lưu được giới trẻ TP.HCM đón nhận từ 2 năm trước. Những người đầu tiên chơi dòng xe này ở Hà Nội mới được vài tháng.

Sành điệu với xe hàng "thửa"

Bên cạnh giới văn phòng chuyển sang đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe, giảm cân, nhiều người giàu lại không ngần ngại chi tiền "thửa" xe đạp theo ý muốn. Tuấn biết tường tận về thú chơi xe đạp đắt tiền của giới trẻ, bảo rằng, trào lưu bỏ "xế hộp" sang đi xe máy ở Trung Quốc mang tính "đẳng cấp". Không ít người giàu ở Trung Quốc sẵn sàng chi cả chục ngàn USD để mua một chiếc xe đạp. Những loại xe được "chuộng" ở Trung Quốc là những dòng xe sang như Moulton, Cervélo và Colnago... Có chiếc xe đạp được họ mua với giá 110.000 nhân dân tệ.

Tuấn cho biết, sau khi bị tầng lớp trung lưu Trung Quốc bỏ rơi trong cuộc chạy đua lên đời xe hơi, hãng BMV đã hồi sinh khi giới thượng lưu chán ô tô và tìm đến xe đạp hạng sang. BMW đã tung ra các mẫu xe đạp giá từ 17.000 - 55.000 nhân dân tệ (tương đương 2.700 - 8.700 USD) vào danh mục sản phẩm tại các cửa hàng phụ kiện và thời trang của hãng ở Bắc Kinh. Logo BMW bé tí xíu nằm trên khung xe (thường là màu đen) và theo lời người phát ngôn Hedy Luo của hãng, bán chạy nhất ở Trung Quốc hiện nay là mẫu BMW Cruise giá 13.000 nhân dân tệ (khoảng 2.000 USD), khung nhôm, 24 tốc độ. "Với một số người Trung Quốc, xe đạp hạng sang còn đẳng cấp hơn xe hơi, túi xách hàng hiệu hay căn hộ cao cấp, biệt thự", Tuấn khoe mẽ.

Tuấn cười: "Ở Việt Nam, giới trẻ cũng đang mua xe đạp "thửa". Những chiếc đạp có giá thành ngang với một chiếc xe máy đã không còn quá lạ lẫm. Thậm chí, cá biệt có người chơi ngông sắm xe đạp trị giá cả trăm triệu đồng. Trào lưu chơi xe đạp "thửa" đang làm khuynh đảo giới trẻ nhưng "muốt mùa" cũng không theo kịp "đẳng cấp" của dân chơi Trung Quốc".

Theo Tuấn, "chất chơi" của những tay "độ" xe trước tiên phải biết về các dòng xe. Đối với những người có chút đam mê xe sẽ tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng internet, đăng ký làm thành viên của những diễn đàn chuyên về xe đạp sau đó mới quyết định mức tiền đầu tư và đi "may áo" (lắp thêm các phụ kiện...) cho xe. Qua sự tư vấn của các thành viên có kinh nghiệm, người mua phải biết chọn xe có gióng ngang khung xe tương thích với độ dài của lưng, ghi- đông phù hợp với đôi tay, yên xe mềm mại, pê-đan đủ để bàn chân đặt lên thoải mái nhất.

"Dù chơi nghiệp dư, nhưng với những chiếc xe đạp "thửa", không ít người đã đạt được những thành tích đáng nể. Về đường dài - có người đi xuyên Việt, về tốc độ - có người đạt tới hơn 90km/h khi đổ dốc cầu bằng xe Road (xe đạp đua đường trường)", Tuấn dẫn chứng.

Tại Hà Nội, anh Dương Mạc An Tôn - chủ nhân cửa hàng Anton Bike Store (số 108 Hàng Bông, Hoàn Kiếm) là một cái tên khá nổi trong việc cung cấp xe MTB (xe đạp địa hình) theo kiểu "may áo". Anh Tôn cho biết: "Cách đây 2 năm, phong trào đạp xe nghiệp dư chưa mạnh như hiện nay. Chất lượng xe cũng như phụ tùng ở mức trung bình, ngoài ra khi hỏng hóc việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cũng rất "hiếm có, khó tìm". Nhưng đến nay, trào lưu này "rộ", nhiều cửa hàng kinh doanh chuyên cung cấp những chiếc xe chất lượng, đồng thời cũng là nơi bảo hành sửa chữa được mọc lên.

Theo lời anh Tôn, trong số 100 người chơi xe đạp nghiệp dư, có khoảng 10 người thích xe Road (chủ yếu người trung niên), 10 người thích xe BMX hoặc Trials (xe đạp nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu dành cho thanh niên), còn lại 80 người thích xe MTB, trong đó không ít người là dân văn phòng. Họ sử dụng xe như phương tiện di chuyển chính.

Được biết, những chiếc xe MTB đã được "may áo" giá "mềm" ngót nghét cũng phải từ 10 - 20 triệu đồng. Những chiếc xe này khung chủ yếu bằng nhôm, nhưng nếu sử dụng khung các -bon, đồng thời ráp thêm những chi tiết cao cấp khác, giá xe có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Hà Nội: Khuyến khích đi bộ và xe đạp điện

Cách đây không lâu, tại cuộc họp của ban An toàn giao thông thành phố, chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề nghị sở Công Thương tìm giải pháp sản xuất xe đạp điện có giá thành phù hợp để khuyến khích người dân Thủ đô sử dụng. Ông Thảo cho rằng, lưu thông trong thành phố thì đi xe máy hay xe đạp điện đều có tốc độ như nhau, hơn thế việc người dân sử dụng xe đạp điện sẽ hạn chế được ùn tắc và đảm bảo môi trường.

Giang - Thơm