Tiểu thương khốn đốn vì thông tin “táo đỏ có độc”.

Tiểu thương khốn đốn vì thông tin “táo đỏ có độc”.

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Việc cơ quan quản lý chậm đưa ra kết luận không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà chính các tiểu thương cũng phải chịu thiệt hại.

“Ngán” táo ngoại vì sợ bị đầu độc

Nhiều người cho biết đã ngán lê, táo Trung Quốc sau khi nghe thông tin người trồng táo ở nước này dùng ni-lông tẩm hóa chất bọc táo ngay từ khi táo kết quả cho đến khi chín đỏ, giòn tan.

Những ngày gần đây, báo chí Trung Quốc đưa tin, táo trồng ở Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông của nước này có thể đã bị nhiễm độc vì người trồng dùng túi nylon có hóa chất bọc trái cho đến khi trái táo chín. Giống táo Phú Sĩ của Yên Đài, nổi tiếng với trái to, tròn, đỏ, ngọt, giòn, được bán khắp Trung Quốc. Thông tin trên đã “thổi bùng” “ngọn lửa” lo lắng trong người tiêu dùng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia “hàng xóm”, đặc biệt là Việt Nam, vốn nhập rất nhiều táo Trung Quốc.

Xã hội - Tiểu thương khốn đốn vì thông tin “táo đỏ có độc”.

Ảnh minh họa

Khảo sát ở nhiều khu chợ lớn tại Hà Nội, người dân tỏ ra kinh hãi khi biết thông tin trên. Tẩy chay táo, bỏ qua món tráng miệng khoái khẩu là cách “tự vệ” của nhiều người tiêu dùng. Thậm chí, không chỉ táo mà nhiều loại rau, hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng bị loại ra khỏi thực đơn hàng ngày. Cô Lê Vân Anh (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có nghe dư luận nói về táo, lê Trung Quốc có thuốc trừ sâu rất độc, gây ung thư. Trong lúc có kết quả từ cơ quan chức năng thì tôi cũng “tạm dừng” không mua các loại hoa quả này nữa. Vì tốt hơn hết là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

“Nói không với táo đỏ” là tâm lý phổ biến của nhiều người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại. Chị Trần Thu Hồng (Trường Chinh, Hà Nội) cho biết không dám mua táo Trung Quốc từ ngày nghe loan tin. Chị Hồng nói: “Hai đứa nhỏ nhà tôi rất thích ăn táo nhưng giờ có thông tin như thế, các con có đòi thì tôi cũng đành chịu. Tôi oải với đồ Trung Quốc rồi, nhưng đồ Trung Quốc lại tràn lan, không đi đâu mà tránh được. Cái gì biết thì né thôi”.

Hệ lụy từ việc người tiêu dùng quay lưng với táo đã khiến chủ các hàng hoa quả khóc dở, mếu dở. Lượn qua một vòng các chợ khu vực quận Cầu Giấy, PV ghi nhận không thấy “bóng dáng” một quả táo đỏ nào. Trao đổi với PV Người đưa tin, một tiểu thương chia sẻ: “Từ lúc “rộ” lên tin đồn táo nhiễm độc chẳng còn ai hỏi mua táo đỏ nữa. Người ta buôn thì tôi mua lại để bán chứ có biết quả nào độc để mà tránh đâu. Từ giờ chắc chỉ buôn bán cầm chừng thôi, chứ lấy hàng nhiều rồi thỉnh thoảng lại có một “vố” thế này thì tôi “sạch vốn” đi buôn”.

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết: “Tôi đã sang hỏi các nhà sản xuất ở Trung Quốc và được biết, họ tìm nguyên nhân các loại rau quả hỏng là do một loại nấm. Cho nên họ dùng giấy bọc tẩm ben-rát, hoặc một loại a-xít và mấy loại hóa chất mà Việt Nam mình cũng cho phép và nhiều nước cho phép. Nếu ăn hoa quả này, bóc tờ giấy đi rửa thật sạch thì không vấn đề gì. Nhưng người dân mình lại bóc ra ăn ngay, hoặc bọc trong túi ni-lon khiến hóa chất không thoát ra ngoài mà thẩm thấu vào trong hoa quả nên khi ăn có thể bị đau bụng. Nhưng nay lại nói rau quả giữ tươi bằng “chất ướp xác” thì phải kiểm tra và cảnh giác cao hơn”.

Trao đổi với Người đưa tin, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng, nếu có bọc túi nilon thì quãng đường vẫn chuyển từ Tân Thanh về Hà Nội cũng đã đủ để khiến hoa quả thối, hỏng vì sức nóng trong thùng xốp. Đó là chưa kể quãng thời gian trước đó dành cho việc hái quả, vận chuyển từ vườn ra chợ đầu mối, rồi lại tiếp tục vận chuyển qua biên giới để về Việt Nam. Thế nhưng, điều lạ lùng là hoa quả vẫn giữ được độ căng mọng, đẹp mắt. “Chỉ cần quan sát bằng mắt thường và suy luận một chút cũng có thể thấy đây là những loại quả “không bình thường”, TS Khải nói.

Quản lý lỏng, thực phẩm “bẩn” dễ “lọt lưới”

Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kết quả phân tích 40 mẫu táo đỏ Trung Quốc cho thấy, một số mẫu có phát hiện hai hóa chất độc hại là Thiram- một loại thuốc diệt nấm và arsen- thạch tín, nhưng hàm lượng rất thấp và nằm trong ngưỡng cho phép. Các mẫu táo này được lấy ở các chợ đầu mối trên thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, được phân tích tại 2 Trung tâm kiểm nghiệm của Cục Bảo vệ thực vật.

Theo đó, có 39/40 mẫu không phát hiện thấy chất Thiram; một mẫu có chứa chất này nhưng hàm lượng chỉ 0,08 ppm, trong khi hàm lượng tối đa cho phép của Bộ Y tế là 2 ppm, nên vẫn an toàn. Tương tự, kết quả phân tích cũng phát hiện 15/40 mẫu có chứa chất Arsen, nhưng hàm lượng thấp, trong khoảng 0,02-0,11 ppm, trong khi hàm lượng tối đa cho phép là 1 ppm.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, táo là loại quả có nguy cơ mất an toàn cao, vì thời gian trên cây lâu, nên cơ quan kiểm dịch thực vật rất quan tâm đến loại quả này. “Táo Trung Quốc thường ra hoa từ tháng 3, nhưng tới tháng 8, 9 mới thu hoạch, nên khả năng bị các loại nấm, sâu bệnh tấn công rất lớn. Do vậy, khi mua táo cần chọn kỹ, rửa sạch, hoặc gọt vỏ trước khi ăn”, ông Hồng nói.

Trao đổi với Người đưa tin, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú lo ngại, ngay chính bản thân ông cũng tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của các sản phẩm được bày bán trong siêu thị trong đó có táo đỏ. “Tất cả đều có hợp đồng từ các cơ sở có tên tuổi, có thương hiệu nhưng việc sử dụng các chất phụ gia thế nào thì siêu thị không biết được. Điều này chỉ có nhà cung cấp mới biết. Nhưng có khi chính bản thân người sản xuất cũng không biết rõ tác hại của các chất có trong sản phẩm của mình”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, cách quản lý hiện nay sẽ không đem lại hiệu quả và nó cũng chứng tỏ “các nhà quản lý chưa quan tâm, đầu tư đủ”. “Thử đặt câu hỏi, qua rất nhiều khâu kiểm duyệt, tại sao “sản phẩm bẩn” vẫn được tuồn vào Việt Nam ồ ạt như vậy?. Từ lợn siêu nạc, thuốc cam nhiễm chì, ô mai bẩn, giờ lại thêm táo sử dụng “chất ướp xác” cơ quan kiểm định ở đâu mà vẫn để vấn nạn này “tác oai tác quái”?. Thỉnh thoảng lại thấy báo đài nói về thịt thối, rau bẩn người dân nghe mà “giật mình thon thót”. Quyền lợi người tiêu dùng đang bị “phó mặc” và vi phạm một cách “khủng khiếp”. Điều này khiến người dân hoang mang. Theo tôi, cần phải thay đổi và cải tiến gấp cách quản lý hiện nay để tránh mất lòng tin từ phía người dân”, ông Phú bức xúc.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thẳng thắn: “Các cơ quan chức năng không nên chờ có thông tin từ báo chí mới rục rịch đi kiểm tra. Việc này đáng lẽ cần phải làm trước, nhất là các mặt hàng ăn uống, dịch vụ ảnh hưởng đến sinh mạng người dân”. Ông Phú phân tích: “Hiện giờ, cơ quan chức năng vừa không có người, vừa không có kĩ thuật, lại không có nguồn thu nên chỉ chạy theo các sự việc báo chí “khui” ra. Với cách làm này thì cơ quan chức năng sẽ luôn bị động và chỉ quản lý được phần ngọn vì cứ chạy theo hết sự việc này đến sự việc khác”.

Được biết, hiện, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 120 nghìn tấn táo từ Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh) và cảng TP HCM.

Sử dụng sai liều lượng sẽ thành... giết người

Những lo ngại của người dân không phải là không có cơ sở. Nhận xét về công nghệ bọc táo từ khi còn non ở trên cây đến khi thu hoạch ở Trung Quốc, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Công nghệ bọc kín quả khi quả còn non ở trên cây để tránh sâu bệnh (bằng màng phủ trên bề mặt, bằng các loại chất dẻo) là một trong những công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản này sẽ không gây độc hại cho người nếu được nghiên cứu và kiểm duyệt quy trình chặt chẽ. Có những thuốc bảo vệ thực vật được các cơ quan chức năng cho phép, khi sử dụng đúng liều lượng và không ngấm sâu vào quả mà chỉ bảo vệ bề ngoài, trước khi ăn ngâm rửa và gọt vỏ thì sẽ không độc”.

Anh Văn – Xuân Thanh