“Tiểu thuyết ngôn tình là sách xám ám tâm hồn”

“Tiểu thuyết ngôn tình là sách xám ám tâm hồn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trước trào lưu nhiều người đua nhau tìm đọc và chìm đắm với các nhân vật trong loại truyện ngôn tình của Trung quốc, dư luận tỏ ra lo ngại cho thị hiếu cảm thụ và văn hóa đọc của một bộ phận độc giả trẻ Việt Nam.

Khoảng 3 năm trở lại đây, truyện ngôn tình của các tác giả Trung Quốc đã có mặt và áp đảo thị trường sách ở các thành phố lớn. Chị nhận xét gì trước thực trạng này?

Có thể thấy tiểu thuyết ngôn tình chưa phải là sách đen, nhưng cũng là sách xám. Trước tiên, sách ngôn tình dạy người trẻ sống lãng mạn, lên án lối sống thực dụng kim tiền. Sách ngôn tình khiến giới trẻ mơ mộng và tự kỷ trong thế giới của mình. Cái được thật ít ỏi, cái không được thì bộn bề đến ái ngại. Quý tình cảm, tình yêu là rất tốt nhưng tiểu thuyết ngôn tình cũng tạo ra ảo giác về cuộc sống, về tình cảm.

Khi mơ về những hình mẫu không có thực, người đọc trẻ dễ ở hai trạng huống. Hoặc thi vị hóa hoặc tẩy chay niềm yêu tin. Một là lý tưởng hóa một người bình thường, một tình cảm vốn bình thường để hy sinh quên mình (và quên cả cha mẹ) và hai là chán thực tại, vì trong đời không có ai như mẫu hình đã ăn vào tâm trí.

Xã hội - “Tiểu thuyết ngôn tình là sách xám ám tâm hồn”

Nhà thơ, cô giáo Nguyễn Kim Anh.

Trong trường hợp thứ nhất, có nữ sinh thấy mình đang có người yêu lý tưởng nhất đời và cho rằng mình cần đền đáp và dâng hiến ngay vì người yêu tuyệt vời ấy đáng được hưởng. Thực ra, bạn gái trẻ đã đem tình cảm trong sáng với những ý nghĩa tự gán để dâng tặng cho một chàng trai bình thường. Trong khi, có thể bạn trai này lại coi đó là một cuộc vui, một bữa quá chén tình cảm mà thôi.

Trường hợp thứ hai, đau khổ uất ức, sống khép kín vì bạn trẻ thấy không có ai xứng đáng với mình và tình cảm của mình nên chán yêu, coi thường bạn bè trong cuộc sống. Thấy ai cũng tầm thường vớ vẩn, không bằng những nhân vật trong trang sách đã cai trị hồn mình.

Và tệ hơn và đáng báo động hơn cả những trang sách ngôn tình gợi dục. Vì nội dung sách đã thôi thúc người trẻ thả những ham muốn của một cơ thể bừng dậy thì vào những ý nghĩa tình cảm trai gái. Họ thất thân, tự rẻ rúng mình một cách lãng xẹt nhưng lại tưởng là lãng mạn.

Theo chị, lý do để giới trẻ, nhất là chị em phụ nữ nghiện ngôn tình?

Cuộc sống hiện đại nhiều thử thách, nhiều căng thẳng và áp lực nên những câu chuyện tình ru ngủ giấc mơ lãng mạn cũng khá cần. Cần như người bị khô họng muốn uống nước đá vậy. Chỉ có điều nước đá mát tại chỗ xong thì họng hỏng hẳn luôn. Câu chuyện về một tình yêu qua e -mail hay đến mức làm người lớn đọc còn lo kiểm đếm tình cảm của mình. Tự dưng thì nhận ra chồng không lãng mạn như nhân vật trong tác phẩm thế nên những cơn ngoại tình trong tư tưởng đã bắt đầu lúc nào không hay.

Những người chồng ra ngoài làm ăn, bận bịu nhiều, các bà vợ ít nhiều phải ngóng trông, chán nản. Và không một ông chồng nào theo được nhân vật trong tâm trí bà vợ. Nếu muốn hòa đồng tức là muốn chồng đọc sách để tự điều chỉnh ư? Một mong ước viển vông! Người đàn ông đang lo gánh gia đình sẽ vứt loại sách lẩn thẩn của vợ không thương tiếc, bất chấp anh ta (hay ông ta) bỗng càng sụp đổ trong tâm hồn người vợ nghiện đọc tiểu thuyết... ru tình ảo.

Là người hoạt động trong ngành giáo dục, là Hội viên Hội Văn học TP. Hà Nội, theo chị, chúng ta cần có biện pháp gì, nhất là trách nhiệm của giới sáng tác trước bạn đọc và xã hội?

Theo ý kiến cá nhân của tôi, trước hết gia đình và nhà trường phải quan tâm hơn đến con em và học trò. Trước đây, mong con ngồi đọc sách, thấy con em cầm sách là vui. Thậm chí có người từng nghĩ, học sinh cứ đọc sách sẽ học giỏi văn và biết cư xử. Thì nay, khi có sự xâm thực của tiểu thuyết ngôn tình, chúng ta không thể chủ quan mà cần cảnh giác.

Phụ huynh phải xem con đọc gì để còn điều chỉnh, định hướng. Khi tâm sự, phụ huynh cũng cần cho con biết các nhân vật kia không đại diện cho lý tưởng, không có thực nên nếu con suy nghĩ bám dựa vào đó sẽ ngã, sẽ vấp mà vết thương của sự cố lại đau thực.

Về phía nhà trường, nên tổ chức tốt một thư viện có nhiều sách tốt và định hướng cho việc đọc sách. Năm học 2012-12013 này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có sáng kiến về Tiết học thư viện để cuốn học trò vào văn hóa đọc là rất đúng đắn và hữu ích.

Về sáng tác, tôi nghĩ rằng cần có sách Việt hấp dẫn cho các độc giả trẻ tìm đọc. Đó là chống bằng xây. Nếu có nhiều truyện của ta hay thì giới trẻ không phải ngâm tâm trí vào truyện tình nông vội từ Trung Quốc. Về phía các nhà xuất bản, mong sao thay vì chạy theo lợi nhuận cũng nên có những đặt hàng, đầu tư cho sáng tác cụ thể với tác giả văn học nổi tiếng trong nước.

Kết nối giữa đoán nhận thị hiếu và khéo léo định hướng tình cảm cũng như cách sống, cách yêu cho các bạn trẻ là vô cùng cần thiết. ở ta, khi thì kêu gọi lý tưởng cứng nhắc quá, lúc lại bỏ trống cả một thị trường sách của bạn đọc trẻ.

Nếu hỏi sách gối đầu giường của bạn trẻ quý sách là gì? Xem ra, khó có câu trả lời từ sách Việt.

Cám ơn chị!

Minh Hương (thực hiện)

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.