Tín hiệu tốt khi công chức trẻ 'trong chán, ngoài thèm'?

Tín hiệu tốt khi công chức trẻ 'trong chán, ngoài thèm'?

Thứ 6, 05/04/2013 | 15:53
0
Theo báo cáo về tình hình thanh niên năm 2012 mà viện Nghiên cứu Thanh niên vừa công bố thì có tới khoảng 50% thanh niên đã là công chức cho rằng môi trường làm việc không phù hợp, thiếu động lực phát triển và họ muốn chuyển từ cơ quan Nhà nước sang khu vực ngoài.

Đó chỉ là mong muốn

Hiện tượng những công chức trẻ bỏ ra ngoài làm việc không phải là chuyện bây giờ mới nói. Tuy nhiên nếu như đúng với con số mà viện Nghiên cứu Thanh niên công bố thì dư luận có quyền đặt câu hỏi về thực trạng quản lí công chức trẻ hiện nay. Bởi như phát biểu của Vụ trưởng vụ Công tác thanh niên (bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh với báo giới thì hiện nay không ít công chức trẻ đang thiếu hẳn nhiệt tình, làm việc lại thiếu năng động mà chủ yếu theo kiểu "đu và đứng". Nghĩa là họ phấn đấu bằng được để vào công chức, sau đó yên vị mà không phấn đấu gì trong công việc.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về con số khoảng 50% công chức trẻ muốn ra ngoài làm, ông Văn Tất Thu - Thứ trưởng bộ Nội vụ cho biết: "Hiện tại, chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng những công chức muốn bỏ việc ra ngoài làm. Vì thế con số này chưa chính xác. Bởi vì muốn đánh giá đúng tình hình, chúng ta phải dựa trên những điều tra xã hội học một cách nghiêm ngặt chứ không thể nói một cách chung chung như vậy được. Chúng ta phải xác định con số 50% đó là như thế nào bởi thực tế số thanh niên trẻ vào công chức không nhiều. Chúng ta phải đưa ra được trong tổng số công chức Nhà nước hiện nay có bao nhiêu công chức trẻ. Sau đó chúng ta mới tính đến con số 50% trong tổng số sông chức trẻ đó".

Tuy nhiên ông Thu cũng không phủ nhận thực trạng hiện nay có một bộ phận công chức không hài lòng với công việc của mình và có tâm lí muốn ra đi. Ông cho hay: "Tâm lí muốn ra ngoài của một bộ phận công chức đã được báo chí nói tới nhiều như lương thấp, môi trường làm việc không phù hợp, không có khả năng thăng tiến, điều kiện làm việc không được năng động... Và đây cũng là tâm lí chung của nhiều công chức chứ không riêng gì công chức trẻ".

Xã hội - Tín hiệu tốt khi công chức trẻ 'trong chán, ngoài thèm'?

Khoảng một nửa số thanh niên được hỏi muốn làm công chức Nhà nước (Ảnh minh họa)

Trong khi đó ông Trần Huy Sáng - giám đốc sở Nội vụ Hà Nội cũng đồng ý với quan điểm cần phải có số liệu chi tiết hơn khi đánh giá về con số 50% công chức trẻ muốn ra ngoài làm. Ông cho biết: "Để nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ chúng ta phải xem số liệu thống kê trên khảo sát ở lĩnh vực nào, ở địa phương nào và ở cụ thể từng bộ phận công chức nào. Có như vậy chúng ta mới có thể đánh giá đúng tình hình về tâm lí muốn ra ngoài của công chức hiện nay".

Tuy nhiên những công chức trẻ đang ngày càng muốn chuyển sang làm việc bên ngoài là một thực tế không thể phủ nhận. TS Ngô Thành Can, phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (học viện Hành chính Quốc gia) cho biết: "Các bạn công chức trẻ ngay khi mới vào làm thường mang trong mình cái nhiệt huyết rất lớn, mong muốn được cống hiến, được làm việc, được đóng góp và thử sức. Nhưng khi vào làm việc thì cũng có nhiều người cảm thấy thất vọng. Một phần vì môi trường làm việc ở các cơ quan Nhà nước chặt chẽ và thường ít năng động, phần vì sự ủng hộ đối với lớp trẻ chưa cao bởi vậy mà lương bổng và việc bổ nhiệm cán bộ trẻ chưa hợp lý”.

Ví dụ như hai người cùng làm một công việc như nhau, nhưng người có thâm niên sẽ được hưởng mức lương rất cao, trong khi đó người mới vào sẽ thấp vì ngạch bậc, thâm niên công tác. Một số cơ quan Nhà nước vẫn khó chấp nhận những cán bộ trẻ được bổ nhiệm chức vụ cao bởi có xét thì xét những người đã cống hiến nhiều năm, tất nhiên cũng có những cán bộ trẻ được đề bạt nhưng con số này rất ít.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Thực ra việc chọn một công việc như thế nào phụ thuộc vào đặc điểm, nguyện vọng và hoàn cảnh của mỗi người. Nếu như nhiều bạn trẻ chê làm ở các cơ quan Nhà nước như con số mà viện Nghiên cứu Thanh niên đưa ra cũng là một tín hiệu lành mạnh, đáng mừng. Nói như vậy không có nghĩa là làm việc trong môi trường Nhà nước không tốt, không có cơ hội để trổ tài mà tín hiệu ở đây là các bạn trẻ đã xác định được năng lực, sở trường, sở thích của mình phù hợp với công việc gì, môi trường nào”.

Đất nước mỗi ngày một phát triển, kinh tế xã hội đa dạng, nhiều thành phần kinh tế. Bởi vậy người lao động dù làm việc ở môi trường ngoài vẫn có những chế độ, đãi ngộ và cơ hội thăng tiến bình thường, thậm chí còn năng động hơn môi trường Nhà nước. Xã hội phát triển như vậy là đúng qui luật, mỗi cá nhân phải chọn môi trường làm việc phù hợp với khả năng, sở trường và nguyện vọng của mình. Có như vậy mới phát huy hết khả năng, đam mê và lòng nhiệt huyết của mình. Nhưng làm việc trong hay ngoài Nhà nước điều đó không quan trọng miễn là cống hiến được gì cho xã hội, cho đất nước và đừng ngồi nhầm ghế. Sợ nhất tư tưởng cố gắng ghi danh bằng được vào làm công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" thì cuộc đời thật buồn tẻ hoặc chỉ để dựa vào việc bán chữ ký để lấy tiền thì còn tệ hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Chuyện này cũng bình thường như ngồi trên thuyền, ai giỏi mà thấy thuyền đi chậm thì cho thuyền bơi nhanh. Còn không giỏi thì chấp nhận không thể nhảy xuống nước mà bơi được. Vấn đề là mình phải thay đổi cách tuyển chọn công chức Nhà nước, làm sao tuyển được những người giỏi, người có tâm và tạo điều kiện cho người ta thăng tiến, cải thiện đồng lương. Nếu con số tương đối mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khoảng 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” được nhiều người cho là đúng thì cần phải giảm số công chức dư thừa để lấy số tiền lương của những người này tăng cho người khác. Bản thân tôi cũng tiếp xúc với nhiều cơ quan và thấy rằng có cơ quan giảm một nửa đi vẫn không ảnh hưởng gì và tăng lương gấp đôi cho những người còn lại, như thế những người ở lại sẽ làm việc tốt hơn. Việc quan trọng chúng ta phải rà soát lại để loại bỏ những cán bộ dư thừa tạo điều kiện cho những người làm việc thật sự và có năng lực, người có tâm được cống hiến phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước".

Cần cuộc cách mạng quản lý công chức

 "Cần phải có một cuộc cách mạng, thay đổi toàn diện trong quản lí công chức. Việc sắp xếp cán bộ công chức ở vị trí nào phải đáp ứng được tiêu chuẩn phù hợp ở vị trí đó và sẽ hưởng lương, chế độ theo đúng vị trí được phân công. Và nếu đạt được thành tích nhất định sẽ được thăng tiến chứ không theo thâm niên. Bên cạnh đó vấn đề lương bổng và phân bổ công việc cũng cần được quan tâm hơn nữa", TS. Ngô Thành Can, phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) nói.

Phạm Thiệu - Thiên Vũ

'Cười ra nước mắt' với nhật ký một công chức

Thứ 6, 05/04/2013 | 08:56
Đoạn ghi chú về công việc trong ngày của một nhân viên công chức đang nhận được sự quan tâm của cư dân mạng.

Sẽ thi công chức bằng hình thức trắc nghiệm

Thứ 2, 25/03/2013 | 16:33
Mới đây Bộ Nội vụ khẳng định sẽ áp dụng thi tuyển công chức bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Cơ quan này cho hay, việc thi tuyển như vậy sẽ góp phần công khai, minh bạch cho công tác thi tuyển.

1/2 công chức trẻ đang muốn bỏ nghề

Thứ 5, 21/03/2013 | 16:06
Nghiệp công chức vẫn được số đông thanh niên lựa chọn, song lại có tới 1/2 công chức trẻ đang muốn bỏ nghề.

Tuyển công chức trong giáo dục còn rất nhiều bất cập

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:33
Liên quan đến việc chủ tịch tỉnh Yên Bái có cuộc đối thoại trực tiếp với hơn hai trăm giáo viên nhằm giải quyết hậu quả sai phạm trong thi tuyển công chức, viên chức tại huyện Yên Bình gây sự chú ý của dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Văn Như Cương, người đã có nhiều năm công tác và nghiên cứu trong ngành giáo dục.