Đây là lý do phim cổ trang Việt nhận 'gạch' và...'chết'

Đây là lý do phim cổ trang Việt nhận 'gạch' và...'chết'

Thứ 2, 24/10/2016 | 13:46
0
Đề tài cổ trang hiện là mảnh đất khá hứa hẹn với các nhà làm phim Việt. Thế nhưng mỗi khi có phim “trình làng”, chúng lại gây ra những tranh cãi ồn ào mà đa phần trong đó là những lời chỉ trích.

Một thực tế đang xảy ra với phim cổ trang Việt hiện nay là dù được đầu tư khá lớn về kinh phí cũng như quy mô nhưng đa phần các bộ phim vẫn phải nhận những lời phàn nàn từ kịch bản, diễn xuất, hậu kỳ ... Đây được coi là nguyên nhân quan trọng khiến cho một số bộ phim đã “chết” ngay sau khi mới ra rạp.

Nếu nhìn vào tổng danh sách khoảng hơn 60 bộ phim cổ trang mà điện ảnh nước nhà thực hiện được (tức là những bộ phim lấy bối cảnh từ thời Pháp thuộc đổ về trước) chúng ta sẽ thấy có nhiều phim đã nhận được một số giải thưởng điện ảnh cao quý. Tuy nhiên chưa một bộ phim nào trong số đó được trao giải thưởng kịch bản xuất sắc. Nói như vậy để thấy, kịch bản phim cổ trang của chúng ta vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.

Bộ phim Mỹ nhân (ra mắt năm 2015 và được đầu tư kinh phí lên tới 16 tỉ đồng) nói về cuộc chiến của hai người phụ nữ trong cung (giai đoạn Trịnh – Nguyễn) để tranh giành sự sủng ái của nhà vua. Tuy nhiên khi ra mắt, bộ phim đã bị khán giả chê lên chê xuống vì câu chuyện lan man rời rạc, chi tiết thiếu thuyết phục. Doanh thu 500 triệu của bộ phim đã nói lên tất cả sự thất bại của nó.

Phim ảnh - Đây là lý do phim cổ trang Việt nhận 'gạch' và...'chết'

Những hình ảnh trong bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long từng gây tranh cãi vì giống phim Trung Quốc.

Trong khi đó, bộ phim Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, ra mắt năm 2013) thực sự gây ấn tượng mạnh với khán giả vì doanh thu phòng vé lên tới hơn 50 tỉ đồng. Phim nói về số phận éo le của 4 cô kỹ nữ kiêm sát thủ ở Đường Sơn quán. Phần đầu bộ phim, đạo diễn đã làm rất tốt công việc của mình, nhưng càng về sau, phim càng tỏ ra nhạt nhòa khi không đẩy các tình huống lên được cao trào, không đi sâu vào nội tâm, những bí mật của các nhân vật vốn là điều có thể khai thác được lại bị phơi bày ra rất giản đơn. Kịch bản phim được cho là có quá nhiều tình tiết phi lý và diễn biến xung đột cũng bị chắp vá rất nghiệp dư.

Bộ phim cổ trang đình đám thời quan qua là Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng nhận phải "gạch đá" khi kịch bản bị cho là quá dễ dãi. Khán giả có thể dễ dàng đoán được diễn biến phim, tình tiết không có điểm nhấn, càng về cuối mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim.

Thậm chí ngay cả phim được đánh giá rất cao là Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, ra mắt năm 2010) cũng nhận phải sự phàn nàn khi cố nhồi nhét quá nhiều sự kiện khiến bộ phim mất đi điểm nhấn và sa đà vào bài giảng lịch sử. Bộ phim bị nhiều người chê là đặt nặng yếu tố văn hóa, lịch sử cao hơn yếu tố điện ảnh - một yếu tố quan trọng nhất của bộ phim.

Phim ảnh - Đây là lý do phim cổ trang Việt nhận 'gạch' và...'chết' (Hình 2).

 Cảnh phim trong Long thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn.

Mặc dù nhiều bộ phim bị chê ở khâu kịch bản như vậy nhưng khi trao đổi với PV báo Người đưa tin, đạo diễn Ngô Quang Hải (đạo diễn bộ phim Chuyện của Pao) lại cho rằng: “Tôi không tin Việt Nam lại thiếu kịch bản hay bởi nước ta có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với rất nhiều sự kiện, vấn đề hấp dẫn. Việc tìm kiếm những kịch bản hay không phải là điều khó khăn”.

Thế nhưng trước câu hỏi tại sao nhiều kịch bản phim vẫn chị chê và nội dung phim không hấp dẫn như phim Trung Quốc, Hàn Quốc, đại diễn này cho rằng: "Tôi nghĩ có thể do chúng ta thiếu ê kíp làm phim chuyên nghiệp, chưa có những nghiên cứu sâu về bối cảnh văn hóa thời đại... dẫn tới việc diễn xuất của diễn viên chưa đạt, lời thoại sống sượng, thiếu tự nhiên... Lịch sử là những giá trị đã được xác định trong khi phim cổ trang cần có nhiều yếu tố khác nữa, không chỉ là yếu tố lịch sử mà điều quan trọng nhất chính là yếu tố điện ảnh.

Vấn đề của chúng ta là pha trộn làm sao để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đảm bảo logic lịch sử. Nhưng hiện tại chúng ta có quá ít người có kinh nghiệm làm về đề tài này. Với một thể loại phim yêu cầu cao như cổ trang, chỉ cần sơ xẩy ở một khâu nào đó đều có thể khiến bộ phim thất bại”.

P. Thiệu - N. Thắm