Điều gì đã tạo nên sức hút cho ca khúc 'Kiều', 'Chí Phèo'?

Điều gì đã tạo nên sức hút cho ca khúc 'Kiều', 'Chí Phèo'?

Thứ 6, 06/01/2017 | 18:01
0
Sự phổ biến hình ảnh, thông tin, nội dung của ca khúc khi lấy chất liệu sáng tác từ những nhân vật văn học sẽ tiếp cận khán giả dễ dàng hơn. Người nghe dễ đồng cảm và đón nhận hơn.

Thời gian qua, chương trình Sing My Song liên tục xuất hiện những ca khúc được các thí sinh lấy cảm hứng từ những nhân vật văn học nổi tiếng. Không chỉ tạo bất ngờ cho người nghe, những ca khúc này đều được ban giám khảo đánh giá rất cao về chất lượng.

Trường hợp tiêu biểu có thể kể đến là bài hát Kiều do thí sinh Cao Bá Hưng thể hiện. Tất cả thành viên ban giám khảo cùng khán giả truyền hình đều thích thú với ca khúc vừa mang âm hưởng dân tộc, vừa mang tính hiện đại này. Đây cũng được coi là góc nhìn riêng biệt của một người sáng tác trẻ về tác phẩm vĩ đại của đại thi hào Nguyễn Du.

Một ca khúc gây ấn tượng không kém chính là Chí Phèo được sáng tác và trình bày bởi thí sinh Bùi Công Nam. Ca khúc lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu của hai nhân vật Chí Phèo - Thị  Nở trong tác phẩm kinh điển Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Ca khúc tươi vui, mang phong cách âm nhạc đồng quê kết hợp với cách trình diễn duyên dáng của thí sinh đã chinh phục tất cả các thành viên bán giám khảo.

Trong khi việc đưa yếu tố truyền thống vào âm nhạc hiện đại vốn không hề đơn giản và không phải nhạc sĩ nào cũng dám thử sức thì nhiều người sáng tác trẻ hiện nay lại tỏ khá hào hứng. Thành công của một số bài hát lấy chất liệu từ nhân vật văn học tại chương trình Sing My Song là một ví dụ.

Nhiều người đặt câu hỏi, việc sử dụng chất liệu văn học vào trong sáng tác âm nhạc hiện đại có ảnh hưởng thế nào tới thành công của ca khúc? Dưới đây là chia sẻ của một số nhạc sĩ  với PV báo Người đưa tin về vấn đề này.

Âm nhạc - Điều gì đã tạo nên sức hút cho ca khúc 'Kiều', 'Chí Phèo'?

 Bùi Công Nam gây "bão" với bài hát Chì Phèo

Nhạc sĩ Thụy Kha: Cũ mà mới

Thưa nhạc sĩ, ông nghĩ sao về việc nhiều ca khúc âm nhạc hiện nay được lấy cảm hứng từ nhân vật văn học?

Điều này không mới. Nhạc sĩ Văn Cao từng sáng tác Trương Chi, Thiên Thai. Nhạc sĩ Đức Minh từng có một vở opera về truyện Thạch Sanh. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có tác phẩm Trầu cau ... Đây là sự tiếp nối, phát triển từ truyền thống âm nhạc mà thôi. Tuy nhiên điểm mới của nó là mang âm hưởng hiện đại nên ca khúc giờ khó nghe hơn, âm điệu trúc trắc hơn. Người sáng tác trẻ có hứng thú với cách tiếp cận như vậy thì thực sự rất đáng hoan nghênh.

Vậy sử dụng chất liệu văn học vào các tác phẩm âm nhạc hiện đại có phù hợp không, thưa ông?

Tôi thấy có nhiều điểm phù hợp. Những nhân vật văn học nổi tiếng vốn được xây dựng rất cá tính, không đi theo một khuôn mẫu nào cả. Người sáng tác trẻ hiện nay cũng vậy mà chất liệu âm nhạc đương đại cũng thế. Tôi nghĩ điểm tương đồng ở đây là sự phá cách nên tưởng không hợp mà lại rất hợp.

Theo ông, việc lựa chọn những nhân vật văn học nổi tiếng quyết định thế nào tới sự thành công của ca khúc?

Đúng là nó có ít nhiều lợi thế. Chẳng hạn như độ phổ biến hình ảnh, thông tin, nội dung của tác phẩm sẽ tiếp cận khán giả dễ dàng hơn. Người nghe dễ đồng cảm và đón nhận hơn. Tuy nhiên mấu chốt nằm ở chất lượng tác phẩm âm nhạc đó. Nếu bài hát không hay thì Thúy Kiều hay Chí Phèo cũng không thể giúp ca khúc thành công. Bởi lẽ, đó chỉ là phương tiện để người nhạc sĩ truyền đạt nội dung, tư tưởng, cảm xúc. Và chính điều đó làm nên thành công của tác phẩm chứ không phải nhờ vào một nhân vật văn học nổi tiếng.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thiệu