Tình cảm

Tình cảm "lạ thường" của Nữ hoàng Anh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Nữ hoàng Victoria của Anh quốc được biết đến như một vị nữ hoàng có thời gian trị vì lâu nhất nước Anh. Gần đây tại Ấn Độ xuất bản cuốn nhật ký của người hầu than cận của Nữ hoàng Abdul Karim. Điều đặc biệt nhất người ta đọc được trong cuốn nhật ký này chính là mối quan hệ vượt mức cần thiết giữa chủ nhân và đầy tớ.

Trước đó, người ta cũng tìm thấy lá thư của Victoria viết để bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của Hạ nghị sỹ John Brown- một người bạn trung thành đặc biệt của bà.

Người bạn đặc biệt – Jonh Brown

Nữ hoàng Victoria là nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ailen từ 20 tháng 7, 1837 và là Nữ vương Ấn Độ đầu tiên của Chế độ Anh từ 1 tháng 5, 1876 cho tới khi bà chết. Sự cai trị của bà với tư cách nữ hoàng kéo dài 63 năm và 7 tháng, dài hơn sự trị vì của bất cứ vị quân chủ Anh nào trước đó. Giai đoạn với tâm điểm là thời kì trị vì của bà được biết đến với tên gọi Thời đại Victoria, một thời kì với những tiến bộ công nghiệp, chính trị và quân sự tại Vương quốc Anh.

Nữ hoàng Victoria và John Brown

Lịch sử của Anh còn ghi lại việc nữ hoàng Victoria đã mặc áo đen đến cuối đời để tưởng nhớ người chồng than yêu- hoàng thân Albert của bà. Chính điều đó đã khiến cho công chúng gọi là bà là “Góa phụ của lâu đài Windsor”. Cũng chính trong những chuỗi ngày đau khổ đó, người bạn trung thành John Brown đã xuất hiện an ủi và động viên tinh thần cho nữ hoàng Victoria. Thời gian dần qua đi, nữ hoàng ngày càng tin tưởng vào người hầu cận John Brown của mình. Bà có mối quan hệ thân mật và sâu sắc với John Brown. Chính vì vậy khi qua đời, trong hầm mộ của nữ hoàng có hai kỷ vật được để cùng bà. Vật thứ nhất là áo choàng của hoàng thân Albert còn vật thứ hai là tóc của Brown cùng với bức hình của ông.

Ngay từ khi nữ hoàng Victoria còn sống, người ta đã đồn đoán mối quan hệ “vượt mức thân thiết” giữa bà và Hạ nghị sỹ John Brown. Sự thật về mối quan hệ này đã được làm sang tỏ khi vào năm 2004, một sinh viên đã tìm thấy trong phòng lưu trữ tại Phòng văn thư Suffolk bức thư của nữ hoàng gửi cho John Brown. Bức thư này được viết bằng tay, bày tỏ sự thương tiếc của Nữ hoàng trước cái chết của viên Hạ nghị sỹ này.

Trong bức thư, Nữ hoàng Victoria có ý nói rằng, cái chết của ông Brown đối với bà là lần góa chống thứ hai. Đồng thời, bà cũng bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một công chức tốt nhất, tận tụy nhất cũng là một người bạn thân thiết và chân thành nhất. Nữ hoàng Victoria nói đến một nhân vật thứ 3 để ám chỉ mình: "Có lẽ lịch sử chưa bao giờ có một mối quan hệ chân thành, một tình bạn đằm thắm và nồng nàn giữa Nữ hoàng và công chức như mối quan hệ giữa cô ấy và Brown yêu quý của cô".

Đặc ân cho người hầu kém… 44 tuổi

Trong cuốn nhật ký của Abdul Karim- người đầy tớ của Nữ hoàng Victoria mới được xuất bản tại Ấn Độ có viết: “Năm 1887, tôi đã tới Anh và trở thành “công chức” của Nữ hoàng dưới sự đề nghị của Tiến sỹ Taylor. Tại Ấn Độ, từ “công chức” sẽ được hiểu là người tháp tùng nhà vua hoặc hoàng tử…Tôi đã chấp nhận lời đề nghị đó và tới Anh”. Tại thời điểm đó, Karim mới 24 tuổi và đang làm thư ký tại nhà giam trung ương Ấn Độ.

Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim (giữa)

Abdul Karim sở dĩ được trở thành ‘công chức” vì lúc đó Nữ hoàng tuyển hai người để phục vụ cho hoàng tử Ấn Độ- người sẽ tham dự lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria vào năm 1887. Và đương nhiên cả hai người được tuyển chọn đều phải là người Ấn. Trong nhật ký của Nữ hoàng Victoria còn ghi lại: “Hai người đầy tớ đó có tên Mohammed Bucksch và Abdul Karim. Mohammed Bucksch trông rất đen, anh ta có đầy đủ những nét cơ bản của một người Ấn Độ truyền thống. Còn Abdul Karim thi trông trẻ hơn, trông khá cao lớn, khỏe mạnh và đẹp trai”.

Trong cuốn tự truyện của mình, Karim viết: “Đây là hành trình của cuộc đời tôi ở tại cung điện nữ hoàng từ Lễ kỷ niệm Vàng vào năm 1887 đến Lễ kỷ niệm Kim cương vào năm 1897. Tôi chỉ là người tạm trú trong một đất nước xa lạ và giữa biển người không quen biết”. Karim còn giải thích rằng, người phục vụ ở đây là đồng hành cùng với nữ hoàng hay hoàng tử trên lưng ngựa, có vị trí cao hơn nhiều so với người phục vụ trong quân đội Anh. “Trong lúc ghi nhận lại cuộc đời của mình, tôi chỉ nhớ lại những niềm vinh dự và tất cả mọi thứ tôi có được nhờ vào sự sủng ái của nữ hoàng. Tôi cầu nguyện thượng đế luôn mang ban phát những điều tốt lành cho bà”.

Sau khi lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc, Abdul Karim đã được giữ lại cung để tiếp tục làm người hầu cho Nữ Hoàng Victoria. Tuy nhiên, với một người đang làm thư ký tại một cơ quan khá lớn tại Ấn Độ khi đó lại trở thành một người chuyên hầu hạ kẻ khác, Abdul Karim đã vô cùng thất vọng. Nhưng do cảm mến thái độ làm việc nhẹ nhàng, ân cần của chàng thanh niên “cao lớn, khỏe mạnh và đẹp trai”- nữ hoàng Victoria khi đó đương nhiên không muốn để Abdul Karim ra đi.

Trong một bức thư “đề nghị” Abdul Karim ở lại, nữ hoàng Victoria có viết: “ Nếu phải xa ngươi thì quả thực ta sẽ rất buồn. Ta rất thích tính cách và cách làm việc của nhà ngươi. Ta có thể giúp ngươi tìm kiếm được một vị trí công việc tốt tại Ấn Độ, tuy nhiên hy vọng nhà ngươi có thể ở lại Anh quốc”.

Và để “níu giữ’ Abdul Karim ở lại hầu hạ mình, khi đó nữ hoàng Victoria đã phong cho người hầu của mình là “thầy giáo và thư ký người Ấn cho nữ hoàng” với mức lương là 12 bảng/tháng”. Biết Nữ hoàng càng ngày dựa vào mình, Karim dọa sẽ trở lại Ấn Độ nếu bà không đưa ông lên vị trí cao hơn. Vì lo sợ sẽ mất Karim nên Victoria lập tức đồng ý công nhận ông là thành viên của gia đình Hoàng gia Anh. Đây là sự sủng ái đặc biệt của nữ hoàng Victoria dành cho một người hầu đến từ Ấn Độ. Sự ân sủng của Nữ hoàng Victoria còn đặc biệt đến nỗi bà cho phép Karim đưa vợ tới Anh sinh sống và xây cho vợ chồng Karim một căn hộ trong cung điện riêng của mình.

Mối quan hệ khó giải mã

Trong thời gian đầu phục vụ cho nữ hoàng, Abdul Karim vẫn chưa được so sánh với “người tiền nhiệm” là John Brown. Tuy nhiên, Nữ hoàng Victoria lại một lần nữa làm cho cả hoàng tộc “choáng váng” khi nhiều lần qua đêm với Abdul Karim tại lâu đài Balmoral ở Scotland- nơi mà bà đã từng ngủ lại nhiều lần với John Brown. Sau những lần như thế, người ta đoán già đoán non rằng, Abdul Karim chính là người tình tiếp theo của Nữ hoàng. Tuy nhiên, theo cuốn tự truyện Karim để lại, con cháu ông cho đó là tình … mẫu tử, vì thời điểm đó Nữ hoàng Victoria hơn Karim tới …44 tuổi.

Abdul Karim phục vụ Nữ hoàng Victoria trong một chuyến dã ngoại

Đỉnh điểm của sự sủng ái này là vào năm 1895, Nữ hoàng Victoria đã trao “huy chương đế quốc Ấn Độ” cho Karim, đồng thời còn cắt cho Karim một mảnh đất lớn ở Ấn Độ. Được biết, Karim còn đòi phong tước hầu nhưng bị Nữ hoàng từ chối. Năm 1887, toàn bộ hoàng tộc Anh đã dọa từ chức nếu Nữ hoàng nhất quyết dẫn Karim theo trong kỳ nghỉ châu Âu hằng năm. Như mọi khi, nữ hoàng Victoria vẫn đứng về phía Karim, cả hoàng tộc phải chấp nhận và nhận ra rằng họ khó có thể trục xuất Karim khi bà còn sống.

Sự sủng ái đặc biệt của Nữ hoàng dành cho Abdul Karim đã vấp phải sự phản đối của nhiều người trong Hoàng gia Anh. Họ cho rằng, Nữ hoàng Victoria chiều chuộng Karim

đến nỗi “muốn gì được nấy”. Mặc dù biết Karim là một tên hầu “trục lợi siêu đẳng”, nhưng nữ hoàng vẫn không từ bỏ được ông vì bà cần một người trung thành để tán gẫu và tâm sự. Dù có mấy người con, nhưng mối quan hệ giữa Nữ hoàng và họ không gần gũi, thậm chí còn căng thẳng, nên thực tế bà rất cô đơn.

Mặc dù hằng ngày đều nhận được sự chăm sóc chu đáo và tận tình từ Abdul Karim nhưng tình cảm mà Nữ hoàng Victoria dành cho Abdul Karim sâu sắc đến nỗi… ngày nào bà cũng viết thư cho người hầu cận của mình. Vì thế vào năm 1901 khi Nữ hoàng Victoria qua đời, vua Edward VII mới lên ngôi đã ra lệnh thiêu hủy những ghi chép có liên quan tới “vụ bê bối” này và quản chế Karim, các vệ sỹ cũng đã ra lệnh cho Karim phải nộp lại những bức thư mà Nữ hoàng đã gửi cho anh ta. Sau đó, Quốc vương hạ lệnh cho Karim trở về Ấn Độ.

Thế nhưng, thế hệ con cháu của ông Karim vẫn còn giữ kín một số bức thư, hình ảnh và cuốn tự truyện do chính ông viết. Mới đây, người nhà Karim đã công bố cuốn nhật ký “Victoria and Abdul”, hy vọng cách này sẽ đưa Karim có tên trong lịch sử. Và trong cuốn nhật ký này, một lần nữa người nhà của Abdul Karim vẫn khẳng định rằng: “Không có tình yêu giữa Nữ hoàng Victoria và Abdul Karim, mà đó đích thực là tình… mẹ con”.

Thủy Bình (Theo Hoàn cầu)