Tô Đát Kỷ - bông hồng đầy gai nhọn và tư tưởng vượt thời gian

Tô Đát Kỷ - bông hồng đầy gai nhọn và tư tưởng vượt thời gian

Thứ 2, 06/03/2017 | 16:23
0
Phải chăng Tô Đát Kỷ là người đã “đặt nền móng” cho sự đấu tranh bình đẳng giới?

Trung Quốc – đất nước của các mỹ nhân nổi tiếng được lưu danh thiên cổ, là mảnh đất xinh ra người con gái tuy đẹp mà tàn bạo chẳng kém nam nhân. Đát Kỷ là một trong những mỹ nhân bị coi là “hồng nhan họa thủy”, gây tội ác có thể xem là “trời không dung, đất không tha”, người người căm phẫn. Nhưng, liệu có chắc, Đát Kỷ là người tàn độc hay chỉ là sự dấy lên đáp trả của một “nữ nhi thường tình” trước khi bị những hủ tục của xã hội nhấn xuống bùn nhơ?

Tương truyền, Đát Kỷ là nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng đã được người đời thêu dệt nên thành một nhân vật yêu ma đầy bí ẩn. Mười sáu tuổi, Đát Kỷ như một bông hoa rực rỡ đẹp tuyệt trần: mắt nàng long lanh như giọt sương mai, da mịn màng tựa như lụa, nước da hồng hào, mũi cao thẳng, miệng hoa nhỏ, môi đỏ thắm, dáng đi uyển chuyển, giọng nói trong trẻo, đàn ca nhảy múa hết mực giỏi giang.

Tin cũ - Tô Đát Kỷ - bông hồng đầy gai nhọn và tư tưởng vượt thời gian

Tô Đát Kỷ trong trí tưởng tượng của dân gian. Ảnh: Internet.

Nhưng, đáng buồn thay, tuy đẹp nhưng nàng lại là một người có dã tâm và vô cùng tàn bạo. Chẳng thế mà người đời lại xếp nàng vào hàng “Tứ đại yêu cơ” của Trung Quốc cùng với Muội Hỷ, Ly Cơ và Bao Tự.

Vốn là người sớm mang trong mình tư tưởng “nghịch” với điều được coi là luân thường, đạo lý khi muốn đưa “phụng” lên trước “rồng” khi nhìn thấy hình ảnh hai trong số tứ linh này được khắc trên cột trụ.

Sớm bị xem là “yêu cơ” có dã tâm đi ngược lại với luân thường đạo lý. Nên Đát Kỷ trong mắt người đời là “họa sát thân” khi bất kỳ người đàn ông nào “dính” phải. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công minh thì thiết nghĩ ấy có phải là một “tư tưởng lớn vượt thời gian”. Hẳn vậy, nếu trước đây không tồn tại cái gọi là “trọng nam khinh nữ” thì có lẽ, suy nghĩ đặt “phụng lên trước rồng” của Đát Kỷ là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, thời bấy giờ, người ta đã quá quen với “chân lý”: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (đây vẫn còn là vấn nạn dẫn đến mất cân bằng nam – nữ cùng hàng loạt những hệ lụy khôn lường của nó đến tận ngày nay).

Trước đây, đàn bà chỉ là người nâng khăn sửa túi cho chồng, lo chuyện nhà cửa, bếp núc, ruộng vườn thay vì học hành và làm việc xã hội. Nhìn lại thì có lẽ ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những người phụ nữ dám “giả trai” để đi học như Chúc Anh Đài…

Đát Kỷ cũng nhờ được người em gái dạy lén cho mà biết chữ. Nhờ có kiến thức nàng ta dần vẽ ra kế hoạch để hiện thực hóa mong muốn của mình. Tuy nhiên, ít nhiều tư tưởng ấy vẫn có yếu tố nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ bản năng của một trong “tứ đại yêu cơ”. Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ tinh thần dám đứng lên đấu tranh trước những bất công đã đè nặng lên vai người phụ nữ lúc bấy giờ của Tô Đát Kỷ.

Và phải chăng, sự “tàn bạo” được truyền lại trong hàng loạt các huyền sử nhân gian về nàng cũng chỉ để chứng tỏ “phụng hoàn toàn có thể đứng bên trên rồng” bởi rõ ràng, độc giả có thể thấy được Đát Kỷ đã khiến vua Trụ phải phục tùng và chiều theo ý muốn của mình vô điều kiện, thậm chí còn phải ra sức lấy lòng người đẹp khi chiều theo mọi mong muốn của nàng.

Trụ Vương đã làm vô số điều thất đức, hại dân, hại quân thần trung tín, gây nên sự sụp đổ tất yêu của nhà Thương: Trong lần đi dạo, để thỏa trí tò mò, Đát Kỷ đã cho chặt chân của một cụ già và một em bé để xem ống chân của 2 người có tủy không khi thấy cụ già thì khỏe mạnh còn em bé lại run rẩy giữa trời đông buốt giá.

Ngay cả đến Tỷ Can – một vị trọng thần của nhà Thương cũng bị moi tim để trả lời cho thắc mắc của người đẹp: “Trái tim người tài có phải có bảy ngăn?. Không những thế, Đát Kỷ còn dùng tài trí của mình phát minh ra bào lạc – vũ khí giết người để làm trò tiêu khiển khi buồn. Không chỉ với dân lành, muông thú cũng khó tránh khỏi họa sát thân khi Trụ Vương cho dựng lên một nhục lâm giữa cung điện nguy nga, tráng lệ.

Ngày nay, khi xã hội tiến bộ hơn, chỗ đứng của người phụ nữ cũng dần được củng cố. Dù thế nào cũng không thể phủ nhận vai trò cũng như tài năng của phái yếu. Nhưng, giữa xã hội thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt này, chẳng ai dám đả kích, tố cáo hay phê phán bà đã đi ngược lại với chuẩn mực xã hội.

Tuy là người gây ra nhiều tội ác nhưng nên chăng, ta cũng nên có cái nhìn thiện cảm và cảm thông hơn đối với người đã đặt nền móng cho sự đấu tranh bình đẳng giới mà cho đến ngày nay, ý tưởng đó mới dần được hiện thực hóa. Tất cả cũng chỉ bởi những “bất công” và “áp lực” không đáng có do xã hội nho giáo đương thời mang lại mà thôi!

Hồng Thúy/NĐT