'Tổ quốc nhìn từ biển': Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

'Tổ quốc nhìn từ biển': Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Thứ 5, 12/01/2017 | 16:04
0
Hội Nhà văn Việt Nam vừa quyết định trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 cho tập thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Đến nay, đã hơn 7 năm trôi qua, bài thơ và ca khúc phổ thơ Tổ quốc nhìn biển vẫn đang đồng hành cùng với trái tim những người Việt Nam yêu nước hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đấy thật sự là một hạnh phúc lớn đối với người làm thơ như tôi.

Cuối năm 2015 này, tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển gồm 50 bài thơ của tôi được NXB Phụ nữ ấn hành. Các độc giả yêu thơ có thể thấy trong tập thơ này, nhiều bài thơ tôi viết về đề tài biển đảo và đề tài chiến tranh giữ nước với giọng thơ tráng ca - sử thi. Đó cũng là nét chủ đạo xuyên suốt những sáng tác của tôi trong nhiều năm qua. Đất nước, quê hương và con người Việt Nam là mối quan tâm trong những sáng tác thi ca của tôi từ khi cầm bút cách đây gần 40 năm. Và tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Sự kiện - 'Tổ quốc nhìn từ biển': Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Một điều rất vinh dự đối với tôi, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016 cho tập thơ này. Đã nhiều đêm tôi băn khoăn tự hỏi mình: Phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức (chưa nói đến quảng đại nhân dân)? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Phải chăng nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện đại? Phải chăng các bài thơ hôm nay đã xa rời đời sống cần lao của nhân dân nên đã không có được sự cộng hưởng tri âm trong lòng người đọc? Những câu hỏi này, xin mỗi người làm thơ hôm nay tìm lời giải.

Cách đây mấy năm, bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi in trên báo Thanh Niên, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ đúng vào dịp xảy ra những vụ gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông. Ngay lập tức bài thơ này được nhiều trang mạng điện tử, các blog trong cũng như ngoài nước dẫn lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được 5 nhạc sĩ ở TP.HCM và Hà Nội phổ nhạc. Tôi cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức cộng hưởng tri âm với người đọc như vậy.

Sự kiện - 'Tổ quốc nhìn từ biển': Trong hồn người có ngọn sóng nào không? (Hình 2).

 Bìa tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển.

Sau khi phổ nhạc khá thành công bài thơ của tôi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp ở TP.HCM cho biết: “Khi đọc bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển từ một đường link trên internet, trong tôi đã dâng trào một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Sau 2 ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu "Tổ Quốc đang bão giông từ biển".

Bài hát Tổ Quốc nhìn từ biển ra mắt đúng lúc diễn biến ở biển Đông căng thẳng đã khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, kêu gọi mọi người Việt Nam hướng về Biển Đông. Trong bài thơ có những câu: “Nếu Tổ Quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Bốn câu thơ bi hùng ấy có thể xem là hay nhất trong bài thơ khiến người đọc cay xè mũi, rưng rưng. Mấy câu thơ ấy là câu hỏi lớn khi đất nước lâm nguy thì làm sao những người yêu nước lại có thể bình lặng được. Câu thơ đã khơi gợi tình yêu Tổ Quốc trong mỗi trái tim Việt Nam khi "sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa" hỏi rằng trong những hồn người hôm nay liệu có ngọn sóng nào không?”.

Là người cầm bút, tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ, mỗi nhạc sĩ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước như nói trên thì làm sao thơ và nhạc của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu độc giả. Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước, mà có lẽ các nhà thơ, các nhạc sĩ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trong những tháng năm này?

Từ trước đến nay, các nhà thơ thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình. Tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Tôi đã viết tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển với sự rung động đầy cảm hứng cùng mạch thơ sử thi mang tính tráng ca, hào sảng và đều có những suy tư khá sâu dưới từng mạch chữ, từng nhịp điệu thơ. Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi gây được sức cộng hưởng, lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và nước ngoài, tôi cảm nhận điều này đã nói lên sức ảnh hưởng của thi ca yêu nước đối với đời sống dân tộc. Thật ra, khi viết bài thơ này, tôi đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ cảm xúc lớn lao ấy, tôi đã viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển như viết từ chính máu và nước mắt của mình.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến