"Tôi may mắn hơn những chàng rể khác"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Ngoài đời, Đức Khuê không hẳn nỏ miệng như trong vai diễn, nhưng câu chuyện với anh chỉ rơi vào khoảng lặng mỗi khi anh dừng lại để ngoáy cốc nâu đá. Đức Khuê cũng chia sẻ một bí quyết làm rể của mình: “Ở đời, cái TÌNH là quan trọng”.

Lợi thế “môn đăng”

Đức Khuê đến với sân khấu kịch khá tình cờ. Năm 1990, anh tốt nghiệp Đại học Thương mại nhưng lại không làm việc theo “chuyên ngành đã được đào tạo” mà Đức Khuê lại xin vào làm việc tại Nhà hát Tuổi Trẻ với công việc ban đầu là bảo vệ, soát vé.

Sự kiện - 'Tôi may mắn hơn những chàng rể khác'

Nghệ sĩ Đức khuê

Hằng ngày, tiếp xúc với các nghệ sĩ của Nhà hát, làm việc trong không gian thấm đẫm những cảnh đời, những kiếp người, những phút thăng hoa, những niềm vui, lòng yêu nghề của mọi người qua các vai diễn... Đức Khuê dần “cảm” môn nghệ thuật này tự lúc nào.


Anh may mắn đỗ khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát (1990-1994) và sau khi tốt nghiệp, Đức Khuê công tác tại đây cho đến nay. Đó có thể chính là cơ duyên run rủi để Đức Khuê gắn bó với Nhà hát và cũng chính tại đây, chàng Đức Khuê đã gặp gỡ và gắn bó với người phụ nữ của đời mình.

Các vai diễn của Đức Khuê thường theo một mô-tip quen thuộc như hơi ngẩn ngơ, nhu nhược, thậm chí hơi oái oăm một chút… Có thể, các đạo diễn thấy hình thức bề ngoài của anh hợp với những vai này. Những trong những vai diễn ấy, bao giờ chàng Đức Khuê lành lành, khù khờ ấy cũng gặp những kết thúc rất thú vị, có hậu như là được một cô nàng xinh đẹp nào đó đem lòng yêu chẳng hạn...

Cái duyên trong từng vai diễn dường như bám theo Đức Khuê ra tận ngoài đời. Người phụ nữ của cuộc đời đến với anh không bất ngờ như cô Tấm hiện ra từ trong quả thị mà tình cảm của hai người chợt đến và nảy nở một cách tự nhiên nhất. Trải qua quá trình tìm hiểu “đối phương” kéo dài tới mấy năm trời và một ngày đẹp trời năm 1995, chàng phi công cử nhân kinh tế “nhảy dù” vào bầu trời nghệ thuật thứ 6 đã chính thức rước được nàng về dinh.

Đức Khuê chia sẻ: “Lần đầu ra mắt bố mẹ người yêu, thú thực là tôi chẳng thấy run gì cả. Tôi tin rằng sự chân thành sẽ khiến bố mẹ cô ấy có cảm tình với mình. Tôi trông hiền lành thế này cơ mà (cười), giao con gái cho tôi thì tin tưởng quá đi ấy chứ!”.

Vừa tếu, vừa chia sẻ khá nghiêm túc, Đức Khuê cho rằng vợ chồng anh đã may mắn khi có gia cảnh hai bên có những điểm khá tương đồng nhau. Sự tương đồng trong văn hóa gia đình, trong thói quen, trong quan niệm sống... khiến anh có thể thích nghi, hòa nhập nhanh hơn, dễ dàng hơn và thoải mái hơn với gia đình nhà vợ mà không gặp những trở ngại, rào cản nào đáng kể.

Ở nhà Đức Khuê, anh là con trưởng trong gia đình. Từ nhỏ anh đã được bố mẹ, ông bà dạy cho bản thân thấm nhuần những bổn phận của bậc con cháu trong nhà. Bố vợ của Đức Khuê cũng là con trưởng, chính vì thế, khi về làm rể, anh biết rõ những điều mình nên làm, điều gì thì không nên... Vợ anh là người khá chu đáo và quan tâm đến gia đình nhà chồng. Vợ chồng nhìn nhau mà sống, học nhau mà cư xử.

Vì thế, Đức Khuê luôn tự giác quan tâm đến gia đình nhà vợ như cách anh quan tâm, chăm sóc bố mẹ đẻ của mình. Anh bảo: “Những chuyện đó mà còn để vợ hay chồng phải nhắc nhau, giục nhau làm thì chẳng có ý nghĩa gì nữa. Ở đời, cái TÌNH là quan trọng. Ở tuổi các cụ, những gì xuất phát từ tình cảm, các cụ sẽ quý và nhớ rất lâu. Còn nếu mua quà tặng có quý đến mấy mà cách cư xử hay lời ăn tiếng nói khó nhìn, khó nghe thì thà không có còn hơn”...

Bố đẻ anh đã qua đời mấy năm nay, chỉ còn mẹ anh thì bà lại chuyển về quê gần chùa Thầy sống cho yên tĩnh và thanh cảnh. Vì thế, ngoài những dịp cuối tuần, vợ chồng anh cho hai cháu về thăm bà nội thì gia đình anh cũng có cơ hội gần nhà vợ hơn vì bố mẹ vợ của anh ở ngay trong phố.

Tuy nhiên, trong cách cư xử với bên nhà vợ, Đức Khuê quan niệm: lời chào cao hơn mâm cỗ. Nếu công việc quá bận bịu, không qua nhà thăm ông bà ngoại của hai con mình được thì Đức Khuê chọn cách gọi điện thoại thường xuyên. Con người anh giản dị, không màu mè, không quá đề cao hay quan trọng hóa điều gì. Vợ chồng anh hợp nhau ở chỗ cả hai đều không câu nệ về hình thức. Vì thế, sự quan tâm của anh tới gia đình nhà chị dù được thể hiện dưới hình thức nào thì cũng mấu chốt vẫn xuất phát từ cái tâm.

“Anh thế nào thì cứ thế mà sống”...


Trên sân khấu kịch hay trong phim, các nhân vật mà Đức Khuê thủ vai thường là những chàng “râu quặp”. Nhưng khi hỏi anh rằng, vai diễn nào mà anh cảm thấy hài lòng nhất? Đức Khuê cười, cái cười thoải mái, thảnh thơi, khác hẳn với những cái cười “vừa cười vừa ngó mặt vợ” khi diễn kịch, đóng phim.

Anh bảo: “Vai diễn tôi thấy ưng ý nhất chính là vai người chồng trong cuộc đời thực. Tôi hay đóng những vai sợ vợ nên khán giả cứ nghĩ rằng ở ngoài đời, Đức Khuê cũng “râu quặp” như thế. Thật ra, sợ vợ hay sợ chồng không quan trọng bằng việc tôn trọng nhau và tôn trọng cả hai bên gia đình”.

Đức Khuê không kén vai, nếu thời gian cho phép thì thường được mời là anh nhận. Chàng cử nhân kinh tế cứ miệt mài, thích thú với việc khám phá tâm tư, tình cảm của những nhân vật với những cảnh đời khác nhau. Ngoài thời gian dành cho nghệ thuật, anh dành thời gian chăm sóc gia đình và đặc biệt là đưa các con đi chơi nhà ông bà.

Là con trưởng nhưng ở Đức Khuê, người tiếp xúc với anh không hề thấy toát lên dù là chút ít sự gia trưởng nào. Sự giản dị, thoái mái, gần gũi và cởi mở ở Đức Khuê được thể hiện ra từ những câu chuyện anh chia sẻ. Hai đứa con của anh, một trai và một gái. Cậu con trai lớn, năm nay 14 tuổi, và con gái nhỏ mới lên 8 thường xuyên được bố Khuê cho về nhà ông bà nội ngoại tham dự các buổi lễ tết, giỗ chạp, cưới xin... của đại gia đình để hình thành trong các cháu ý thức về tôn ti, trật tự và các quy tắc, cũng như bổn phận của người con trong một gia đình lớn. Cứ lâu lâu mà không thấy bố mẹ đưa về nhà ông bà là các con anh lại thắc mắc: “Lâu có giỗ thế hả bố?”.

Làm nghệ thuật đi nhiều, mỗi chuyến đi xa trở về, anh đều mua quà cho mọi người và người lớn tuổi trong gia đình đương nhiên là có những món quà nhỏ, khi thì cái quần, cái áo. Lúc thì đồng quà, tấm bánh... Nhưng với mẹ đẻ của mình, cũng như với bố mẹ vợ, anh quan niệm việc tặng quà là tự bản thân anh muốn làm điều đó, chứ không phải cố tình mua tặng thứ này, thứ kia để bố mẹ vợ quý con rể hơn.

Có những lần anh mua quần áo về tặng, các cụ lại xua tay, hỏi: “Có tốn tiền không con?”. Bố mẹ anh cũng như bố mẹ chị, sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ khó khăn của đất nước nên tiết kiệm đến giản tiện là đức tính thường thấy ở những người thuộc thế hệ này.

Chẳng phải chàng rể khéo léo nhưng Đức Khuê bằng lòng với sự chân thành và thành thật của mình: có gì thể hiện ra như thế. Mỗi khi bố mẹ vợ có việc gì cần giúp có thể “ới” một tiếng với Khuê rằng “con xem việc này giải quyết thế nào” là anh sẵn sàng xắn tay vào làm ngay không một chút nề hà. Lấy chị và làm rể của bố mẹ chị đã 16 năm, những thói quen, sự tương đồng trong sinh hoạt, ứng xử của nhà chị, anh đã thuộc nằm lòng.

Anh bảo: “Cuộc sống mà cứ mải miết đuổi theo điều gì đó mà đến khi ngoảnh lại, mình đã đánh mất những thứ xung quanh tự lúc nào thì không thể lấy lại được nữa”.

Trong gia đình nhỏ cũng thế mà trong gia đình lớn cũng vậy, Đức Khuê luôn tâm niệm cố gắng làm sao để mọi người có một cuộc sống vui vẻ và thoải mái nhất. Đã là người trong một gia đình thì không nên “diễn” vì diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ diễn trên sân khấu, trước máy quay trong khoảng thời gian nhất định.

Còn trong cuộc sống, chẳng có diễn viên nào tài giỏi đến mức “diễn” được cả đời. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lộ ra. Mà, như anh đã nói, người già trọng nhất cái Tình, nhớ lâu nhất cũng là cái Tình. Thế nên, bản thân mình có như thế nào thì cứ thế mà sống.

Đức Khuê chia sẻ: “Tôi may mắn hơn những chàng rể khác vì bố mẹ vợ có cách sống, cách nghĩ cũng gần giống với bố mẹ đẻ của tôi. Khi tôi về nhà ra mắt và xin cưới nhà tôi bây giờ, bố mẹ vợ không hề lo lắng khi con gái cưới một anh chàng nghệ sĩ, chân không tới đất, đầu chẳng tới trời. Ông bà là những người suy nghĩ rất thoáng, tôn trọng quyết định của con cái và không câu nệ chuyện nghề nghiệp. Miễn người đó phải là người tử tế...”.


Thục Anh

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL