Tôi muốn đưa Hiphop Việt Nam đến gần

Tôi muốn đưa Hiphop Việt Nam đến gần "nhịp đập" thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Lần đầu tiên, Việt Nam có một dancer được mời làm trọng tài tại cuộc thi Hiphop thế giới sẽ tổ chức ở Canada vào tháng 7/2012. Dancer đó là Nguyễn Viết Thành tức Thành “lion T”, trưởng nhóm Big Toe (Ngón chân cái).

20 năm gắn bó với Hiphop, để có được thành quả như ngày hôm nay, với Thành là một sự khổ luyện, sự khẳng định mình với cha mẹ. Thành từng bị gãy chân, gãy tay nằm bó bột trên giường vì Hiphop mà không dám than phiền, không dám khóc vì sợ cha mẹ phiền lòng...

Cha mẹ cấm nhảy Hiphop vì không biết kiếm sống bằng gì?

Nhận được lời mời làm trọng tài trong giải Hiphop thế giới, suy nghĩ của anh về sự kiện này như thế nào?

Bboy Uwe, người Đức, là bạn tôi. Anh đã nói chuyện và chuyển những clip mà tôi tập luyện, biểu diễn, giảng dạy cho phía tổ chức giải Hiphop thế giới. Sau khi xem, đại diện Ban tổ chức giải đã gọi điện và mời tôi làm trọng tài cho cuộc thi Hiphop quốc tế được tổ chức vào tháng 7 tới.

Thực sự, lời mời làm trọng tài tại cuộc thi Hiphop quốc tế là bất ngờ, niềm vui, sự tự hào rất lớn đối với tôi. Bởi sau những nỗ lực và thành công của hàng loạt các dancer Việt Nam, chúng ta đã có được sự tín nhiệm của thế giới. Tuy nhiên kèm theo đó, tôi cũng có đôi chút lo lắng về trách nhiệm của người "cầm cân nảy mực", nhất lại ở đấu trường quốc tế.

Xã hội - Tôi muốn đưa Hiphop Việt Nam đến gần 'nhịp đập' thế giớiNguyễn Viết Thành, trưởng nhóm Big Toe: "Sự am hiểu, tinh thần luyện tập chăm chỉ, dám đương đầu với khó khăn, sống hết mình với đam mê làm nên chất Hiphop".

Như anh chia sẻ, những ngày đầu tiên theo Hiphop, anh đã bị bố mẹ ngăn cấm. Anh đã làm gì để thuyết phục bố mẹ cho phép anh theo đuổi và gắn bó với Hiphop?

Mẹ mình nói học xong phải đi làm, nhảy nhót mãi thì sống kiểu gì? Nghe lời bố mẹ, có nghĩa mình sẽ phải từ bỏ đam mê Hiphop để làm các công việc khác.

Ngày ấy, tôi đã suy nghĩ và đấu tranh rất nhiều. Hàng ngày, cả bố và mẹ đều nói về chủ đề này. Tôi đã nghe theo bố mẹ đi làm, không nhảy nữa nhưng chỉ được ít hôm, nỗi nhớ Hiphop lại kéo tôi về sàn tập và tôi quyết định gắn bó với nó suốt cuộc đời.

Thấm thoắt đã hơn 20 năm, cùng với việc biểu diễn trên sân khấu, tôi mở các lớp dạy nhảy, dựng chương trình, dựng phụ họa cho ca sĩ. Tôi sống được bằng đam mê Hiphop của mình. Tôi mất 5 năm để chứng minh với bố mẹ rằng: Con hoàn toàn có thể sống được với Hiphop.

Hơn 20 năm gắn bó với Hiphop, những tai nạn nghề nghiệp không tránh được có thể gọi thành tên?

Đến thời điểm này tôi đã "sống" cùng Hiphop hơn 20 năm. Tai nạn là điều khó tránh khỏi nếu mình muốn làm những động tác khó. Khi chưa có thảm, chúng tôi phải tập ở bãi cỏ, lần ấy, tôi cố gắng tập động tác front flip (santo trước), vì không chú ý, tôi đã lộn đúng vào cái hố mà cỏ phủ lên, thế là gẫy chân.

Lúc đó buổi chiều vắng người nên phải 30’ sau, bạn bè mới gọi được xích lô đưa tôi đi viện. Chấn thương và hy sinh nhiều thứ khác nhưng niềm đam mê đã giúp tôi vượt qua tất cả. Thế hệ sau này, các em được giúp đỡ, biết đến Hiphop nhiều, được tạo điều kiện và có cơ hội vươn xa hơn chúng tôi ngày trước.

"Chất Hiphop" không phải là ăn mặc và nói năng lập dị

Anh từng chia sẻ: "Để có ngày hôm nay, chúng tôi đã cùng nhau vất vả leo lên "ngọn núi" từng bước một và tôi tin, khi tới đỉnh "ngọn núi" này, chúng tôi càng có thêm niềm tin để chinh phục những "ngọn núi" khác cao hơn". Vậy "ngọn núi" nào cao nhất mà anh đã từng chinh phục được?

Hiện nay "ngọn núi" cao nhất mà tôi chinh phục được là đồng giải ba Đông Nam á giải House, còn những đỉnh núi khác là của cả tập thể, của những người đã và đang hoạt động trong Big Toe. Vừa rồi, bạn Quân (Bboy bunx) đoạt giải Best of the best trong giải ''One Love'' và sẽ đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Canada tháng 7 tới.

Người ta nói Hiphop xuất thân từ đường phố, với anh nhảy Hiphop ở Việt Nam giờ có còn "đường phố" không?

Thí sinh thách đấu thì trọng tài cũng phải thi đấu

Vị trí trọng tài ở sân chơi này đòi hỏi ở anh những gì?

Trong cương vị trọng tài, chúng tôi phải chọn ra top 16 hoặc top 8 người trong hàng trăm người rất giỏi đến từ các nước trên thế giới. Cũng là thi nhảy nhưng cuộc thi Hiphop có nhiều điểm khác biệt so với các cuộc thi nhảy thông thường khác. Trọng tài không những phải hiểu về Hiphop, phải công tâm, tìm ra được người giỏi nhất trong những người giỏi mà còn phải sẵn sàng trả lời các thắc mắc của thí sinh ngay trên sàn đấu. Thí sinh thách đấu thì trọng tài cũng phải thi đấu. Đó là văn hóa của Hiphop, là các khác biệt của Hiphop so với các môn nhảy khác. Tóm lại, trọng tài phải chuẩn bị tâm lý vừa là trọng tài và có thể là thí sinh biểu diễn...

Đúng là Hiphop sinh ra trên đường phố nên nó sẽ phát triển mạnh trên đường phố. Nhưng thời gian gần đây nhiều nghệ sĩ đã đưa môn nhảy, nghệ thuật này vào sân khấu. Điển hình như những dự án, chương trình dàn dựng Hiphop với nhạc xẩm hay nhạc dân tộc thì Việt Nam chúng ta đã làm từ khoảng năm 2005.

Hiện nay, những người yêu mến Hiphop cũng đã có sân chơi cho riêng mình bằng các giải đấu ở khắp nơi. Trung bình 2 tháng có một giải, đó là cơ hội để các bạn cọ xát và trau dồi thêm hiểu biết về môn nghệ thuật này. Nhiều người nghĩ rằng, Hiphop là phải đường phố mới đúng chất Hiphop, nhưng theo tôi đường phố hay sân khấu không quan trọng mà quan trọng là Hiphop tồn tại và phát triển lành mạnh.

Thực tế, thời trang Hiphop có phần lập dị. Theo Thành, cứ ăn mặc trông ngầu, hầm hố mới làm nên "chất" Hiphop?

Thực ra, lúc đầu thời trang Hiphop đúng là như vậy, vì họ chưa hiểu rõ về Hiphop. Vào khoảng những năm 90 của thế kỉ trước, các Hiphoper rất thích quần áo rộng thùng thình, xích đeo đầy người làm cho người lớn cảm thấy ngứa mắt.

Mũ thì đội lung tung, khuyên tai khuyên mắt, khuyên mũi, khuyên lưỡi... nhưng tiếp xúc thì họ là những cô, cậu học sinh rất ngoan và học giỏi. Họ chỉ thích ăn mặc vậy để thay đổi cảm giác căng thẳng sau mỗi buổi học. Đó là lý do tại sao, Hiphop Việt phát triển lành mạnh và ít va chạm hơn ở Mỹ hay một số nước khác .

Nhưng bây giờ các dancer cũng như ai yêu văn hóa Hiphop, họ đều biết phải làm gì. Giờ đây, bạn thấy cách ăn mặc của các Hiphopper khác hoàn toàn phù hợp với từng thể loại khác nhau. Với mình sự am hiểu, tinh thần luyện tập chăm chỉ, dám đương đầu với khó khăn, sống hết mình với đam mê làm nên chất Hiphop, chứ không phải ở cách ăn mặc hay nói năng một cách lập dị làm mới nên chất hiphop.

Được biết, từ năm 2006, Thành là đại sứ của chương trình “Nhảy múa vì cuộc sống” (Dance4life). Thành có thể chia sẻ những hoạt động chính của đại sứ?

Dance4life là một trong chuỗi sự kiện của dự án nhảy múa đẩy lùi HIV và đại dịch AIDS. Khi là đại sứ thiện chí, tôi rất vui vì được góp phần công sức của mình vào việc đẩy lùi đại dịch HIV bằng việc tổ chức các sự kiện, tuyên truyền quảng bá và giúp đỡ các bạn trẻ hiểu và biết cách phòng chống sự lây nhiễm HIV, tiến tới việc xóa bỏ kỳ thị với những người nhiễm HIV.

Nếu không nhảy Hiphop nữa, Thành sẽ làm gì?

Hiện nay, công việc của tôi thiên về dàn dựng và biểu diễn. Có người đã từng nói, tôi chỉ nhảy Hiphop được chục năm là cùng. Nhưng, tôi đã đứng trên sân khấu được hơn 20 năm. Tôi vẫn tự tin với những lời thách đấu của các dancer. Khi không nhảy được nữa - có thể lúc 50 tuổi - tôi sẽ ở vai trò tư vấn, góp một phần công sức và kinh nghiệm của mình, giúp Hiphop Việt Nam phát triển lành mạnh và đến gần hơn với "nhịp đập" Hiphop thế giới.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đam mê, hy sinh và duyên nợ

Gắn bó với Hiphop đã hơn 20 năm, Nguyễn Viết Thành cũng chấp nhận hy sinh nhiều thứ cho niềm đam mê Hiphop. Cuộc sống riêng của anh cũng chịu nhiều sự va đập vì đam mê Hiphop. "Tôi và vợ đã chia tay cách đây hơn 2 năm. Có thể cũng vì tôi đã dành quá nhiều thời gian cho Hiphop, cô ấy không thể thông cảm được điều đó. Nhưng Hiphop là đam mê, là lẽ sống của tôi", Thành "lion T" chia sẻ. Hiện tại, chàng trai Hiphop này đã tìm được hạnh phúc mới. Theo chia sẻ của Nguyễn Viết Thành, đó cũng là một cô gái cùng nghề với anh nên cũng có nhiều sự thông cảm và chia sẻ.

Đỗ Thơm


Tag: Big Toe HIV