“Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp là

“Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp là "gà"”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
“Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp của mình là "gà". Chẳng có ai là "gà" và cũng chẳng ai "nuôi gà” cả. Mọi người đang cố tình lạm dụng ngôn ngữ và cách gọi. Mối quan hệ đó, nói chính xác phải là đồng nghiệp”, NS Đỗ Bảo chia sẻ.

Đỗ Bảo nổi tiếng với những tình khúc ngọt ngào. Dường như Đỗ Bảo càng giản dị, mộc mạc ngoài đời bao nhiêu thì trong âm nhạc anh lại lãng mạn, tình tứ bấy nhiêu. Không ít người nhận xét rằng, anh đang thừa những cơ hội để được nổi tiếng hơn, quyền lực hơn, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền hơn trong làng giải trí âm nhạc. Trả lời nhận xét này, Đỗ Bảo thừa nhận, anh không có khả năng thích nghi với những ồn ào cần thiết của đời sống âm nhạc nói riêng và showbiz nói chung hiện nay. "Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, lựa chọn làm những gì mình thích và nói những điều mình nghĩ", người viết nhạc phẩm nổi tiếng Bức thư tình đầu tiên thẳng thắn chia sẻ.

Xã hội - “Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp là 'gà'”

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Sợ nhất ai đó gọi đồng nghiệp là “gà”

Từ lúc trở thành thầy giáo, quỹ thời gian của nhạc sĩ Đỗ Bảo trở nên bận rộn và eo hẹp hơn rất nhiều phải không?

Thực ra phạm vi hoạt động của tôi cũng khiêm tốn thôi, không rộng như nhiều người khác. Ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi tham gia hòa âm, phối khí. Nhưng sự bận rộn chủ yếu là dành cho việc sáng tác âm nhạc. Mà thực ra một năm chỉ có 1, 2 cái album âm nhạc thì rất ít so với nhiều nhạc sĩ khác. Thành ra nhận mình là người bận rộn thì cũng ngại quá. Tôi thường làm theo cách của mình nên dù chậm cũng phải chịu, thành ra bận rộn là vì thế.

Nhưng một nhạc sĩ mà bị quỹ thời gian kiểu hành chính như thế chi phối thì sẽ bị gò bó lắm?

Tôi hoàn toàn không bị chi phối bởi công việc giảng dạy. Ngược lại, công việc chuyên môn này mang lại cho tôi kĩ năng cập nhật thông tin về âm nhạc. Quan trọng hơn, mình có điều kiện để phản xạ với nhiều vấn đề về âm nhạc. Giống như người học võ hay học tiếng Anh vậy, phải luôn luôn trau dồi và thực hành. Việc đó rất có ý nghĩa với những người làm nghề như tôi. Đó là một công việc tốt và nhờ thế mà mình không bị tụt hậu so với mọi người.

Anh dành thời gian cho việc viết nhạc, nhưng khi viết lại anh có đo ni đóng giày cho một giọng hát cụ thể? Viết nhạc theo đơn đặt hàng có phải đã làm khó nhạc sĩ quá nhiều?

Khi tôi sáng tác, tôi không nghĩ đến ca sĩ và không nghĩ nhiều đến việc ai sẽ hát nó. Tôi để nó ra khỏi đầu mình một cách tự nhiên. Và cũng không đo ni đóng giày cho bất cứ một giọng hát nào cả. Có ca khúc rồi mình mới tìm đến người chuyển tải nó đến với khán giả.

Anh có khiêm tốn quá không khi anh được đánh giá là một nhạc sĩ sáng giá hiện nay? Sâu thẳm là anh không làm được hay không muốn làm?

Sâu thẳm là không muốn ôm đồm quá nhiều việc. Tôi từng thử ôm đồm rồi nhưng đã thất bại và nhận ra là mình không hợp với những sự ồn ào, vội vã ấy. Cũng có lúc mình đã suy nghĩ và buồn về cái sở đoản đó, nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi.

Huy Tuấn đang có Văn Mai Hương, Quốc Trung đang có Uyên Linh, họ đều làm nên những cặp đôi nổi tiếng trong âm nhạc. Tại sao anh không tìm kiếm và "nuôi gà" giống họ như nhiều người vẫn hay nói thay vì quẩn quanh bên những cái tên cũ?

Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp của mình là "gà". Chẳng có ai là "gà" và cũng chẳng ai "nuôi gà” cả. Mọi người đang cố tình lạm dụng ngôn ngữ và cách gọi. Mối quan hệ đó, nói chính xác phải là đồng nghiệp. Việc tìm thấy cái tôi của nhau trong âm nhạc để kết hợp không phải là dễ dàng. Phải có duyên thì mới đến được với nhau. Tôi vẫn đang chờ đợi. Sự hợp tác đôi khi chỉ là hình thức. Từ việc công bố trên báo chí, truyền thông cho đến thực tế có thể rất khác nhau. Tôi và Tấn Minh hay Ngọc Anh, dù là những người cũ của nhau nhưng luôn cố gắng tìm kiếm cái mới để ra mắt khán giả. Cái mới có khi chắc gì đã tốt hơn cái cũ. Hơn nữa, tôi có thói quen, đã trót gắn bó với ai thì khó dứt ra được.

Ít nhất họ cũng đang hát những điều tử tế

Nhưng sự thay đổi ít nhiều vẫn mang lại một hiệu quả nào đó chứ?

Theo tôi là ít lắm. Xã hội hiện nay đang quá phí phạm cái mới, từ thời trang đến âm nhạc. Khi cái mới xuất hiện ồ ạt, người ta sẽ có quá nhiều sự lựa chọn. Họ dễ dàng nhớ và cũng dễ dàng lãng quên. Hiện nay, có rất nhiều ca khúc vừa mới ra đời đã được tung hô, quảng bá, lăng xê nhưng sự tồn tại lại quá ngắn. Vì sau đó, sẽ có nhiều cái mới xuất hiện. Không hay hơn nhưng chỉ cần mới là đã có thể khiến cái trước đó bị đào thải. Sức "vứt" của chúng ta hiện nay đang thật khủng khiếp.

Xã hội - “Tôi sợ nhất việc gọi đồng nghiệp là 'gà'” (Hình 2).

Vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Bảo - MC Thanh Vân và cô con gái cưng Chúc An

Theo anh vì sao sức bền của những bài hát Việt Nam đang ngày càng bị giảm đi?

Có hai vấn đề, thứ nhất có thể nghệ sĩ chưa đi đến tận cùng sự sáng tạo (từ hòa âm, phối khí) để có được một tác phẩm hoàn chỉnh. Cái thứ hai, quan trọng hơn đó là cái thói quen tiêu dùng của người Việt, cái gì cũng chỉ thích dùng một lần, những thứ càng rẻ tiền thì càng được tiêu thụ nhanh nhưng cũng bị đào thải nhanh. Khi một cái gì đó được mua với giá rẻ họ sẽ bớt giữ gìn, nâng niu và quý trọng. Thậm chí sử dụng nó một cách phí phạm. Thói quen này đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân mình nên để thay đổi được rất khó. Thói quen đó không chỉ sẽ hạ thấp nhiều tác phẩm nghệ thuật mà khiến nhiều thứ bị đảo lộn về giá trị. Ví dụ như một bài hát dở nhưng nếu biết cách PR lại được công chúng đón nhận, khen ngợi.

Đó là một sự xót xa của âm nhạc Việt Nam hiện nay?

Tôi thì nhìn nó theo cách cởi mở hơn. Nên xem đây như là một giai đoạn phải có, một sự quá độ theo quy luật khi nghệ thuật đang bị chi phối bởi nhiều thứ. Và cách duy nhất có thể làm đó là chờ đợi cho nó qua đi thôi.

Vì thế mà Đỗ Bảo chọn một lối riêng, nhẹ nhàng và lặng lẽ hơn?

Mình cũng có những sự trăn trở riêng của mình chứ. Tôi nghĩ là ai cũng có vấn đề của riêng mình. Những người đang sống gấp, làm gấp, họ cũng có cái khó. Ngược lại, những người được xem là đang đi tìm những giá trị nghệ thuật chân chính, đàng hoàng hơn cũng có những trở ngại của riêng mình. Khi showbiz bị bão hòa giống như một cơn lốc, thì mọi thứ trong đó, dù tốt hay xấu đều bị chịu chi phối và ảnh hưởng bởi sức hút của lực xoáy.

Như vậy để tồn tại lâu bền trong thời buổi này không phải dễ, nếu dự đoán, anh thấy những cái tên mới mẻ và nóng bỏng hiện nay như Văn Mai Hương, Uyên Linh, họ sẽ như thế nào trong tương lai?

Để dự đoán tuổi thọ của một ngôi sao hay một ai đó thật khó. Tôi chỉ dám đánh giá về hiện tại của họ thôi. Văn Mai Hương và Uyên Linh là người mới của âm nhạc nhưng ít nhất họ cũng đang hát những điều tử tế. Sự ồn ào của họ dù sao nó cũng góp phần làm cho âm nhạc lao xao được một lúc. Dù là không đủ sức để khuấy động một điều gì đó nhưng cũng làm ta nhận ra rằng âm nhạc vẫn đang tồn tại.

Tôi thấy trong khi nhiều đồng nghiệp đang cố gắng thức thời với thị trường bằng cách trở thành ông bầu, người quản lí cho các ca sĩ thì anh vẫn lặng lẽ tập trung cho chuyên môn, anh có nghĩ điều này sẽ khiến mình bị chậm so với những người khác?

Nhiều người hỏi tôi như thế. Họ còn ngạc nhiên khi thấy tôi có vẻ "nhởn nhơ", trong khi nhiều nhạc sĩ khác rất nhạy bén trong cách kiếm tiền. Không phải tôi không làm, mà là không làm được. Mình cũng cảm thấy không được nhanh nhẹn như nhiều người khác. Nhưng biết làm sao, khả năng của mình chỉ đến thế. Hơn nữa, tôi khó thỏa hiệp với những thứ mà mình không thích, dù nó có thể mang lại những lợi ích về tiền bạc.

Xin cảm ơn anh!

Đào Bích