“Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi trong nghề giám khảo”

“Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi trong nghề giám khảo”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
“Nghề giám khảo có thể được đưa lên mây bởi những lời khen ngợi có cánh, cũng dễ dàng bị dìm xuống đáy vì những vạ miệng. Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi của nghề này nên thường cân nhắc rất kĩ trước khi nhận lời làm giám khảo cho một cuộc thi”, Minh Ánh chia sẻ.

Minh Ánh từng được xem là ca sĩ có giọng ca ngọt ngào nhất của Tam ca 3A. Những năm ở đỉnh cao, chị cùng với Ngọc Anh và cô em gái ruột của mình (Minh Anh) đã thực sự làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ với những ca khúc như: Mong ước kỉ niệm xưa, Quán thời gian, Gái xuân, Hơi thở mùa xuân... Sự tan rã của 3A (cũng là đánh dấu sự đi xuống của trào lưu thành lập ban nhạc ở Việt Nam giai đoạn đó) đã để lại tiếc nuối cho nhiều khán giả. Trong cuộc trò chuyện mới đây, Minh Ánh đã có những chia sẻ chân thành về cuộc sống hiện tại.

Xã hội - “Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi trong nghề giám khảo”

Nghệ sĩ Minh Ánh

Ca sĩ cần có chất giọng và đạo đức

Chào Minh Ánh, nhiều khán giả cảm thấy tiếc nuối và khó hiểu trước sự vắng bóng quá lâu trên sân khấu âm nhạc của chị, chị có thể giải thích về sự “mất hút” của mình không?

Tôi chia tay sân khấu với lí do là chuyển sang công tác giảng dạy tại trường Cao đẳng nghệ thuật văn hóa Hà Nội. Bạn biết đấy, việc giảng dạy âm nhạc đòi hỏi phải tập trung và đầu tư thời gian rất lớn. Bởi vậy, mình dần dần ít nhận show và tự nhiên biến mất như thế này. Nhưng có một lí do khác nữa, đó là mình nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi, cần có một bước mới trong sự nghiệp. Nghề ca sĩ có tuổi đời không dài. Nếu đã xác định cái tạng của mình là thế thì nên có những lựa chọn mới để có thể gắn bó bền vững hơn với nghề.

Dường như sau khi lập gia đình là chị "lặn tăm", việc trở thành cô giáo là bước ngoặt tình cờ hay là một giải pháp để “bảo tồn” sự yên ấm của gia đình?

Ồ không, ông xã mình luôn ủng hộ công việc của vợ. Hai năm sau khi lập gia đình, tôi vẫn đi biểu diễn. Còn việc đến với công tác giảng dạy hoàn toàn là một cái duyên bất ngờ. Tôi từng học và tốt nghiệp khoa thanh nhạc tại trường. Sau khi ra trường và gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp, tôi nhận được lời mời trở thành giảng viên từ phía nhà trường. Lời mời đó đến đúng lúc mình muốn có những thay đổi cần thiết trong sự nghiệp. Trước đó gần như tôi không nghĩ mình sẽ làm cô giáo, vì niềm khát khao đam mê đứng trên sân khấu lớn lắm. Nhưng rồi có những điều trong cuộc sống đã đến một cách tình cờ và mang theo những điều may mắn mà chính mình cũng rất bất ngờ.

Từ một ca sĩ chuyển sang công tác quản lý chị gặp nhiều khó khăn không?

Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Công việc quản lý khác xa với công việc của một ca sĩ. Mình vốn là người thích tự do nên khi bị ép vào một khoảng thời gian hành chính mới đầu thấy rất gò bó. Nhưng rồi công việc giảng dạy ngấm vào mình lúc nào không hay. Hôm nào không đến lớp là thấy nhớ. May mắn là mình nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các thầy cô giáo cũ. Đến nay có thể nói mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những bước tiến mới trong nghề.

Ngoài chuyên môn, chị thường dạy học trò của mình điều gì?

Tôi và nhiều đồng nghiệp xung quanh mình vẫn luôn giữ quan điểm: Đã là ca sĩ thì phải có chất giọng, đạo đức. Tôi vẫn thường nói với học trò của mình như thế. Thức thời hơn một chút, họ phải biết tạo phong cách riêng và trau chuốt hình ảnh để gây ấn tượng với khán giả. Sự may mắn cũng đóng vai trò lớn. Nhưng nghệ thuật luôn biết trân trọng những giá trị đích thực.

Con dao hai lưỡi trong “nghề” giám khảo

Gác lại công việc ca hát, người ta thấy chị tham gia một vai trò mới, đó là giám khảo. Chị lựa chọn công việc mới này vì đây đang là nghề hot, kiếm nhiều tiền và có... quyền lực?

Được mời làm giám khảo là vinh dự của mỗi một nghệ sĩ. Nhưng họ tham gia vai trò ấy không phải vì tiền hay quyền lực gì đâu. Vì đó chưa phải là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi. Đúng là “nghề” giám khảo đang hot và để nhận được lời mời này từ phía các nhà tổ chức không phải đơn giản. Nghệ sĩ đó phải có khả năng ứng xử trước đám đông. Chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.

Không ít người cho rằng, nghề này vừa được ăn vừa được nói vừa được gói mang về. Nhưng ít ai biết cái khổ của người làm giám khảo. Họ có thể được đưa lên mây bởi những lời khen ngợi có cánh, cũng dễ dàng bị dìm xuống đáy vì những vạ miệng. Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi của nghề này nên thường cân nhắc rất kĩ trước khi nhận lời làm giám khảo cho một cuộc thi nào đó. Và đó thường là những chương trình mang tính chuyên môn.

Xã hội - “Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi trong nghề giám khảo” (Hình 2).

Ca sĩ Minh Ánh nay đã ở vai trò mới: Giảng viên - nhà quản lý

Dòng nhạc của chị (nhạc nhẹ) đang được các bạn trẻ yêu thích và tìm đến. Nhưng đây cũng là nơi từng xảy ra nhiều thảm họa với thời trang hở hang và ca từ nhảm nhí, chị nghĩ gì về điều này?

"Bệ phóng" cho nhiều ca sĩ ở vai trò mới

Trong khi cô bạn Ngọc Anh tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình thì Minh Ánh lại lặng lẽ rời xa sân khấu. Chị chuyển sang một công việc mới và hiện nay đã trở thành phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Ít ai biết, dù không còn làm ca sĩ nhưng phía sau sự nghiệp và công việc của rất nhiều ca sĩ trẻ hiện nay đều có bóng dáng của chị - một giảng viên thanh nhạc.

Nếu nói thảm họa chỉ có ở mỗi âm nhạc thì chưa thật chính xác. Thảm họa đang có mặt trong hầu như tất cả mọi lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam. Nhưng cũng phải thừa nhận với nhau rằng, showbiz Việt đang có một bài ca buồn. Mình cũng từng là ca sĩ nên nghe ai đó nói về nghề như thế mình cũng buồn lắm. Thời chúng tôi, mọi thứ không quá bon chen và cơ hội như bây giờ. Việc đi hát rất tự nhiên, không quan trọng là phải trở nên nổi tiếng mà chủ yếu là để thỏa mãn được niềm đam mê của mình.

Còn ca sĩ ngày nay, dường như họ tìm đủ mọi cách để được nổi tiếng. Tiêu chí ca sĩ vì thế cũng đã thay đổi rất nhiều so với cách đây khoảng 10 năm. Chỉ cần một ngoại hình ưa nhìn, một giọng hát vừa đủ hay và quan trọng nhất là có một ê kíp lăng xê hùng hậu là họ có thể trở thành một... ngôi sao lớn.

Trước tình trạng ca sĩ ngày càng ăn mặc phản cảm, các cơ quan có trách nhiệm đang đề xuất cần có biện pháp treo giò nghệ sĩ nếu họ vi phạm nhiều lần, chị nghĩ điều này có hợp lí và khả thi không?

Tôi nghĩ là hợp lí quá đi chứ. Và những biện pháp mạnh tay này phải được áp dụng từ lâu. Showbiz Việt đang có quá nhiều rác. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những điều chỉnh trong quy chế và áp dụng mức phạt thỏa đáng để chấn chỉnh.

Một mùa Sao mai điểm hẹn đang đến gần, năm nay chị có nhiều học trò tham gia ở sân khấu này không?

Trường cao đẳng nghệ thuật cũng là một trong những cái nôi đào tạo về nghệ thuật của cả nước, trong đó có ca sĩ. Ở những cuộc thi lớn, chúng tôi đều có đại diện tham gia. Sao Mai năm nay tôi có nhiều học trò thử sức ở sân chơi thú vị này. Họ khá tiềm năng. Tôi và các đồng nghiệp sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho học trò của mình.

Khi lựa chọn công việc quản lí, người nghệ sĩ phải chấp nhận hi sinh trong nghệ thuật. Nhìn lại những thành công của Ngọc Anh và những đồng nghiệp khác, có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng vì sự ẩn cư sớm của mình?

Tôi chưa bao giờ chạnh lòng với thành công của Ngọc Anh. Ngược lại luôn ủng hộ và chúc mừng cho những phát triển trong sự nghiệp của cô ấy. Lúc còn gắn bó với nhau trong ban nhạc 3A, chúng tôi đã có quan điểm, dù là tam ca nhưng luôn cố gắng tạo điều kiện cho mỗi thành viên có thể tỏa sáng và khẳng định mình. Những năm tháng bên 3A là những giây phút đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất của tôi trong nghiệp ca sĩ. Rồi chúng tôi có những lựa chọn mới và chưa bao giờ làm một phép so sánh nào. Bởi mỗi người đều bằng lòng với con đường riêng của mình.

Cảm ơn Minh Ánh về cuộc trò chuyện.

Đào Bích