Tôi yêu nghề báo đầy gian nan

Tôi yêu nghề báo đầy gian nan

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Được đi nhiều, được gặp gỡ nhiều người… Đó là tất cả những gì tôi nghĩ khi chọn nghề báo để thi Đại học.

Nổi tiếng, quan hệ rộng là… nhà báo

Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn - ngôi trường tôi gắn bó suốt bốn năm đại học, ngôi trường dạy tôi bao thứ trước khi tôi lăn xả ra giữa trường đời xô bồ và lắm trái ngang. Ngôi trường có những người bạn thân, người đã cười, đã khóc, đã cùng tôi …ăn mì tôm những ngày đói.

Nghề báo, khi đó trong hình dung của chúng tôi, vẫn đầy ảo vọng, xa xôi. Đó là chị Thu Thủy (hiện đang làm ở VTV3), là chị Thùy Dương (ở VTV6, trong chương trình Đối thoại trẻ), là anh Minh Vũ (trong chương trình Hãy chọn giá đúng)…. Họ là những người nổi tiếng của Truyền hình Việt Nam.

Thần tượng của tôi là nhà báo, MC Lại Văn Sâm - người tôi ngưỡng mộ khi còn là một cô bé chỉ biết ăn và học. Là sự hiểu rộng, biết nhiều. Là phong cách lịch lãm. Là tài phỏng vấn. Là sự vui nhộn…. Người mà đến bây giờ khi nhắc đến tôi vẫn thấy háo hức, vẫn muốn một lần bắt tay, nói chuyện. Dù có thể lúc đó, chẳng biết nói gì. Trong chương trình “Khách của VTV3”, đã được tận mắt nhìn thấy Lại Văn Sâm mà không thể xin chữ ký, không được bắt tay - điều tôi tiếc nhất, tiếc đến bây giờ.

Sự kiện - Tôi yêu nghề báo đầy gian nanẢnh minh họa, nguồn: internet

Học đại học, được biết thế nào là các thể loại báo chí, biết thế nào là: tin, phóng sự, phản ánh và thể loại làm tôi “chết mê chết mệt” là phóng sự. Tôi mê phóng sự của Xuân Ba - chất phóng sự đậm đà tính đời thường, cái lối viết cuốn hút người ta không dứt ra được, sự mô tả tường tận, chi tiết đến lạ, cảm giác như ta được sờ, được chạm, được chứng kiến. Tôi say chất phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân, những phóng sự đầy “cát bụi của đời”. Những người tôi biết đến khiến tôi nghĩ: báo chí là nổi tiếng, là biết nhiều và được nhiều người nể phục. Có thể lắm đấy cái “quyền lực thứ tư” mà thầy tôi vẫn dạy.

Thầy tôi là một cây bút phóng sự có tiếng. Tôi yêu bài giảng của thầy với đầy kinh nghiệm thực tế, tôi ngưỡng mộ những nơi thầy đi qua, những vụ việc thầy phanh phui, bảo vệ người dân. Chính thầy cũng làm tôi yêu cái nghề này hơn.

Thế đấy, nghề báo trong tôi những ngày đầu đẹp tựa giấc mơ như thế, đầy màu hồng của vinh quang nghề nghiệp.

Bị hành hung, đi tù cũng là nhà báo

Năm 2011, báo chí rầm rộ vụ nhà báo Hoàng Hùng - báo Lao động bị vợ đốt. Cũng sau vụ đó, hàng loạt những vụ hành hung nhà báo mới hé lộ. Nếu lên Google tra đánh vào từ nhà báo, có hàng loạt các cụm từ khác hiện ra : “nhà báo bị đốt, nhà báo bị giết”. Và chỉ cần 0,20s tìm kiếm cụm từ “nhà báo bị hành hung thì có đến hơn 38.000.000 kết quả liên quan. Chứng tỏ mặt khuất của nghề báo cũng có một mảng khá lớn.

Khi nhà báo Trần Thế Dũng - báo Người lao động, bị hành hung dã man ở Lạng Sơn khi đang tác nghiệp. Người ta phẫn uất bao nhiêu, bức xúc bao nhiêu thì cũng giật mình ngã ngửa bấy nhiêu khi 10 kẻ hành hung nhà báo chỉ bị “xử phạt hành chính”.

Quen anh bạn làm ở báo Pháp luật&Xã hội, thỉnh thoảng cũng tán chuyện. Một ngày tôi giật mình khi “anh vừa bị dọa giết, động đến xã hội đen cũng khiếp. Nhưng quen rồi. Cẩn thận chút là ổn”. Nghe anh tâm sự, tôi giật mình: giết? Tôi thắc mắc: “Sao bị dọa nhiều mà vẫn làm báo hả a?”. Anh cười: “Buộc duyên với cái nghề mất rồi em ạ. Mê đến không bỏ được”. Cái duyên cái số nó vồ… nghề báo. Phải chăng tôi cũng thế?

Nhưng thú thật là tôi sợ. Không biết rằng sau này nếu rơi vào trường hợp đó, sẽ thế nào?

Nghề gian nan, nhưng tôi vẫn chọn

Dẫu biết rằng còn muôn vàn gian khổ phía trước, vẫn biết “nghề báo-nghề nguy hiểm”, vẫn biết “con gái báo chí sẽ ế, chẳng trụ được lâu đâu”. Nhưng cũng như anh bạn tôi nói “cái duyên buộc với nghề” nên con đường đi tôi vẫn đi. Giờ thì tôi hiểu, sao bố mẹ không muốn tôi chọn nghề này, vẫn biết sao bố muốn tôi thi sư phạm.

Ngày đi tác nghiệp, thấy con gái chạy xô từ sáng đến chiều tối, đêm về còn ôm cái máy tính gõ gõ. Bố tôi đã sót ruột nhìn mà giục đi ngủ bao lần. Bố đã ái ngại nhìn tôi mà khuyên: “Học văn bằng 2 sư phạm đi con, bố thấy vất vả thế, lại như mấy ông nhà báo bị hành hung trên tivi”. Câu nói bố tôi bỏ ngỏ. Biết bố lo, tôi quay lại cười và bảo: “Con không làm mảng xã hội, bố đừng lo. Con gái bố biết làm thế nào mà”. Nói là cho bố yên lòng. Nhưng, bố đâu biết tôi vẫn theo mảng xã hội, vẫn đang muốn theo… phóng sự.

Con gái chỉ là vì yêu cái nghề. Có thể, bố sẽ hiểu con. Nghề con vẫn chọn: nghề báo.

Đông Bích