Tổng Bí thư: 'Chọn cán bộ không nên chỉ… độc diễn'

Tổng Bí thư: 'Chọn cán bộ không nên chỉ… độc diễn'

Thứ 3, 14/05/2013 | 08:32
0
“Việc bầu bổ sung nhân sự vào Bộ Chính trị vừa qua, về số lượng thì chưa đạt yêu cầu. Việc đó TƯ cũng không hài lòng. Tuy nhiên, cơ chế bầu phải có số dư. Chọn cán bộ không nên chỉ độc diễn. Nhưng cũng vì vậy, đôi khi kết quả bị phân tán”…

Đó là nội dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi trước băn khoăn của đại biểu về kết quả bầu bổ sung 2 nhân sự vào Bộ Chính trị vừa qua trong cuộc họp tiếp xúc cử tri quận Ba Đình trước kỳ họp Quốc hội thứ 5 chiều 13/5.

“Chúng tôi cũng lo về việc lấy phiếu tín nhiệm”

Cử tri Lâm Thắng (phường Thành Công) băn khoăn thời điểm hiện nay lấy phiếu đã thực sự phù hợp chưa nhất là trong bối cảnh vừa diễn ra hai sự kiện quan trọng là thực hiện Nghị quyết TƯ4 về chỉnh đốn Đảng và TƯ cũng vừa họp xong Hội nghị TƯ 7 với một nội dung quan trọng về công tác nhân sự. Ông Thắng tỏ ý nghi ngại về hiệu quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đến nay chưa đem lại kết quả như mong muốn, có người có việc tưởng đã rất rõ nhưng rồi vẫn không xử lý kiên quyết, triệt để được, để sự việc tiếp tục trôi qua.

Liên hệ với việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội kỳ này, ông Thắng băn khoăn, nếu không chuẩn bị tốt có thể dẫn đến một “kết quả ngược”. Điều đó, theo đại biểu là rất nguy hiểm vì có cán bộ sẽ coi kết quả lấy phiếu đó làm “bùa hộ mệnh” cho mình để che giấu phẩm chất, năng lực kém. Nếu người kém về năng lực nhưng giỏi “chạy”, giỏi vận động sẽ được nhiều phiếu còn cán bộ trung trực, có năng lực, lại nhận phiếu ít hơn thì việc lấy phiếu trở thành “tác dụng ngược”.
Xã hội - Tổng Bí thư: 'Chọn cán bộ không nên chỉ… độc diễn'
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhận được nhiều quan tâm của cử tri quận Ba Đình.

Cử tri này dẫn chứng vụ việc cụ thể vừa xảy ra ở một trường ĐH lớn tại Hà Nội khi Hiệu trưởng vừa nghỉ thì ông Hiệu phó liền tổ chức một bữa đại tiệc ở một nhà hàng lớn để vận động, có gửi quà đến tất cả những người có thẩm quyền để bỏ phiếu bầu cho mình.

Ông Thắng kiến nghị: “Cần lãnh đạo chặt chẽ việc tổ chức lấy phiếu, không chủ quan, đơn giản, vội vàng ở các khâu, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên làm tràn lan. Nếu phát hiện có ai chạy chọt, vận động, mua chuộc thì phải hủy ngay kết quả lấy phiếu của người đó”.

Cảnh báo việc có thể… làm oan cán bộ qua lấy phiếu, ông Thắng cho rằng, khi đánh giá cán bộ cần đề cao phẩm chất, đạo đức của người đó thông qua thực tiễn, qua hiệu quả công việc. Đó mới là thước đo tiêu chuẩn. Còn việc lấy phiếu tín nhiệm, theo ông Thắng, cũng chỉ nên để tham khảo.

Trung tướng Phạm Hồng Cư (cử tri phường Liễu Giai) nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là việc nên làm. Việc lấy phiếu lần đầu tại Quốc hội tới đây rất thuận vì đã có quá trình hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Ông Cư đề xuất lấy kết quả tự kiểm điểm, tự phê bình của các cán bộ thời gian qua để đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ đánh giá về các chức danh được lấy phiếu.

Ngoài ra, tướng Cư đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát cán bộ để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Ghi nhận nhiều kết quả đạt được từ hoạt động chỉnh đốn trong Đảng, đại biểu bày tỏ mong muốn TƯ Đảng kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng để khôi phục lòng tin của nhân dân.

Ghi nhận các ý kiến góp ý của cử tri là rất sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích thêm về chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Ở mức độ “lấy phiếu”, ông Trọng chỉ rõ, việc này không chỉ tiến hành ở Quốc hội mà ở cả các địa phương, đoàn thể. “Lấy phiếu tín nhiệm nói nôm na là đánh giá hàng năm xem lãnh đạo này được tín nhiệm cao hay thấp, tín nhiệm trung bình hay không còn tín nhiệm nữa. Việc này khác với bỏ phiếu tín nhiệm, khi đã mang ra bỏ phiếu tín nhiệm nghĩa là tổng thế, tín nhiệm đã mất rồi” – Tổng Bí thư nói.

Lấy phiếu, theo đó, là một bước làm thận trọng để đánh giá cán bộ vì chỉ có hệ quả nếu 2 năm liên tiếp không đạt. 2 năm, theo đánh giá của người đứng đầu TƯ Đảng, cũng là thời hạn tương đối để đo đếm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: “Phải thận trọng để xem những kết quả lấy phiếu có thể hiện chính xác hay bị méo mó, bị bẻ đi, bị sai lệch dẫn đến việc người tốt thì bị loại bỏ, người lệch lạc lại được tín nhiệm, rồi chạy chọt, lôi kéo những người khác…”. Điều đó cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, cần trong sáng, công tâm, bản lĩnh và trình độ khi thể hiện ý kiến của mình.

Tổng Bí thư cũng lưu ý vấn đề cung cấp thông tin đầy đủ cho đại biểu để quyết định. Ông Trọng nhắc nhở, thông tin trong thời hiện đại rất nhiều, không cẩn thận, người tốt lại bị “vu vạ” trên mạng mà không biết thật giả như nào. Tin vào những thông tin độc hại ấy mà không kiểm chứng, ông Trọng cảnh báo là sức nguy hiểm.

“Không chỉ cử tri mà chúng tôi cũng rất lo, phải làm sao việc bỏ phiếu chính xác. Phải đánh giá đúng cán bộ, còn phiếu tín nhiệm chỉ là để tham khảo. Tuy nhiên kết quả lấy phiếu cũng rất quan trọng. Ngoài ra phải đánh giá qua thực tiễn quá trình công tác, qua sự giám sát của Quốc hội và nhân dân” – ông Trọng nhắc.

Người đứng đầu Đảng cho biết thêm, cuối năm nay các cơ quan Đảng cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm kết hợp với việc phê bình và tự phê bình để đánh giá mức tín nhiệm của các Đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, để kịp thời cảnh báo, răn đe mỗi người kịp thời sửa chữa, thay đổi, chấn chỉnh bản thân.

Nhân sự - cơ bản là đảm bảo lựa chọn chính xác

Trao đổi thêm những nội dung khác được cử tri quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là dịp thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước. Việc lấy ý kiến được chuẩn bị chu đáo. Vấn đề hiện tại, theo ông Trọng là phải tiếp thu, chọn lọc, nói rõ những điểm tiếp thu, điểm nào cần giải trình khi không tiếp nhận và điểm nào sai trái cần phải kiên quyết phê phán, phản bác.

Các ý kiến còn tranh luận, còn quan điểm khác nhau sẽ được tiếp tục đưa ra Quốc hội thảo luận, cân nhắc. Các nội dung thể hiện trong dự thảo mới cũng chưa phải là “chốt cứng ngay”. Kỳ họp tới đây, Quốc hội thảo luận một lần và vẫn còn một kỳ họp cuối năm 2013 nữa mới thông qua. Nhấn mạnh việc sửa Hiến pháp là quan trọng vì đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với nhà nước, đồng thời mang ý nghĩa thiêng liêng với cả dân tộc, Tổng Bí thư khẳng định, các bước làm sẽ hết sức cẩn trọng.

Đáp lại chất vấn của đại biểu Lâm Thắng về thời điểm bầu bổ sung 2 ủy viên Bộ Chính trị trong Hội nghị TƯ 7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích việc này là cần thiết. Đã ở giai đoạn giữa của nhiệm kỳ nếu không bầu bổ sung thì không tăng cường được nhân sự trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong khi từ đầu nhiệm kỳ đã quyết định số lượng 15 – 17 ủy viên Bộ Chính trị, 9 – 11 ủy viên thành viên Ban Bí thư. Để mãi tình trạng “tạm khuyết”, ông Trọng phân tích, khi cần, người “được nhắm” lại quá tuổi quy hoạch.

“Quan trọng là chọn nhân sự có đúng không, có công tâm, khách quan không, và cách làm có bảo đảm dân chủ, tập trung, chặt chẽ, lắng nghe nhiều và lựa chọn làm sao cho chính xác hay không. Còn thẩm quyền quyết định vẫn là của Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để TƯ quyết” - ông Trọng phân tích

Tổng Bí thư thông báo kết quả bầu bổ sung được 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 ủy viên Ban Bí thư so với dự kiến thêm 3 ủy viên Bộ Chính trị, 2 ủy viên Ban Bí thư.

Cử tri Lâm Thắng cho rằng, kết quả bầu cũng khiến nhiều cử tri, người dân cảm thấy khó hiểu bởi qua hai vòng bầu nhưng chỉ bổ sung được 2 người. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao Ban chấp hành TƯ với 175 ủy viên chính thức mà chỉ chọn được 16 người vào Bộ Chính trị. Phải chăng 161 ủy viên TƯ còn lại không ai đủ tiêu chuẩn?

Ông Trọng xác nhận: “So với yêu cầu về số lượng thì chưa đạt. Việc đó TƯ cũng không hài lòng. Nhưng cơ chế bầu của chúng ta là phải có số dư, trong không khí dân chủ này phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Tuy nhiên, như vậy đôi khi, số phiếu lại bị phân tán”.

Theo Dân trí

'Cử tri có quyền bầu cũng phải có quyền bãi nhiềm ĐBQH"

Thứ 5, 28/02/2013 | 14:38
Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TPHCM) góp ý, ở khoản 2, Điều 7 về phát huy dân chủ, Hiến pháp cần khẳng định rõ, cử tri có quyền bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội thì cũng có quyền bỏ phiếu bãi miễn Đại biểu Quốc hội khi Đại biểu đó không xứng đáng.

Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm: Lần đầu tự chấm điểm

Thứ 2, 06/05/2013 | 16:14
Báo cáo công tác của một số ít quan chức thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm rất ngắn, chỉ chừng 1,5 trang A4.

Tháng 6, lấy phiếu tín nhiệm cùng lúc Chủ tịch nước, Thủ tướng

Thứ 6, 22/03/2013 | 14:06
Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành nửa buổi làm việc để lấy phiếu tín nhiệm với 49 nhân sự cấp cao. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… sẽ được lấy phiếu cùng lúc.

Lấy phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp

Thứ 2, 13/05/2013 | 08:37
Dự kiến ngày mai (14-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên thứ 18 kéo dài trong ba ngày để chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm của Quốc hội, trong đó có việc nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được thực hiện.