Tổng hợp tình hình bão ở miền Trung

Tổng hợp tình hình bão ở miền Trung

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Theo TTKTTVTƯ, hồi 04h ngày 30/7, vị trí tâm bão cách bờ biển Thái Bình Hà Tĩnh khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Như vậy khoảng trưa nay (30/7) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Dự kiến tối 30/7 sẽ về đến Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đến 16h ngày 30/7, vị trí tâm bão ở trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang triển khai nhanh các biện pháp đối phó với bão số 3.

Tại Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, đối phó. Các huyện đang chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…”. Trước đó, tỉnh đã cử các đoàn cán bộ lên các huyện miền núi Phía Tây Nghệ An, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và khả năng sạt lở đất để kiểm tra các phương án phòng, chống lụt bão ở đây.

Do ảnh hưởng của bão, sáng nay, tại các huyện ven biển của Nghệ An như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò và khu vực Thành phố Vinh và các huyện ven biển của tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu có mưa rào và giông, gió bắt đầu thổi mạnh. Theo dự báo, cơn bão Nock-ten sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Nghệ An.

Rạng sáng 30/7, tại hai khu chung cư C8, C9 Quang Trung (thành phố Vinh, Nghệ An), người dân bắt đầu lục tục dậy để dọn đồ đạc, chuẩn bị sơ tán.. Đây là khu chung cư cũ nát, có thể đổ khi gặp bão chính vì vậy 110 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu sống ở khu vực này đều sẵn sàng di chuyển.

Cũng trong sáng 30/7, các cơ quan chức năng đã gấp rút tiến hành sơ tán người dân các huyện ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Nghệ An đã huy động mọi lực lượng, phương tiện để chống bão số 3 dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền vào 31/7/2011. Giám đốc Công an Nghệ An đã lệnh cho các phòng ban, và các huyện trực 100% quân số, sẵn sàng đối phó với cơn bão. Bên cạnh đó, công tác hậu cần cũng được triển khai kịp thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất để cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ người dân khi cần thiết.

Tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương chủ động phòng chống cơn bão số 3. Theo đó, các ngành phải thường xuyên theo dõi thông tin về cơn báo, trực 24/24h. Các cuộc họp chưa cần thiết đều được hoãn để tập trung đối phó với bão số 3.

Thực hiện công điện này, các huyện đã triển khai họp Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, phân công, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để phòng chống cơn bão; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm để cần thiết đề phòng bị chia cắt dài ngày.

Các lực lượng chức năng tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, cột điện, biển hiệu, chặt tỉa cành cây. Đảm bảo cho các công trình hạ tầng, nhất là các công trình hồ chứa, đường giao thông, công trình đê điều, tiêu úng và phòng chống lụt bão. Chủ động phương án sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ lực lượng, thuốc men để cấp cứu khi cần thiết.

Chiều 29/7 nghe tin bão, các dãy hàng quán, kiốt ở khu du lịch biển Cửa Lò đã bắt đầu dọn hàng. Anh Nguyễn Văn Việt, một chủ kiốt kinh doanh ở sát bãi biển Cửa Lò cho biết, năm ngoái do bão đến bất ngờ nên toàn bộ kiốt của gia đình anh bị phá tan tành. “Rút kinh nghiệm, năm nay bão chưa đến nhưng nghe tin có bão, cả gia đình đã tháo dỡ mái che, gia cố mái tôn và vận chuyển đồ đạc có giá trị như tivi, tủ lạnh, máy phát điện về nhà đề phòng bão đổ bộ”, anh Việt nói.

Trung tâm phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, trưa 29/7, tất cả tàu thuyền đã nhận được thông báo về đường đi của bão Nock-ten. Trong đó hơn 4.300 tàu thuyền với hơn 22.000 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn. Các cơ quan chức năng đang ra sức kêu gọi 115 tàu với gần 600 lao động trên biển đi tìm nơi trú ẩn.

Tại làng biển xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, từ mấy ngày nay, ngư dân đi biển đã được lệnh trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, lệnh cấm biển cũng được triển khai. Người dân xã Nghi Thiết đang ra sức néo giữ nhà cửa, tổ chức lại vị trí neo đậu của tàu thuyền để tránh bão.

Tại Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công điện khẩn số 18/CĐ-UBND để giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp chủ động đối phó.

Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cũng đang chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng dọc bờ biển khẩn trương thông báo, hướng dẫn và giúp ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ trú ẩn. Sáng nay, 30/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Chánh văn phòng UB tìm kiếm cứu nạn quốc gia Nguyễn Văn Bình đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại huyện Lộc Hà và Nghi Xuân và hồ Kẻ Gỗ.

Tại cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), đến 11h trưa, đã có 631 tàu về âu thuyền tránh bão, trong đó có 52 tàu ngoại tỉnh. Công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn và tổ chức chằng chống neo đậu đang được tiếp tục triển khai.

Tại Nghi Xuân, từ chiều 29/7, BCH PCLB huyện đã có công điện chỉ đạo các xã ven biển, ven sông kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đối với công trình đập Đá Bạc đang thi công, huyện đã bố trí lực lượng xử lý khi có tình huống xẩy ra.

Theo báo cáo của Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, đến15h ngày 29/7, toàn bộ 3.788 tàu cá và 13.717 lao động đã nắm được thông tin về bão số 3. Hiện có 1.052 tàu thuyền với 2.504 lao động đang đánh bắt trên biển, trong đó có 12 tàu (84 lao động) đánh bắt xa bờ. Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đang phối hợp với Biên phòng tỉnh, UBND các huyện tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp các tàu thuyền ở khu neo đậu đảm bảo an toàn.

Chiều 29/7, các đơn vị nhà thầu đang hoạt động trên khai trường mỏ sắt Thạch Khê đã tổ chức các biện pháp cấp bách phòng chống, sơ tán người và thiết bị, máy móc đang hoạt động về vị trí an toàn. Cùng ngày, để đề phòng mưa lớn phá vỡ hệ thống thoát nước trong moong mỏ, Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã cho lắp đặt 2 máy bơm nước công suất lớn để sẵn sàng bơm nước ra ngoài. Đồng thời huy động máy móc gia cố đê bao đề phòng sạt lở cát từ bãi thải nằm gần khu vực dân cư thuộc 2 xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn. Người dân 2 xã này cũng đã được cảnh báo nguy cơ sạt lở cát để có phương án chủ động đối phó với tình huống xấu nhất có thể xẩy ra.

Phát biểu chỉ đạo tại các điểm kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, đây là cơn bão diễn ra vào thời điểm bất thường (sớm hơn mọi năm) và trong thời điểm đang thi công các công trình xây dựng, các hồ đập và cũng đang trong thời kỳ thu hoạch các loại thủy hải sản. Yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của cơn bão, thông tin kịp thời cho người dân và chuẩn bị mọi phương án để chủ động đối phó có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

Phó Chánh văn phòng UB tìm kiếm cứu nạn quốc gia Nguyễn Văn Bình đánh giá cao công tác phòng chống bão của Hà Tĩnh.

Tại Quảng Nam, biên phòng đã và đang thông báo về bão số 3 cho các tàu biết để chủ động phòng tránh. Trung tá Nguyễn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Quảng Nam, cho biết đơn vị luôn trực 24/24 giờ với 100% quân số và tàu cứu hộ nhằm đảm bảo tốt nhất việc cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Tại Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết, tỉnh đã có hai công điện gửi các địa phương. “Đây là một trong những cơn bão đầu mùa, người dân dễ có tâm lý chủ quan nên triển khai sớm việc ứng phó để mọi người chủ động” - ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, nói.

Tại thời điểm này các tỉnh miền Trung cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Cơ quan chức năng cho biết, đã thông báo khẩn cấp đến các địa phương triển khai kế hoạch bảo vệ gấp rút thu hoạch nhằm giảm bớt những ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do ngập lụt, mưa bão gây ra.

Loan Nguyễn – Lê Quyết