Top 10 sự kiện khó quên của ngành y tế năm 2016

Top 10 sự kiện khó quên của ngành y tế năm 2016

Thứ 3, 27/12/2016 | 08:29
0
Năm 2016, ngành y đã có nhiều sự kiện tạo nên kỳ tích như ghép tạng xuyên Việt, sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi –rubella nhưng năm vừa qua cũng có “dấu lặng” mà ngành y phải giải quyết.

1/ Nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Xã hội - Top 10 sự kiện khó quên của ngành y tế năm 2016

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ mới. Ảnh: Internet

Sáng 28/7, Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới. Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được phê chuẩn với số phiếu cao thứ 7 (93,52% tổng số đại biểu đồng ý). Bà là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ mới và cũng là là thành viên Chính phủ duy nhất không phải là uỷ viên Trung ương Đảng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng giảng dạy tại ĐH Y Hà Nội, sau đó làm Viện trưởng Pasteur TP.HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, ĐH Y dược TP.HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết…

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực tạo sự thay đổi đáng kể trong ngành y tế, đặc biệt trong vấn đề giảm tải, thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, lập đường dây nóng, nâng cao chất lượng y tế cơ sở… Dù vậy ngành Y vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

2/ Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ

Xã hội - Top 10 sự kiện khó quên của ngành y tế năm 2016 (Hình 2).

 Em bé mang thai hộ đầu tiên ra đời. Ảnh: Internet

Vào 7h20 ngày 22/1/2016, em bé đầu tiên được sinh ra từ mang thai hộ đã chào đời tại BV Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh, đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ và thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015.

Đến nay, cả nước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ (TP.HCM) và BV TƯ Huế.

3/ Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi bằng rô bốt cho người lớn

Ngày 10/12/2016, BV Bình Dân (TP. HCM) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng rô bốt và khánh thành khu phẫu thuật bằng rô bốt.

Đây là hệ thống rô bốt phẫu thuật thứ hai được bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Trước đó, năm 2013, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em.

Đây là hệ thống rô bốt phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.

4/ Sản xuất thành công vắc xin phối hợp Sởi-Rubella

Ngày 8/11, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (bộ Y tế) đã thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phối hợp sởi-rubella. Đây là vắc xin sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vắc xin này sẽ được dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.

5/ Kỳ tích ca ghép tạng xuyên Việt

Xã hội - Top 10 sự kiện khó quên của ngành y tế năm 2016 (Hình 3).

 Các bác sĩ bệnh viện Việt Đức khẩn trương thực hiện ca ghép tạng. Ảnh: Internet

Ngày 5/6, BV Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thực hiện thành công 2 ca ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, một bệnh nhân bị chết não do tai nạn giao thông tại TP.HCM đã hiến tạng. BV Chợ Rẫy thực hiện ghép 2 quả thận, giác mạc. Còn Bệnh viện Việt Đức đã cử cán bộ vào TP.HCM lấy tạng, rồi chạy đua với thời gian, thực hiện thành công ca ghép tim và gan cho bệnh nhân.

Đây là ca ghép đặc biệt, bởi ngoài quãng đường di chuyển gần 2.000km còn do bệnh nhân cho tạng đã chết não ngày thứ 5. Trong khi thế giới khuyến cáo, thời gian lấy tạng tốt nhất là 13 tiếng kể từ thời điểm chết não. Đây là một kỳ tích thể hiện trình độ của các y, bác sĩ VN trong kỹ thuật ghép tạng.

6/ Tăng giá dịch vụ y tế

Năm vừa qua, bộ Y tế đã tiến hành đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao, theo đúng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, chuyển ngân sách nhà nước đang cấp tiền lương cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời thực hiện chủ trương giảm số người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trong năm 2017 bộ Y tế sẽ tính phương án điều chỉnh giá khám bữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện gần 80% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, 20% chưa tham gia trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Để giảm bớt gánh nặng cho nhóm này, bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tham gia bảo hiểm y tế.

7/ Bộ Y tế triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Năm 2016, Bộ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Sau một năm thực hiện, đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”.

Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp: Môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp vốn là những phần không thể thiếu trong tiêu chí quản lý chất lượng, trong đó có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế.

Tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh…

8/ Hy hữu đau chân trái mổ nhầm chân phải

Vụ việc hy hữu này xảy ra tại khoa Chấn thương chỉnh hình 3, bệnh viện Việt Đức. Theo đó, chiều ngày 19/7, bênh nhân nam Trần Văn Thảo, 37 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) được đưa vào khoa Chấn thương chỉnh hình 3, bệnh viên Việt Đức để phẫu thuật chân bị liệt. Nhưng thay vì phẫu thuật điều trị chứng liệt ở chân trái thì các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức lại phẫu thuật nhầm sang chân bên phải.

Ngay sau khi sự việc được phản ánh, bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu BV Việt Đức xác minh, xử lý vụ mổ nhầm chân bệnh nhân đồng thời chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh ở bệnh viện.

9/ Clip chấn động tố nhân viên y tế nhận xấp phong bì

Ngày 2/6, trên mạng xã hội lan truyền một clip có độ dài gần 2 phút của tài khoản người dùng có tên là Hoàng Diệu. Nội dung clip được quay tại Bệnh viện K, ghi lại cảnh người nhà bệnh nhân đưa cho một nữ cán bộ y tế một xấp phong bì rất dày. Nữ cán bộ này trao đổi lại chỉ nhận phong bì giúp phẫu thuật viên, phụ mổ, gây mê người nhà phải tự đưa. Cán bộ này còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân mang phong bì đưa cho những nhân viên y tế khác.

Ngay sau khi xuất hiện clip,  cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế đã có công văn gửi giám đốc BV K yêu cầu khẩn trương xác minh clip, xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc.

10/ Bảo vệ bệnh viện Nhi Trung Ương chặn xe cấp cứu

Ngày 6/7, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh giằng co giữa một nhóm bảo vệ BV Nhi Trung ương với một lái xe cứu thương và người nhà bệnh nhân từ Nghệ An. Theo người đăng tải đoạn video, chiếc xe cứu thương và người nhà bệnh nhân từ Nghệ An ra bệnh viện Nhi Trung ương đưa một bệnh nhi 9 tháng tuổi (quê huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) từ bệnh viện nhi về nhà.

Em bé này được đưa ra bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu nhưng do bệnh hiểm nghèo, người nhà tự nguyện xin các bác sỹ cho xuất viện về nhà. Do không có tiền thuê xe từ bệnh viện Nhi Trung ương nên người nhà bệnh nhi đã nhờ một lái xe cứu thương từ Nghệ An ra Hà Nội đón về. Tuy nhiên khi chiếc xe cấp cứu vừa qua khỏi cổng bệnh viện để vào đón bệnh nhi thì bảo vệ ở đây đã mang cả dây ra ngăn cản, dùng xích khóa chiếc xe cứu thương lại, không cho ra.

Ngay sau khi báo chí, các cơ quan chức năng làm rõ thông tin, 3 bảo vệ trong kíp trực này đã bị cho nghỉ việc. Ngay sau sự việc xảy ra, bộ Y tế đã có Công văn số 737/KCB-QLCL ngày 7/7/2016 chấn chỉnh công tác vận chuyển người bệnh ra, vào tại các cơ sở KCB.

Hoàng Mai

Cùng tác giả

Chụp ảnh trẻ ngày khai trường đưa lên mạng có bị phạt?

Thứ 5, 29/03/2018 | 11:37
“Khi các nhà báo làm tin ngày khai trường mà sử dụng hình ảnh các học sinh trong bài báo có bị vi phạm khi không phải ai chụp ảnh cũng xin phép? Lúc này có thể xảy ra khiếu kiện, tranh chấp nếu các quy định và định nghĩa về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân không rõ ràng và phù hợp văn hóa Việt Nam”, TS.Nguyễn Trọng An nêu băn khoăn về việc xử phạt vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa được bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến.

Vụ phụ huynh ép cô giáo quỳ: Giáo dục sẽ về đâu?

Thứ 2, 26/03/2018 | 19:00
Dù đang mang bầu, nữ sinh thực tập tại trường mầm non Việt – Lào (TP. Vinh, Nghệ An) vẫn bị phụ huynh ép quỳ gối xin lỗi. Nếu không ngăn chặn hiệu quả những vụ bạo lực với giáo viên như vậy, tôi lo nền giáo dục của chúng ta chưa biết sẽ đi về đâu?

Vụ tin đồn Phó Bí thư Thanh Hóa có “bồ nhí”: Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin

Thứ 7, 24/03/2018 | 06:00
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, lần này Thanh Hóa cũng phản ứng tương đối nhanh với tin đồn liên quan đến Phó Bí thư tỉnh. Bởi ứng xử với thông tin xấu, độc chỉ bằng chính thông tin chính thống, minh bạch, kịp thời thì tự thông tin sai sẽ bị loại bỏ.

Nếu còn PCCC qua loa, sẽ có vụ tương tự cháy chung cư Carina Plaza

Thứ 6, 23/03/2018 | 14:10
PGS.TS. Đại tá Ngô Văn Xiêm cho rằng, vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) khiến 13 người chết thực sự là quá đau lòng. Còn nhiều chung cư khác ở TP.HCM, TP.Hà Nội... chưa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn cho người dân về ở. Nếu có cháy, hậu quả sẽ thảm khốc.

Giới siêu giàu “phất” lên nhờ bất động sản: Nên mừng hay lo?

Thứ 6, 23/03/2018 | 06:10
Nhìn vào top những người giàu nhất Việt Nam và các tỉ phú vừa được Forbes vinh danh, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, bất động sản ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận.