TP.HCM: Sáp nhập quận cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

TP.HCM: Sáp nhập quận cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Thứ 4, 28/12/2016 | 21:10
0
Đề xuất sáp nhập các đơn vị hành chính ở TP.HCM đang được dư luận hết sức quan tâm. Có ý kiến cho rằng điều này sẽ làm khó cho người dân. Nhưng, cũng có ý kiến ủng hộ vì sẽ tiết kiệm ngân sách,...

Mới đây, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Đỗ Văn Đạo (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM) đề xuất việc sáp nhập một số đơn vị hành chính phường, quận trên địa bàn TP.HCM. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin ngày 28/12, ông Đỗ Văn Đạo cho biết: “Đây không phải là đề án chính thức mà chỉ là sự nghiên cứu ban đầu...”.

Theo ông Đạo, sở dĩ có nghiên cứu này là bởi, theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về việc yêu cầu là không chia tách để tinh giảm biên chế. Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng “khuyến khích sáp nhập, hạn chế chia tách để gọn bộ máy nhà nước”. Vì thế, Sở Nội vụ TP.HCM mới đề xuất việc sáp nhập này để sắp xếp lại bộ máy hành chính cho tinh gọn, hiệu quả hơn.

Xã hội - TP.HCM: Sáp nhập quận cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

 Tại buổi làm việc với thành ủy TP.HCM, PGĐ Sở Nội vụ - Đỗ Văn Đạo đề xuất

Khi nói về những thuận lợi và khó khăn khi sáp nhập, Phó giám đốc Sở Nội vụ cũng bày tỏ: “Nếu chúng ta thực hiện được việc sáp nhập bộ máy hành chính, sẽ tránh được việc phải mở thêm quận mới, không phải lo thêm trụ sở, kinh phí, tiền mua sắm xe cộ, trang thiết bị cho các cơ quan hoạt động,... Đặc biệt, chúng ta sẽ tinh giảm được một nguồn nhân sự nhất định, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Từ đó, giúp quỹ lương của nhà nước sẽ đảm bảo tốt hơn, mức sống của cán bộ công nhân viên chức ổn định hơn, giúp họ làm việc tận tâm hơn. Vậy nên, sau khi tôi đưa ra ý kiến về việc sáp nhập bộ máy hành chính các quận, huyện sẽ nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Dù sáp nhập hay chia tách, khi thực hiện cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn như về giao thông, hệ thống giấy tờ,… Nhưng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ít của người dân những khó khăn đó có thể khắc phục được.

Cũng vấn đề này, PV cũng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Phúc Lâm (chuyên gia hành chính công tại TP.HCM). Ông Lâm cho biết: “Xét dưới gốc độ địa chính, tôi nhận thấy rằng, đừng vì lý do tinh giảm biên chế mà sáp nhập quận, huyện. Bởi, sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Ngoài ra, việc sáp nhập hoặc tách một quận, huyên nào đó phải phù hợp với điều kiện thực tế kinh tế, xã hội ở đó như thế nào. Không nên đơn thuần chỉ nhìn từ khía cạnh do một đơn vị hành chính có diện tích nhỏ, quá ít dân hoặc nhập vào một đơn vị khác nhằm giảm biên chế. Mà, muốn sáp nhập một địa bàn, đơn vị nào thì phải xem xét nhiều khía cạnh từ kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, chính trị ở địa bàn đó để nhằm mục đích cuối cùng là quản lý tốt hơn, phục vụ mọi nhu cầu của người dân sâu sát hơn”.

Dưới góc độ lịch sử - xã hội học, PGS.TS. Phan An (Viện xã hội Vùng Nam Bộ) cũng bày tỏ: “Trong lịch sử, việc chia tách hay sáp nhập tỉnh thành, quận huyện nào đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, mục đích của việc chia tách, sáp nhập đó là gì? Việc sáp nhập đó có đảm bảo được lợi ích của người dân hay không? Không nên đặt nặng việc sáp nhập chỉ vì muốn tinh giảm biên chế hay giảm cơ cấu hành chính.  Còn khi bàn đến quyền lợi trong việc chia tách, sáp nhập cũng vậy. Chia tách và sáp nhập đều làm thay đổi cơ cấu hành chính. Nhưng nếu chia tách thì có khá nhiều người ủng hộ vì quyền hợi của một số cán bộ tăng lên. Còn sáp nhập lại có sự phản đối gay gắt hơn bởi quyền lợi của một số người sẽ bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm chúng ta không nên đề cập tới mà khi sáp nhập hay chia tách cần phải trả lời được câu hỏi sáp nhập như thế nào? Có hiệu quả hay không? Khi sáp nhập hay chia tách cũng phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu”.

Dương Hạnh