Sai lý lịch ĐBQH Hoàng Yến, trách nhiệm của ai?

Sai lý lịch ĐBQH Hoàng Yến, trách nhiệm của ai?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Những lùm xùm xung quanh vụ bà Đặng Thị Hoàng Yến một lần nữa cho thấy công tác kiểm tra, xác định lí lịch của đại biểu quốc hội (ĐBQH) vẫn còn quá nhiều thiếu sót.

Ngay sau khi trúng cử ĐBQH, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã vấp phải sự phản ứng của dư luận địa phương. Họ cho rằng nữ đại biểu này có dấu hiệu dùng tiền để vận động cử tri.

Ngoài ra, nữ chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Tân Tạo còn bị cho rằng thiếu trung thực khi cố tình không công khai tình trạng hôn nhân với ông Jimmy Trần (Việt Kiều Mỹ đang có lệnh truy nã tại Việt Nam).

Xã hội - Sai lý lịch ĐBQH Hoàng Yến, trách nhiệm của ai?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến

Sự việc trở nên căng thẳng hơn khi các cơ quan chức năng lần lượt vào cuộc để kiểm tra những thông tin liên quan tới bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Trong một phiên họp kín, đoàn chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam biểu quyết 100% ý kiến tán thành kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với nữ doanh nhân này.

Tuy nhiên, trả lời những phản ứng của dư luận và đại diện các cơ quan chức năng, bà Hoàng Yến luôn có những lập luận riêng cho hành động của mình.

Trong cuộc họp báo mới nhất, bà Yến cho rằng, Ủy ban bầu cử địa phương chưa làm tốt công tác hướng dẫn kê khai lí lịch. Ngoài ra, bà Hoàng Yến còn khẳng định: “Có dấu hiệu tẩy xóa, giả mạo, trong lí lịch của tôi”.

Phát biểu với báo chí, trưởng Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nương nhận xét: “Bà Hoàng Yến hoàn toàn biện minh cho những sai trái của mình”.

Tuy nhiên, những lùm xùm xung quanh sự việc nêu trên đã làm làm dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến vấn đề thẩm định hồ sơ lí lịch ĐBQH từ trước đến nay.

Có ý kiến cho rằng, câu chuyện về chiếc ghế ĐBQH của bà Hoàng Yến là biểu hiện của sự thiếu sót, chủ quan của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định lí lịch ứng cử viên ĐBQH.

Đằng sau chắc còn nhiều lý do

Ông Hà Tuấn Trung, nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết: “Hồ sơ của ĐBQH sau khi được địa phương xét duyệt sẽ chuyển lên để Quốc hội thẩm tra lại. Trước khi vào phiên họp đầu tiên, Ban thẩm tra sẽ báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về tư cách đại biểu.

Trường hợp của bà Hoàng Yến, trước đó Ban thẩm tra báo cáo không có vấn đề gì, giờ lại phát hiện ra chuyện. Như vậy không thể nói Ban thẩm tra vô can. Song trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan bầu cử và MTTQ địa phương.

Những thông tin khai trong hồ sơ của bà Yến rất dễ xác minh, phát hiện sai sót, song cơ quan thẩm tra cấp cơ sở lại không thanh lọc, kiểm tra cẩn thận. Tôi cho rằng, đằng sau đó, chắc còn nhiều lý do?.

Liên quan đến cách tổ chức bầu cử hiện nay, ông Trung đánh giá: “Tổ chức ĐBQH được phân bổ theo chỉ tiêu giới tính, Đảng viên, dân tộc…Các đơn vị bầu cử phải căn cứ vào chỉ tiêu đó để lựa chọn những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Với các bước như vậy, tiêu cực cũng rất dễ xảy ra”.

Không nên đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm:

“Trước tiên bản thân người ứng cử phải tự xem xét xem bản thân mình có đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn của ứng cử viên hay không. Nếu bản thân không thỏa mãn thì dù có trời giới thiệu đi nữa cũng không xứng đáng. Để “lọt lướt” hồ sơ không trung thực của bà Yến, nếu kiểm điểm trách nhiệm thì phải từ Ủy ban Thường vụ Quộc hội, Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử.. thậm chí đến cả cử tri. Tôi cho rằng, cần có đơn vị đứng ra tự chịu trách nhiệm chứ không thể đùn đẩy như lời Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An nói (chỉ là người đứng ra hiệp thương, tất cả hồ sơ đã gửi ra Quốc hội hết rồi, giờ Thường vụ QH chịu trách nhiệm – PV).

Tại sao ba vòng hiệp thương vẫn để lọt?

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Việc thẩm định hồ sơ ĐBQH được quy định rõ trong Luật Tổ chức bầu cử. Trước mỗi kỳ bầu cử, Hội đồng bầu cử Trung ương sẽ ra nghị quyết hướng dẫn quy trình, cách thức làm việc. Để có được danh sách ứng cử viên chính thức phải trải qua ba vòng hiệp thương chặt chẽ.

Lần thứ nhất là dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu. Lần thứ hai, hội đồng bầu cử sẽ lấy ý kiến ở nơi cư trú và làm việc của ứng cử viên. Thông thường đây là khâu nảy sinh nhiều kẽ hở. Những thông tin không trung thực có thể phát sinh từ đây. Lần thứ 3 là đưa ra danh sách ứng cử viên chính thức.

“Hội đồng bầu cử bao gồm nhiều thành phần cốt cán như đại diện các tổ chức Đảng từ TƯ đến địa phương, chính quyền cơ sở, lực lượng an ninh... Nếu bà Yến có những hành vi không trung thực đúng như báo chí nêu thì tôi vô cùng “ngạc nhiên” về quy trình kiểm tra, thẩm định của các lực lượng trên.

Tôi không thể hiểu tại sao hàng loạt con người có chuyên môn, hiểu biết lại để lọt một bộ hồ sơ không trung thực như hồ sơ của bà Hoàng Yến”.

Dùng tiền mua phiếu là coi thường tư cách ĐBQH

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Phạm Quốc Anh – chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Ngoài kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì hiện chưa có quy định nào xử lý đại biểu không trung thực. Điểm đáng chê trách nhất của bà Yến là thái độ không trung thực, lừa dối nhân dân.

Ngoài ra, bà Yến còn có hành vi mua chuộc, hối lộ tài sản khi đưa cho 1.300 cử tri mỗi người 500.000 đồng. Bà Yến đã coi thường tư cách của người ĐBQH, ngang nhiên dùng tiền để mua lá phiếu.

Sau sự việc này, chúng ta cần nhanh chóng rút kinh nghiệm từ cấp cơ sở đến cấp TƯ. Khi giới thiệu đại biểu, phải chọn những người xứng đáng, đừng để những hạt sạn như thế tồn tại trong trong Quốc hội làm mất lòng tin của nhân dân”.

Mới chỉ thẩm tra phần ngọn

Theo ông Nguyễn Ngô Hai, Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng: “Ủy ban MTTQ tỉnh Long An không thể nói rằng do mình chưa nắm rõ lí lịch của bà Hoàng Yến nên mới dẫn đến những sai sót.

Theo nguyên tắc, khi đã giới thiệu đại biểu ra ứng cử trước cử tri, cơ quan chức năng phải tiến hành khảo sát, thẩm tra lí lịch tại nơi cư trú của cử tri. Tôi có cảm giác, trong trường hợp này, họ cố tình làm tắt, chỉ kiểm tra phần ngọn mà cố tình bỏ qua phần gốc rễ. Trước bầu cử, lãnh đạo tỉnh cần có công văn, yêu cầu cấp cơ sở, dân phố nhận xét về đạo

Khó nắm bắt với người sống hai mặt

Ông Nguyễn Hoài Bão, nguyên phó trưởng ban Dân vận T.Ư Đảng nhận định: “Về nguyên tắc, ĐBQH phải là phải có trí tuệ. Bởi vậy, sự góp mặt của các doanh nhân trong hàng ngũ Quốc hội là một điều đáng ghi nhận và hoan nghênh.

Việc bà Hoàng Yến tri ân, biếu quà cho người dân tại nơi làm việc cũng là một điều đáng quý. Vì ở đó, dân đang nghèo, cho tiền là thiết thực nhất.

Tuy nhiên, cũng phải xét đến trường hợp bà Hoàng Yến là người sống hai mặt. Lối sống này khiến người khác rất khó nắm bắt. Lúc được giới thiệu ứng cử ĐBQH, có thể bà Yến đang có những thành tích đóng góp trong xây dựng quê hương. Những vết đen trong quá khứ vì những lí do khác mà bị che giấu.”

Hạnh - Đào